Vận động viên Phạm Thị Hồng Lệ là cái tên đã quá quen thuộc đối với các cự ly 5.000m, 10.000m hay marathon, nhưng cô đã quyết định rời đội tuyển điền kinh quốc gia trong năm nay.
"Thành tích của tôi cũng không có gì nổi bật", đó là chia sẻ đầy khiêm tốn của vận động viên (VĐV) điền kinh Phạm Thị Hồng Lệ với Dân trí khi cô nhìn lại sự nghiệp thi đấu trước khi quyết định chia tay đội tuyển điền kinh quốc gia từ năm 2024.
Không có gì nổi bật là lời nói khiêm tốn của cô gái nhỏ nhắn gốc Bình Định, người chỉ cao 1m52 nhưng ý chí và nghị lực của cô khiến các VĐV trong giới chạy bộ đường trường phải nể phục, thậm chí gọi cô bằng biệt danh "bông hồng thép" trên đường đua khắc nghiệt.
Hồng Lệ là gương mặt quen thuộc với người hâm mộ ở môn thể thao chạy bộ đường trường (Ảnh: Mạnh Quân).
Sau 4 lần tham dự SEA Games, Hồng Lệ giành được 1 HCV, 4 HCB và 2 HCĐ. Cô khởi đầu bằng HCĐ 10.000 m tại SEA Games 2017. Đến SEA Games 2019, Hồng Lệ giành HCB 10.000m và HCĐ marathon với hình ảnh ngất xỉu sau khi cán đích, phải thở oxy.
Ở kỳ tiếp theo tại Việt Nam, cô gái Bình Định tập trung vào cự ly 10.000m và giành HCV SEA Games đầu tiên trong sự nghiệp, cùng HCB 5.000 m. Tại SEA Games 2023 diễn ra tại Campuchia, cô giành HCB 5.000 m và 10.000 m.
Hồng Lệ giành 1 HCV, 4 HCB và 2 HCĐ sau 4 lần tham dự SEA Games (Ảnh: NVCC).
Các danh hiệu của Hồng Lệ ở các giải đấu trong nước thì nhiều không đếm xuể. Vậy nên quyết định từ giã đội tuyển quốc gia của VĐV sinh năm 1988 khiến nhiều người cảm thấy bất ngờ và tiếc nuối.
Xin chào Hồng Lệ, nhiều người cảm thấy bất ngờ trước việc bạn quyết định từ giã đội tuyển điền kinh quốc gia. Đâu là lý do để bạn đưa ra quyết định này khi được xem là vẫn đủ khả năng cạnh tranh huy chương với các đồng đội khác?
- Gần 11 năm tới với thể thao, 7 năm liên tiếp được tập trung đội tuyển điền kinh Việt Nam, tôi vẫn đam mê và yêu thích bộ môn này. Nên tôi thực sự đã đắn đo và suy nghĩ rất nhiều khi quyết định giã từ đội tuyển quốc gia.
Tôi phải rất khó khăn để giành được suất lên tuyển, được đại diện cho màu cờ sắc áo của đất nước, nên từ bỏ nó cũng là điều không dễ dàng. Nhưng tôi đã có chọn lựa, định hướng riêng cho mình trong thời gian tới nên muốn dừng lại ở thời điểm này.
Khi giải nghệ, tôi cảm thấy thoải mái hơn, không còn bị áp lực nhiều bởi thành tích nữa và tôi muốn sống cho bản thân mình nhiều hơn. Hiện tại cuộc sống của tôi sau khi rời đội tuyển rất thoải mái. Tôi được làm những gì mình thích và thích những gì mình làm.
Tôi chỉ đi thi đấu các giải mà tôi thích, được xem những bộ phim ngoài giờ, điều mà trước kia tôi buộc phải đi ngủ để đảm bảo sức khỏe. Ngoài ra tôi có thêm thời gian tập trung vào công việc kinh doanh cá nhân.
Khi giã từ rồi, nhìn lại chặng đường đã qua, bạn có thấy tiếc nuối điều gì không?
