Sau khi chứng kiến hai trận thua của tuyển Việt Nam trước Indonesia, nhiều người đặt ra câu hỏi này. Việc nhập tịch là xu thế tất yếu của bóng đá thế giới nhưng đội tuyển Việt Nam cần "ứng xử" ra sao?
Cái kết buồn với những cầu thủ "ngoại binh"
Fabio Dos Santos (hay còn gọi là Phan Văn Santos) luôn là cái tên đầu tiên người ta nhắc tới mỗi khi nói về vấn đề nhập tịch. Không ai phủ nhận tài năng của Phan Văn Santos nhưng tên của anh luôn gợi lên ký ức đau buồn.
Santos là cầu thủ ngoại đầu tiên được lên khoác áo đội tuyển Việt Nam. Thủ thành sinh năm 1977 từng được HLV Henrique Calisto triệu tập lên đội tuyển Việt Nam chuẩn bị cho AFF Cup 2008. Anh đánh dấu trận đấu lịch sử khi lần đầu tiên ra sân cho "Những chiến binh sao vàng" trong trận giao hữu với Olympic Brazil vào ngày 1/8/2008.
Nhưng rồi, Santos lại tự đóng cánh cửa của mình. Không biết vô tình hay cố ý, thủ thành sinh năm 1977 đã hát quốc ca Brazil dù khoác lên mình chiếc áo đội tuyển Việt Nam.
Hành động ấy đã khiến cho mối lương duyên của Santos và đội tuyển Việt Nam khép lại nhanh chóng. Thậm chí, nó khiến cho cơ hội để các cầu thủ nhập tịch khác lên đội tuyển quốc gia trở nên khó khăn hơn.
Dàn cầu thủ nhập tịch giúp Indonesia hai lần đánh bại đội tuyển Việt Nam trong tháng 3 (Ảnh: Mạnh Quân).
Sau này, một vài trường hợp khác như Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max hay Huỳnh Kesley Alves chỉ xuất hiện ở đội tuyển Việt Nam như "cơn gió" (đá một trận) rồi nhanh chóng trôi qua. Từ đó tới nay (năm 2009), không còn cầu thủ ngoại nhập tịch Việt Nam khoác lên mình màu áo sao vàng.
Ngoài yếu tố chuyên môn, các cầu thủ nhập tịch còn phải thể hiện sự hòa nhập với tập thể cũng như tinh thần dân tộc Việt Nam. Đó là lý do nhiều "ông Tây" sau này luôn vướng "rào cản vô hình" và chưa thể lên khoác áo "Rồng vàng".
Nhập tịch hay không nhập tịch?
Đó là câu hỏi luôn tồn tại ở mỗi đội tuyển quốc gia. Tùy theo mức độ chấp nhận của dư luận, mỗi đội bóng có động thái sử dụng cầu thủ nhập tịch khác nhau. Đơn cử như đội tuyển Pháp từng lên ngôi vô địch thế giới với phần lớn cầu thủ gốc Phi.
Đội tuyển Singapore từng "làm mưa làm gió" ở Đông Nam Á nhờ chính sách nhập tịch. Liên đoàn bóng đá Singapore (FAS) từng xây dựng đề án có tên "Chương trình Tài năng Thể thao nước ngoài" vào năm 2000. Họ không ngần ngại mở cửa chào đón những ngoại binh sẵn sàng cống hiến cho đội tuyển Singapore.
Cuối cùng, thế hệ của Mirko Grabovac (Croatia), Egmar Goncalves (Brazil), Daniel Bennett (Anh), Agu Casmir và Itimi Dickson (Nigeria) đã tạo nên sắc màu mới cho bóng đá ở đảo quốc Sư tử. Không thể phủ nhận, họ đã thành công với chính sách này.
Agu Casmir, cầu thủ nhập tịch tiêu biểu trong giai đoạn thành công của Singapore (Ảnh: Getty).
Tương tự, Malaysia sở hữu dàn "ngoại binh" sáng giá như Mohamadou Sumareh (Gambia), Romel Morales (Colombia), Stuart Wilkin (Anh), Endrick (Brazil), Brendan Gan (Australia), Natxo Insa (Tây Ban Nha). Indonesia đã vươn lên vô cùng mạnh mẽ trong thời gian qua nhờ sự đóng góp của những cầu thủ "gốc gác" Indonesia nhưng sinh ra và trưởng thành ở châu Âu.
HLV kỳ cựu Marcelo Lippi từng nổi tiếng với tuyên bố: "Nếu nhập tịch được Messi lẫn C.Ronaldo, tôi cũng sẵn sàng gọi lên đội tuyển Trung Quốc".
Thế nhưng, không phải ở nơi nào, "ngoại binh" cũng được chào đón. Tiêu biểu là đội tuyển Italy. Trong nhiều năm qua, mảnh đất hình chiếc Ủng luôn chia làm hai phe. Ủng hộ và không ủng hộ Oriundi (cầu thủ có dòng máu Italy nhưng sinh ra và lớn lên ở nước ngoài). Đương nhiên, phe không ủng hộ luôn chiếm ưu thế.
Mario Balotelli từng là nạn nhân của "làn sóng tẩy chay Oriundi" khi hứng chịu sự phản đối và chế giễu quyết liệt từ chính cổ động viên nhà. Cựu HLV Italy, Roberto Mancini từng thẳng thừng tuyên bố: "Đội tuyển Italy nên là của những người Italy từ khi sinh ra.
