Cẩn trọng với “chiêu trò” giảm giá, khuyến mãi dịp cuối năm

Chủ nhật, 17.12.2023 | 09:16:42
495 lượt xem

Dịp cuối năm, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Đây cũng là thời điểm các siêu thị, cửa hàng bán lẻ đồng loạt tung ra những chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu nhằm kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, không ít đối tượng dùng các “chiêu trò” khuyến mãi ảo để lừa dối khách hàng, kiếm lời bất chính.

Người tiêu dùng cần cảnh giác trước quảng cáo sản phẩm giảm giá sử dụng hình ảnh những thương hiệu lớn. (Ảnh MINH HÀ)

Thời điểm này đi đến bất kỳ cửa hàng mua sắm nào trên đường phố Hà Nội, không ít cửa hàng đồ công nghệ, điện tử, điện lạnh, thời trang tới các mặt hàng gia dụng đều treo biển giảm giá sốc, từ 30% đến 50%.

Nhiều thương hiệu còn đưa ra mức giảm lên tới 70%-80% toàn bộ sản phẩm, thậm chí nhiều cửa hàng còn đưa ra chính sách mua một tặng một, mua hai tặng một… nhằm thu hút người tiêu dùng. Các trang mạng mua bán hàng online, những chương trình giảm giá, tặng quà khi mua hàng cũng rầm rộ không kém. Có những nơi, người dân xếp hàng cả dãy dài, để mua những món hàng giảm giá…

Tuy nhiên, sau khi mua, mang sản phẩm về nhà, nhiều người mới biết sản phẩm không như mong đợi và giá cũng không hề rẻ. Nắm được tâm lý chung là rất nhiều người tiêu dùng mong đợi dịp “săn” hàng giảm giá cuối năm nên không ít cửa hàng lợi dụng để dễ dàng đẩy hàng tồn, hàng lỗi mốt, ế ẩm, thậm chí hàng “nhái”.

Nếu không cẩn trọng, người mua dễ “sa bẫy”, mua phải hàng kém chất lượng hoặc giá “đội” so với giá trị thật. Một “chiêu” các cửa hàng thường áp dụng đẩy giá lên cao rồi gắn mác giảm giá 50%-70% để “câu” khách. Bên cạnh đó, người mua thường bị “hút” vào chiêu quảng cáo “số lượng có hạn”. Nhiều cửa hàng treo băng-rôn, áp-phích bắt mắt, dòng chữ “Sale off lên tới 70%, giá chỉ từ 99 nghìn đồng”, nhưng khi vào trong, người mua mới biết hàng khuyến mãi chỉ có rất ít. Những bộ quần áo bắt mắt trước cửa hiệu chỉ để gây ấn tượng, còn đa số các mặt hàng được khuyến mãi đều có mẫu mã cũ, trái mùa, thậm chí chất lượng kém.

Chị Hoàng Thu, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, do có nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá được quảng cáo rầm rộ cho nên chị cùng cả gia đình đi mua sắm tại một trung tâm thương mại trên phố Cầu Giấy. Chỉ vào chiếc túi xách trên kệ, chị được nhân viên tư vấn cho biết, sản phẩm này giảm giá lên đến 60%.

“Chiếc túi đó có mầu sắc khá tối, cũng không còn hợp mốt năm nay. Khi tôi hỏi giá, chủ cửa hàng lấy từ trong chiếc túi ra một mảnh giấy được ghi giá niêm yết, giá giảm bằng tay rất sơ sài, có giá ban đầu là hơn 12 triệu đồng, được giảm giá 60%, còn khoảng 5 triệu đồng. Nhưng đây là chiếc túi đã lỗi mốt, mầu cũ kỹ, dù có giảm giá đến 60% vẫn không xứng đáng. Theo tôi nghĩ, cửa hàng đã tự nâng giá lên cao để rồi giảm giá” - chị chia sẻ.

Anh Tiến Nam, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội thì cho hay, hưởng ứng chương trình khuyến mãi cuối năm kích cầu tiêu dùng, rất nhiều cửa hàng điện máy trên địa bàn Thủ đô Hà Nội tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá hút khách. Tuy nhiên, không ít khách hàng tinh ý nhận ra có những sản phẩm tại các cửa hàng, siêu thị điện máy dù đã giảm giá đến 20%-30% vẫn đắt hơn so với giá tại các cửa hàng khác.

Một số cửa hàng giới thiệu cho khách những mặt hàng tuy cùng mẫu mã, chủng loại nhưng khác về thông số kỹ thuật, thiếu một số chức năng, công dụng. Riêng với mặt hàng điện tử, cửa hàng thường niêm yết giá cũ là giá lúc mặt hàng mới ra thị trường, còn giá khuyến mãi là giá trị hiện tại của mặt hàng đó để dán mác giảm giá.

“Chiêu trò” còn được áp dụng khi những khách hàng có hóa đơn có giá trị cao mới được mua thêm sản phẩm khuyến mãi, quà tặng… Nếu không cẩn thận khách hàng còn hoa mắt với con số khuyến mại mà quên đi chất lượng thật của sản phẩm, mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng...

Trong ngày mua sắm lớn, số lượng mặt hàng giảm giá là rất lớn, vì vậy nhiều người dùng sẽ vào các trang web hoặc ứng dụng tổng hợp giảm giá để tìm kiếm. Đây cũng là cơ hội các hacker làm ra các ứng dụng giả mạo, chứa mã độc. Lợi dụng tâm lý người dùng sẵn sàng bỏ qua nguy cơ bảo mật để có giá tốt.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tổ chức tuyên truyền những quy định về hoạt động khuyến mãi cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Công khai quy trình đăng ký, việc tổ chức các hoạt động khuyến mãi cũng như bố trí nhân lực tiếp nhận hồ sơ thông báo, đăng ký hoạt động khuyến mãi. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, bán hàng kém chất lượng.

Các doanh nghiệp cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về hoạt động khuyến mãi, như: Công khai các thông tin về tên gọi, địa bàn hoạt động, thời gian khuyến mại, ngày bắt đầu, ngày kết thúc và số lượng quà tặng, khuyến mãi…

Các chương trình khuyến mại phải được thực hiện hợp pháp, trung thực, công khai, minh bạch, được tuyên truyền rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng và không được xâm hại đến lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Mỗi khách hàng trước khi đi mua hàng cần tìm hiểu kỹ về chương trình khuyến mãi, yêu cầu người bán hàng thực hiện nghiêm túc chương trình như đã cam kết, mạnh dạn thông báo đến Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết, bồi thường các thiệt hại khi phát hiện quyền lợi của mình bị xâm phạm.

“Để hoạt động khuyến mãi đi vào nền nếp, Sở Công thương sẽ tăng cường công tác theo dõi, giám sát hoạt động khuyến mãi trên địa bàn; đồng thời, chỉ đạo lực lượng thanh tra tích cực phối hợp Cục Quản lý thị trường, ủy ban nhân dân các quận, huyện để tổ chức kiểm tra, kiểm soát về chất lượng, nhãn mác, xuất xứ hàng hóa và việc thực hiện các quy định của pháp luật khi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện các chương trình khuyến mãi…”.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/can-trong-voi-chieu-tro-giam-gia-khuyen-mai-dip-cuoi-nam-post787910.html

  • Từ khóa