Đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả

Thứ 6, 22.12.2023 | 15:04:48
518 lượt xem

Sáng 22/12, tại Nhà Quốc hội, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả đã họp Phiên thứ nhất dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Trưởng Ban Chỉ đạo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả. (Ảnh: daibieunhandan.vn)

Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; các thành viên Ban Chỉ đạo; đại diện một số cơ quan liên quan.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Đề án được xây dựng theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong đó có yêu cầu đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả, tức là tập trung đổi mới quy trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.

Ngày 10/2/2023, Đảng đoàn Quốc hội đã có Kế hoạch số 1392-KH/ĐĐQH15 triển khai toàn diện các nhiệm vụ. Ngày 23/10/2023 vừa qua, Đảng đoàn Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ biên tập Đề án.

Đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả ảnh 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu khai mạc phiên họp. (Ảnh: daibieunhandan.vn)

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, từ khi có Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, công tác xây dựng pháp luật trong những năm qua đã có một bước tiến rất dài, năm sau tốt hơn năm trước và cơ bản hoàn chỉnh. Song, giai đoạn hiện nay đang bước vào hoàn thiện ở tầm cao, gắn với việc tổ chức thi hành pháp luật, phải chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả hơn nữa.

Do đó, cần phải đánh giá thực trạng trong thời gian vừa qua để từ đó đề xuất phương hướng đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, từ luật đến các văn bản của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Báo cáo tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cho biết, dự kiến Đề án sẽ tập trung đánh giá thực trạng quy trình xây dựng pháp luật, trong đó bao gồm: một số vấn đề lý luận về quy trình xây dựng pháp luật và kinh nghiệm một số nước về quy trình xây dựng pháp luật; thực trạng hệ thống các hình thức văn bản quy phạm pháp luật và thẩm quyền ban hành; thực trạng quy trình và kết quả thực hiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các bài học kinh nghiệm rút ra sau khi đánh giá thực trạng.

Đề án cũng đề xuất các nội dung đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả; xác định cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan để thực hiện các giải pháp đổi mới.

Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận cho ý kiến về dự thảo các văn bản triển khai Đề án. Các ý kiến cơ bản tán thành với những nội dung Kế hoạch xây dựng, đề cương Đề án của Ban Chỉ đạo và đánh giá tài liệu được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả ảnh 2

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu ý kiến. (Ảnh: daibieunhandan.vn)

Cơ bản đồng tình với dự thảo Kế hoạch xây dựng Đề án, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị, trong đề cương cần có một phần riêng về các giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong hoàn thiện, đổi mới quy trình xây dựng pháp luật; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, bên cạnh bối cảnh, cơ sở và sự cần thiết xây dựng Đề án, cần làm rõ thực trạng, ưu điểm, nhược điểm của công tác xây dựng pháp luật. Trong đó, những vấn đề tốt cần được phát huy, những vấn đề thực sự vướng thì sẽ sửa đổi nhưng phải trong khuôn khổ của Hiến pháp và các chủ trương, quy định của Đảng.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần dành sự quan tâm thỏa đáng đối với quy trình xây dựng văn bản của địa phương và việc giải thích văn bản quy phạm pháp luật.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/doi-moi-hoan-thien-quy-trinh-xay-dung-phap-luat-chuyen-nghiep-khoa-hoc-kip-thoi-kha-thi-hieu-qua-post788787.html

  • Từ khóa