Kiên quyết xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn trong dịp Tết Canh Tý

Thứ 4, 22.01.2020 | 09:47:13
344 lượt xem

Từ khi Nghị định 100 có hiệu lực, tình hình tai nạn giao thông đã có những tín hiệu tích cực, giảm về số vụ, số người chết và số người bị thương.

“Việt Nam là một trong những cường quốc tiêu thụ rượu, bia trên thế giới”. Đó là một trong những kỷ lục luôn “đeo đẳng” nhiều năm nay. Hệ lụy của nó dẫn đến gia tăng đáng báo động về tai nạn giao thông.

Chưa đầy một tháng sau khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 của Chính phủ có hiệu lực, tình trạng sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông đã giảm đáng kể. Chưa bao giờ khái niệm “nồng độ cồn” lại được nhắc nhiều đến thế. Vậy cần làm gì để những văn bản luật này được thực thi một cách nghiêm túc trong cuộc sống để thực hiện nghiêm chủ trương “Đã uống rượu, bia-không lái xe”. 

kien quyet xu ly lai xe vi pham nong do con trong dip tet canh ty hinh 1
 

Từ khi triển khai Nghị định 100 của Chính phủ đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã kiểm tra, xử lý hơn 300 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, phạt hơn 1,5 tỷ đồng, tạm giữ hơn 300 phương tiện, tước 271 giấy phép lái xe. Qua đó, tình hình tai nạn giao thông đã có những tín hiệu tích cực, giảm về số vụ, số người chết và số người bị thương. 

Mặc dù đây mới kết quả ban đầu khi thực hiện Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia và Nghị định số 100/2019 của Chính phủ nhưng đây sự thay đổi mà mọi người dân đều mong chờ. Đa số người dân đều rất đồng tình, ủng hộ với việc xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Việc cấm uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là rất tốt và cần thiết, bởi vì thực tế cho thấy, những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trong thời gian qua đa phần đều liên quan đến việc sử dụng rượu, bia.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng ở Quận Nam Từ Liêm bày tỏ: “Cái này đáng lẽ chúng ta phải làm từ rất lâu rồi, bởi vì có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xuất phát từ rượu, bia”.

Ông Trần Văn Chiến ở Long Biên Hà Nội cũng cho rằng: “Theo tôi thế là đúng, bởi ở nước ta chế tài xử phạt là quá thấp cho nên người dân coi thường và không chấp hành. Bây giờ mức phạt cao lên và tước bằng lái xe để cho lái xe và những người dân đi xe máy, ô tô phải nghiêm chỉnh chấp hành”.

Để bảo đảm cho người dân vui chơi, đi lại an toàn vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Công an Thành phố sẽ tập trung triển khai các giải pháp góp phần đảm bảo tình hình trật tự an toàn giao thông, trong đó tập trung thực hiện các giải pháp phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông xảy ra. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, đặc biệt là các trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm soát và chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật. 

Thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội cho biết: “Chúng tôi quyết tâm làm thay đổi ý thức, nhận thức của người tham gia giao thông. Đồng thời đây cũng là một lời cảnh tỉnh đối với người tham gia giao thông bởi hiện nay vẫn còn có nhiều người chưa quan tâm lắm đến việc tham gia giao thông an toàn. Đây là cũng là thời điểm để mỗi người dân nhận thức rằng mình không chỉ có trách nhiệm với bản thân mà còn có trách nhiệm với cả xã hội. Chúng tôi mong nhận được sự đồng tình, ủng hộ của quần chúng nhân dân để chúng tôi thực thi nhiệm vụ và  hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, thời gian qua các Bộ, ngành, địa phương đã đồng loạt triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng người đã sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông, cùng với đó là sự vào cuộc mạnh mẽ, hiệu quả của các cơ quan truyền thông. 

