Giáng sinh an lành và ấm áp

Thứ 2, 25.12.2023 | 08:10:08
617 lượt xem

Đêm Noel, người dân các xứ, họ đạo trong cả nước hân hoan đón mừng lễ Giáng sinh. Không chỉ có ý nghĩa mừng Chúa ra đời, Giáng sinh còn là dịp để đông đảo người dân nói chung và đồng bào Công giáo nói riêng ở khắp mọi miền đất nước tụ họp, thể hiện sự đoàn kết, lan tỏa tình yêu thương, cùng cầu mong những điều tốt đẹp nhất.

Không khí Giáng sinh tại khu vực Nhà thờ Lớn Hà Nội. (Ảnh: MỸ HÀ)

Tại tuyến đường Phương Quý 1, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum, các gia đình giáo dân có nhà mặt đường đã làm nhiều hang đá, trang trí đèn hoa làm sáng rực cả tuyến đường. Nhiều hoạt động văn nghệ mừng Giáng sinh của các giáo dân được tổ chức thu hút đông người dân địa phương và du khách tham quan. Tại Tòa Giám mục Kon Tum, Nhà thờ Gỗ, Giáo xứ Tân Hương…, đông đảo giáo dân cùng nhau đọc kinh.

Chị Y Xuân, giáo dân tại thành phố Kon Tum chia sẻ, lâu lắm rồi chị mới được đón Giáng sinh với thời tiết khá lạnh. Năm nay, cà-phê của người dân bán được giá, cho nên ai cũng vui mừng. Khi Giáng sinh cận kề, người dân trong làng cùng nhau gác lại công việc để trang trí nhà cửa, dọp dẹp đường làng và cùng nhau cầu nguyện.

Những ngày này, người dân xứ đạo Thạch Trung (thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) - nơi có nhà thờ chính tòa của Giáo phận Hà Tĩnh hân hoan đón mừng lễ Giáng sinh. Mỗi mùa Giáng sinh về, giáo xứ chính tòa Văn Hạnh lại dựng một hang đá Bê-lem lớn. Việc dựng hang đá hằng năm được giao một giáo xóm hoặc giáo họ phụ trách. Hang đá Bê-lem năm nay được chuẩn bị từ hơn một tháng trước trên diện tích hơn 1.000 m2, nằm trong khuôn viên nhà thờ chính tòa. Vật liệu chung của các công trình này là hàng nghìn cây tre và hàng chục nghìn mét vuông bao bì vỏ xi-măng, thu hút hàng nghìn người dân đổ về chiêm ngưỡng.

Ông Lê Vinh Hạnh, Chủ tịch Hội đồng mục vụ Giáo xứ Văn Hạnh cho biết: “Ở Giáo phận chính tòa, Đức Giám mục luôn định hướng cho người dân sống hòa đồng, chung tay xây dựng đất nước, giáo hội. Ngày lễ Giáng sinh là ngày lễ tình yêu, gắn kết đồng bào lương-giáo, vì vậy bên cạnh việc chuẩn bị công tác lễ hội, chúng tôi còn chuẩn bị nhiều phần quà đi thăm những người có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương”.

Tỉnh Nam Định là một trong những trung tâm Công giáo lớn của cả nước với hơn 600 nhà thờ, 700 giáo xứ, giáo họ và khoảng 470.000 giáo dân, chiếm 22% dân số toàn tỉnh. Các mùa Giáng sinh ở Nam Định ngày càng thêm tươi vui, rộn rã, nhất là tại 191 xã, thị trấn (chiếm 93,6%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 25 xã (chiếm 13,3%) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Để tổ chức đêm hoan ca mừng Thiên Chúa tái sinh, giáo dân trong Giáo xứ Trung Linh, xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường cùng nhau trang trí thánh đường, dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm sạch tinh tươm. Con đường dẫn vào nhà thờ Giáo họ Phú An, xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường như được khoác tấm áo mới, được trang hoàng lộng lẫy. Giáo dân Vũ Trường Giang cho biết, ngay từ đầu tháng 12, người dân trong giáo họ đã chuẩn bị đầy đủ vật liệu để làm núi đá, hang đá, cây thông Noel, ông già tuyết...

Năm nay giáo họ còn làm thêm tiểu cảnh ngựa kéo xe cho ông già Noel và núi đá ở dưới hồ để thêm phần sinh động. Bên cạnh đó, giáo họ và ca đoàn của nhà thờ cũng tích cực tập luyện, chuẩn bị các tiết mục tâm huyết đón mừng ngày đại lễ.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, không khí Giáng sinh và chào đón năm mới 2024 ngập tràn các xóm đạo, khu phố. Nhiều tiểu cảnh hang đá, cây thông với nhiều hình ảnh bắt mắt làm cho không khí đón Noel thêm rộn ràng, ấm áp. Mặc dù tình hình kinh tế khó khăn hơn những năm trước, nhưng nhiều xóm đạo vẫn đầu tư, trang hoàng thật đẹp để đón ngày lễ lớn nhất trong năm của người Công giáo. Khu vực trung tâm thành phố, các trung tâm thương mại, nhà hàng cũng trang trí đèn, cây thông Noel, người tuyết, ông già Noel, tuần lộc,… để người dân tham quan, vui chơi.