- Có những giải đấu tôi tiếc nuối vì mình chuẩn bị chưa tốt và thể hiện chưa tốt, và đó là điều tôi cảm thấy tiếc nuối nhất. Như ở kỳ SEA Games 30 năm 2019, tôi gục ngã rồi ngất ở vạch đích và chỉ giành được tấm HCĐ cự ly marathon 42km.
Tôi phải nhờ người khiêng cáng chứ không đi được nữa, nằm thở ô xy với sự giúp đỡ của các bác sĩ. Mỗi lần nhớ lại kỷ niệm đó tôi vẫn bồi hồi xúc động, bởi đó là giải đấu mà nếu tôi không mắc sai lầm thì có thể giành được HCV chứ không chỉ là tấm HCĐ.
Hồng Lệ phải nhờ sự hỗ trợ của bộ phận y tế khi kiệt sức ở vạch đích và chỉ giành HCĐ nội dung cự ly marathon SEA Games 30 (Ảnh: NVCC).
Ở cuộc đua đó, thời tiết tại Philippines rất khắc nghiệt. Trời nắng chang chang 35 đến 36 độ C, trên đường chạy thì không có lấy một bóng cây. Tôi cũng tính toán sai chiến thuật nên bị kiệt sức khi chỉ còn cách vạch đích 6km nữa.
Dưới cái nắng nóng tôi gần như chẳng còn sức để bước tiếp nữa. Nhưng nhìn huấn luyện viên đi theo bên cạnh để động viên và tôi quyết tâm không bao giờ bỏ cuộc ở giải đấu lớn nên vẫn cố gắng dành hết sức lực còn lại để đi về đến đích.
Về đến đích thì tôi vừa bị chuột rút vừa bị tụt canxi khiến toàn thân co cứng phải nhờ sự can thiệp của bộ phận y tế cũng như sự hỗ trợ của đồng đội để lên bục nhận huy chương. Đó cũng là bài học và kinh nghiệm xương máu của tôi khi đã tuột mất chiếc huy chương vàng mà tôi mơ ước và có khả năng tranh chấp được.
Hẳn là bạn phải tiếc lắm?
- Đúng rồi, nếu không sai lầm thì có thể màu huy chương của tôi đã khác. Nhưng cũng nhờ bài học xương máu này giúp tôi trưởng thành hơn ở các giải đấu tiếp theo.
Đó thực sự là một kỳ SEA Games tôi không bao giờ quên được và cũng là bước đệm để tôi chuyển sang một giai đoạn mới, một hành trình mới. Cũng nhờ vậy mà ở SEA Games 31 năm 2022 diễn ra ở Việt Nam, tôi đổi màu huy chương thành công với tấm HCV ở nội dung chạy 10.000m nữ.
Hồng Lệ khẳng định cô chưa bao giờ bỏ cuộc khi tham dự các giải đấu lớn, dù nhiều lần đổ gục ngay trên vạch đích (Ảnh: NVCC).
Hồng Lệ được nhiều người xem là thần tượng trên đường chạy marathon, thế còn bản thân bạn có thần tượng ai ở môn thể thao khắc nghiệt này không?
- Mỗi người sẽ có một thể chất và một thể trạng khác nhau cho nên việc thần tượng một ai đó cũng sẽ không làm bạn tốt hơn nhiều đâu. Tôi thì nghĩ rằng chúng ta nên thần tượng chính bản thân mình, luôn phát huy ý chí, cố gắng nỗ lực để giúp mình có thêm động lực, để làm tốt hơn những mục tiêu mà mình đặt ra.
Việc đề ra mục tiêu và định hướng để phát triển bản thân một cách khoa học chính là động lực mang tới những thành công của tôi, có lẽ là thế.
Luôn đặt ra mục tiêu, vậy phương châm trong cuộc sống của Hồng Lệ là gì?
- Hãy yêu đời, sống tốt và tận hưởng những gì mình thích bởi vì không có ai có thể sống thay cuộc đời của bạn.
Nếu được nhắn gửi tới mọi người, tôi nghĩ mỗi người chúng ta cứ hết mình theo đuổi đam mê đừng để đến một lúc nào đó mình phải hối hận vì từ bỏ khi chưa thật sự cố gắng.
Xin cảm ơn Hồng Lệ về những chia sẻ này!
Theo dantri.com.vn