Tình hình trật tự an toàn giao thông đã có chuyển biến rất tích cực, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông được nâng lên, tai nạn giao thông đã giảm nhiều, đặc biệt là nhận được sự quan tâm, đồng tình, ủng hộ của nhân dân cả nước. Điều đó cho thấy những quy định của pháp luật hiện hành phù hợp với thực tiễn, đi vào cuộc sống và thể hiện tính răn đe, giáo dục, tuyên truyền để người dân thay đổi thói quen, dần hình thành văn hóa sử dụng rượu, bia lành mạnh, đặc biệt là giảm thiểu tai nạn giao thông do vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

“Tôi nghĩ đây là văn bản mang đầy tính nhân văn, thể hiện ý chí của Đảng, Nhà nước vì xã hội, vì người dân. Ở đây luật không cấm mọi người uống rượu, nhưng chúng ta uống phải có trách nhiệm và đã uống rượu, bia thì không được lái xe. Vì vậy, chúng ta phải thay đổi tư duy, thay vì chúng ta sử dụng phương tiện cá nhân đến đến mỗi cuộc nhậu, đến mỗi đám cưới để uống thì chúng ta sẽ có ý thức hơn khi đi có người đi cùng không uống để lái xe hay chúng ta đi phương tiện công cộng, tôi nghĩ đây chính là tính đúng đắn của luật pháp, tính nhân văn của luật pháp”, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông cho biết.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, sau khi Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100 có hiệu lực, hiệu quả, hiệu lực trong thực tế cuộc sống không chỉ thấy qua việc ra quân đồng bộ, rộng khắp của lực lượng chức năng trên cả nước thời gian qua mà quan trọng hơn là sự chuyển biến về ý thức, nhận thức của người dân, đặc biệt là người tham gia giao thông. Cũng theo ông Hùng, có thể nói, ít thấy một chính sách nào lại đi vào cuộc sống một cách nhanh chóng và hiệu quả như vậy.

“Việc thực hiện nghiêm Nghị định 100 làm cho tai nạn giao thông giảm rất sâu. Đây là văn bản rất hiếm từ xưa đến nay nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân. Trong dịp cao điểm như thế này khi Tết Dương lịch, Tết nguyên đán rất gần nhau nên lực lượng cảnh sát giao thông và công an các địa phương cần duy trì nghiêm các chỉ đạo về công tác đảm bảo an ninh trật tự đặc biệt tăng xử lý vi phạm nhất là trong những ngày Tết và duy trì trong suốt dịp cao điểm và trong năm 2020 để tạo một chuyển biến mạnh về văn hóa giao thông, đặc biệt là văn hóa sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, giúp kéo giảm tai nạn giao thông trong năm 2020”, ông Hùng nhấn mạnh.

Trước những chuyển biến tích cực trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông, mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có Chỉ thị về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Nghị định số 100. 

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng thực hiện nghiêm: "Đã uống rượu, bia - không lái xe"; trong đó cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải nêu gương hành động. Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định số 100; đặc biệt trong dịp cao điểm Tết Canh Tý và các lễ hội Xuân, duy trì thực hiện nghiêm trong năm 2020.  Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không can thiệp hoặc để xảy ra việc can thiệp làm sai lệch kết quả xử lý vi phạm, dẫn đến các hành vi tiêu cực trong thực thi công vụ.

Nghị định 100 bước đầu đã tạo hiệu ứng tích cực, làm thay đổi nhận thức và hành vi của người tham gia giao thông là "đã uống rượu là không lái xe". Thế nhưng, để chính sách này phát huy hiệu quả đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, tránh tình trạng "đầu voi, đuôi chuột" của lực lượng thực thi công vụ. Nếu lực lượng chức năng chỉ ra quân rầm rộ rồi sau đó lại buông lỏng, thậm chí tiêu cực thì chính sách dù đúng đắn và được người dân đồng tình ủng hộ thì khó đi vào thực tiễn cuộc sống./.


Việt Cường/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/kien-quyet-xu-ly-lai-xe-vi-pham-nong-do-con-trong-dip-tet-canh-ty-1002934.vov

  • Từ khóa