Tại Hà Nội, thời tiết đã ấm lên sau những ngày rét đậm, rất đông người kéo đến những khu vui chơi công cộng, nhất là khu vực có nhà thờ Thiên Chúa để đón Giáng sinh. Nơi thu hút đông đảo người dân nhất là Nhà thờ Lớn (phố Nhà Thờ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nơi có một cây thông khổng lồ, cao 16m và mô hình hang đá Chúa Giê-su ra đời.

Trong những năm qua, cấp ủy và chính quyền các tỉnh, thành phố có nhiều hoạt động để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, không phân biệt tôn giáo, dân tộc. Các vị chức sắc tôn giáo tại các tỉnh, thành phố đã vận động bà con giáo dân thực hiện kính Chúa, yêu nước, sống tốt đời, đẹp đạo, cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh có 236 giáo xứ, họ đạo chia thành 14 giáo hạt, với 236 nhà thờ và 714.592 giáo dân, chiếm 8,6% dân số thành phố. Thời gian qua, phong trào thi đua yêu nước tại các khu dân cư có đông đồng bào Công giáo được phát huy. Người Công giáo tại thành phố mang tên Bác đã cùng đồng bào các giới tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo”, với nhiều mô hình, cách làm hay.

Đồng bào Công giáo đã chung sức, đồng hành cùng các hoạt động an sinh xã hội của thành phố. Riêng giai đoạn 2018-2023, đồng bào Công giáo đã đóng góp cho các công tác bác ái xã hội, từ thiện hơn 264 tỷ đồng; đóng góp hơn 113 tỷ đồng để hỗ trợ các học sinh, sinh viên nghèo hiếu học. Trong lĩnh vực thiện nguyện y tế, 5 năm qua, đồng bào Công giáo thành phố đã dành hơn 77 tỷ đồng để chăm lo sức khỏe cho người dân.

Theo Linh mục Dương Phú Oanh, đồng bào Công giáo Thủ đô thuộc ba giáo phận: Hà Nội, Hưng Hóa và Bắc Ninh với 413 nhà thờ, nhà nguyện. Hiện đồng bào Công giáo có gần 208 nghìn người, chiếm gần 3% dân số Thủ đô. Đồng bào Công giáo Thủ đô có nhiều phong trào như: “Xứ, họ đạo tiên tiến”, “Mỗi người Công giáo Thủ đô là một công dân tốt”, “Giáo họ tự quản về an ninh trật tự”,...

Dẫn chúng tôi đi trên những tuyến đường mới được mở rộng, dưới ánh đèn trang trí rực rỡ sắc màu, Trưởng thôn Đức Phú (xã Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh) Nguyễn Xuân Lộc cho biết, những tuyến đường trục thôn này trước kia chỉ rộng 1-2m, nay đều được mở rộng lên 3-5m và được rải nhựa. Thôn Đức Phú là thôn Công giáo toàn tòng đã đạt tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu vào năm 2020. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thạch Trung Mai Văn Dy chia sẻ, xã có hơn 11.000 người thì 73% trong số đó là đồng bào Công giáo với một giáo phận, hai giáo xứ, hai giáo họ và một dòng Mến Thánh Giá.

Từ khi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai, cán bộ, nhân dân trong xã cùng các chức sắc trong giáo phận, giáo xứ đã cùng vào cuộc, tổ chức tuyên truyền, vận động các nguồn lực để xây dựng quê hương. Nhân dân xã Thạch Trung, trong đó có nhiều giáo dân đã hiến gần 6.000 m2 đất và hàng nghìn ngày công để mở rộng đường giao thông, xây dựng nông thôn mới. Đến nay, xã có gần 200 công ty, doanh nghiệp, hơn 1.000 hộ kinh doanh cá thể, trong đó đồng bào Công giáo chiếm phần lớn.

Lễ Giáng sinh từ lâu đã vượt ra khỏi khuôn khổ của một nghi lễ tôn giáo, trở thành một ngày lễ của đông đảo cộng đồng. Mọi người coi đây là dịp để tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí cũng như để trao đi thông điệp về yêu thương đến người thân, cộng đồng trên khắp mọi miền đất nước.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/giang-sinh-an-lanh-va-am-ap-post789109.html

  • Từ khóa