Những người có dòng máu Italy nhưng không sinh ra ở đất nước không nên xuất hiện trong đội tuyển quốc gia".
Nói vậy để thấy, việc sử dụng cầu thủ nhập tịch hay không nhập tịch vẫn là câu chuyện tranh cãi. Nó phụ thuộc và ý chí và quan điểm của từng HLV và dư luận từng quốc gia.
Không phải Oriundi nào cũng được đón nhận ở đội tuyển Italy như Jorginho, Mateo Retegui hay Mauro Camoranesi (Ảnh: Sky).
Phát triển bền vững là yếu tố tiên quyết
Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) chưa bao giờ đóng cửa với cầu thủ mang dòng máu Việt Nam muốn cống hiến cho đội tuyển quốc gia. Trường hợp của Mạc Hồng Quân, Đặng Văn Lâm hay Nguyễn Filip mới đây là minh chứng cho điều đó.
Đặc biệt ở cấp độ đội tuyển, VFF nhiều lần tạo điều kiện thử chân các cầu thủ Việt kiều như Martin Lo hay mới nhất là Andrej Nguyễn An Khánh. Tuy nhiên, họ vẫn chưa thể hiện được mình và không tạo ra nhiều dấu ấn.
Còn nhớ, trong thời gian dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, HLV Park Hang Seo từng lặn lội sang tận châu Âu để "xem giò" Alexander Đặng, Filip Nguyễn hay Jason Pendant. Thế nhưng, do có quá ít thời gian nên ông chưa chấm được cầu thủ nào.
Bên cạnh đó, trước hết muốn các cầu thủ này có thể khoác áo đội tuyển Việt Nam, họ cần phải hoàn tất quá trình nhập tịch Việt Nam (giống như Filip Nguyễn). Vì vậy, không phải ai cũng có duyên với màu áo đội tuyển Việt Nam.
Cần nhấn mạnh, việc sử dụng cầu thủ nhập tịch là xu thế của bóng đá thế giới. Các đội bóng luôn cố gắng triệu tập những cầu thủ giỏi nhất từ khắp nơi trên thế giới để tạo nên sức mạnh tốt nhất cho đội tuyển quốc gia.
Việc nhập tịch ồ ạt chỉ mang tới tác dụng trong tương lai gần. Nếu muốn phát triển bền vững, bóng đá Việt Nam cần xây dựng hệ thống đào tạo trẻ đủ tốt, để xây dựng nền móng vững chắc (Ảnh: Tiến Tuấn).
Thế nhưng, vấn đề nào cũng có hai mặt. Việc sử dụng cầu thủ nhập tịch chỉ mang tới tác dụng tạm thời (nếu thành công). Singapore là ví dụ điển hình. Vì quá say sưa nhập tịch cầu thủ, họ đã bỏ lại khoảng trống phía sau quá lớn.
Tới tận bây giờ, họ vẫn chưa khôi phục được vị thế. Đội tuyển Trung Quốc cũng vậy. Họ không thể che lấp được yếu kém của chất lượng cầu thủ quốc nội và rồi kế hoạch tan vỡ.
Nếu các đội bóng cố gắng lấp đầy đội tuyển quốc gia bằng các cầu thủ nhập tịch, hệ lụy chính là các cầu thủ quốc nội và những tài năng trẻ sẽ không có đất diễn hoặc tắt động lực phấn đấu. Điều đó có thể kéo theo sự sụp đổ của cả hệ thống bóng đá khi không còn nguồn lực từ các cầu thủ nhập tịch.
Tất nhiên, không đội bóng mạnh nào trên thế giới phụ thuộc vào lực lượng nhập tịch. Những cường quốc bóng đá đều có hệ thống đào tạo trẻ hàng đầu thế giới. Có thể ví, việc đào tạo trẻ giống như xây dựng nền móng cho ngôi nhà. Chỉ khi nền móng này vững chắc, ngôi nhà mới thực sự đứng vững.
Chuyên gia Scotland, Richard Harcus, chỉ ra vấn đề này khi trả lời Dân trí: "Mỗi đội tại V-League 1 lẫn V-League 2 đều nên có một học viện bóng đá. Mọi CLB cần đáp ứng quy định của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) về giấy phép hoạt động, ngay cả với những đội bóng ở hạng thấp nhất.
Filip Nguyễn là trường hợp cầu thủ nhập tịch hiếm hoi khẳng định chỗ đứng ở đội tuyển Việt Nam (Ảnh: Tiến Tuấn).
Tất nhiên, tất cả cần có một kế hoạch và mục tiêu để phát triển, được hỗ trợ từ VFF và VPF cũng như những tổ chức liên quan. Một lần nữa, điều này liên quan đến giáo dục và đào tạo, đòi hỏi nhận thức về sự cần thiết của việc thay đổi tư duy làm bóng đá".
Chính vì vậy, nếu muốn thực sự vươn mình, đội tuyển Việt Nam có thể trải qua quá trình đớn đau, để xây dựng vững chắc nền móng. Thời kỳ hoàng kim cùng HLV Park Hang Seo đã qua đi, giờ đây, bóng đá Việt Nam bắt đầu thời kỳ xây dựng lại.
Thất bại cùng với HLV Troussier suy cho cùng cũng là điều tốt. Nó cho thấy đội tuyển Việt Nam đang ở đâu để xây dựng lại đội bóng. Tất nhiên, trong quá trình này, người hâm mộ cần sự kiên nhẫn. Mọi thứ không thể nóng vội.
Theo dantri.com.vn