Bắc Sơn: Nguy cơ mai một giống quýt vàng bản địa

Thứ 3, 19.12.2023 | 09:25:14
635 lượt xem

Những năm qua, quýt vàng là cây trồng chủ lực của huyện Bắc Sơn, đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay tại nhiều nơi quýt đã bị thoái hóa.

Người dân xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn kiểm tra sâu bệnh trên cây quýt

Đầu tháng 12/2023, chúng tôi có dịp đến thực tế một số vườn quýt tại xã Chiến Thắng, một trong những xã có diện tích trồng quýt lớn trên địa bàn huyện Bắc Sơn. Tại đây, những vườn quýt từng sai trĩu quả giờ trở nên xơ xác. Ông Đặng Văn Lương, thôn Hồng Vi, xã Chiến Thắng rầu rĩ: Thời điểm này năm trước, cây nào cây nấy quả sai trĩu cành, nhưng năm nay cây quýt chỉ lưa thưa quả, quả nhỏ, không chín đều, nửa chua nửa ngọt. Vườn quýt hơn 1.300 cây của gia đình giờ chỉ còn lác đác vài trăm cây. Từ đầu năm 2023 đến nay, gia đình phải chặt bỏ trên 1.000 cây quýt bị bệnh vàng lá thối rễ. Mọi năm, vào vụ gia đình tôi thu được từ 9 đến 10 tấn quả, nhưng năm nay, chỉ thu được 4 đến 5 tạ quả.

Không chỉ riêng ông Lương, vườn quýt của gia đình ông Dương Công Thư, thôn Đông Đằng, xã Bắc Quỳnh cũng gặp phải tình trạng tương tự. Ông Thư chia sẻ: Khi phát hiện vườn quýt của gia đình có dấu hiệu bị bệnh, tôi đã dùng vôi bột, một số loại thuốc hóa học để phun nhưng không có hiệu quả. Tôi đã báo cáo với UBND xã và đã có đoàn làm việc của cơ quan chuyên môn về khảo sát, nhưng đến nay chưa có thông tin về các biện pháp khắc phục. Vườn quýt hơn 1.000 cây của gia đình nay chỉ còn hơn 100 cây. Sau khi nhổ bỏ các cây bị bệnh, tôi dự định sẽ trồng ổi và cam đường canh thay vì trồng quýt như trước đây.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, khoảng 3 năm trở lại đây, cây quýt trên địa bàn huyện bắt đầu xuất hiện bệnh vàng lá, gân xanh và thối rễ. Biểu hiện ban đầu lá cây bị vàng cả phiến lá và gân lá, lúc đầu có thể vàng một vài nhánh sau đó lan sang toàn cây; bộ rễ cây bị thối từ rễ nhỏ lan dần sang rễ lớn làm cây bị chết khô.

Theo số liệu từ Cục thống kê tỉnh, hiện nay, diện tích trồng quýt trên địa bàn huyện Bắc Sơn chỉ còn hơn 400 ha, giảm 120 ha so với năm 2021 (năm 2023 toàn huyện không có diện tích trồng mới), sản lượng thu hoạch ước đạt trên 1.600 tấn, giảm trên 400 tấn so với năm 2021. Trước thực tế đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã tiến hành khảo sát, kiểm tra thực tế tại một số vườn quýt trên địa bàn huyện và lấy mẫu đất, mẫu trên cây ăn quả để giám định. Qua khảo sát, phân tích mẫu cho thấy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng cây quýt bị vàng lá gân xanh, thối rễ là do các tác nhân sinh vật đất gây hại bộ rễ và do kỹ thuật canh tác, chăm sóc của người dân chưa đúng quy trình. Cụ thể, vườn cây thoát nước kém, lạm dụng phân bón hóa học dẫn đến bộ rễ lão hóa nhanh, đất chua và phá vỡ cấu trúc đất dẫn đến nguồn dinh dưỡng không được vận chuyển lên cây đầy đủ và kịp thời làm cho cây còi cọc, suy yếu dần và chết.

Ông Dương Văn Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Ngay sau khi tìm hiểu được rõ nguyên nhân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã trực tiếp hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng trừ như: tạo tán, tỉa cành để vườn thông thoáng, bón phân cân đối, tăng cường sử dụng phân có chứa kali, silic, canxi giúp cây đủ dinh dưỡng và chống chịu sâu bệnh; khi phát hiện cây bị sâu bệnh cần chặt bỏ, tiêu hủy; không nhân giống bằng các cây đã bị bệnh… Đồng thời, đơn vị cũng phối với với các tổ chức đoàn thể, UBND các xã tập huấn lồng ghép về cách trồng, quy trình chăm sóc cây quýt cho người dân trên địa bàn. Từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị đã phối hợp tổ chức được 15 lớp tập huấn về cây quýt; tổ chức 8 phiên chợ khuyến nông để người dân trực tiếp mang cây trồng bị bệnh đến tư vấn. Hiện nay, trung tâm tiếp tục cử cán bộ khuyến nông đi kiểm tra thực tế tại các xã, theo dõi tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng, đặc biệt là cây quýt. Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, tập huấn các chăm sóc quýt, từ đó nhằm cải tạo, phục tráng cây quýt trên địa bàn.

Quýt là một trong những sản phẩm đặc sản của huyện Bắc Sơn, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Chính vì vậy, rất mong các cấp, ngành có liên quan quan tâm nghiên cứu, tìm ra giải pháp hiệu quả để điều trị dứt điểm các loại bệnh trên cây quýt, tiếp tục quan tâm, có những giải pháp để bảo tồn, phát triển giống quýt bản địa, nâng cao thương hiệu, giá trị cho sản phẩm. Cùng đó, người dân cũng nên tích cực, chủ động thực hiên các biện pháp chăm sóc, hạn chế và phòng trừ bệnh hiệu quả.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/631596-bac-son-nguy-co-mai-mot-giong-quyt-vang-ban-dia.html

  • Từ khóa