Mở rộng thị trường, tăng cường xuất khẩu

Thứ 2, 25.12.2023 | 15:31:24
1,109 lượt xem

Năm 2024, Bộ Công Thương đặt mục tiêu đưa tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% so với năm 2023, duy trì xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp với khoảng 15 tỉ USD

Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% được dự báo gặp không ít khó khăn, thách thức khi năm 2023, chỉ tiêu này đã không hoàn thành. Cụ thể, xuất khẩu năm 2023 ước đạt khoảng 355 tỉ USD, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước, không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra là tăng 6%.

Nhiều ngành đặt mục tiêu lớn

Theo nhận định của Bộ Công Thương, cùng với việc khai thác tốt các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) hiện có, việc kết thúc đàm phán, triển khai FTA với những thị trường mới như Israel, UAE sẽ tiếp thêm cơ hội thúc đẩy thương mại, đầu tư, đặc biệt là xuất khẩu, của Việt Nam trong năm 2024.

Quan hệ chính trị tốt đẹp, được củng cố, nâng cấp với các đối tác lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU... tạo tiền đề để hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư được mở rộng. Đến nay, một số ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều đã đề ra mục tiêu tăng trưởng cho năm 2024.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết với kết quả kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 40,3 tỉ USD, toàn ngành đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2024 đạt 44 tỉ USD, tăng 9,2%.

Mở rộng thị trường, tăng cường xuất khẩu- Ảnh 1.

Ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2024 đạt 44 tỉ USD, tăng 9,2% so với năm 2023. Ảnh: MINH PHONG

Ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 9,5 tỉ USD dù nhận định năm 2024 tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là việc Ủy ban châu Âu (EC) duy trì giữ cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam...

Bộ Công Thương cho rằng sang năm 2024, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều yếu tố tích cực hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Trong đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đưa ra thông điệp ngừng tăng lãi suất và tiến tới xem xét giảm lãi suất trong năm 2024. Vấn đề hàng tồn kho cao tại Mỹ cũng đang dần được khắc phục.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng lưu ý xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn. Một số quốc gia đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ, thúc đẩy sản xuất của nước mình.

Do đó, trong năm tới, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, nhấn mạnh để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6%, bộ này sẽ đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới; ký kết FTA, hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng như UAE, Nam Mỹ để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Cục Xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong FTA để đẩy mạnh xuất khẩu, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu.

Thích ứng "luật chơi" mới

Xúc tiến thương mại là một trong những hoạt động quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.

Vì vậy, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương cho biết năm 2024 sẽ thường xuyên trao đổi, phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp để đánh giá tình hình xuất khẩu, hỗ trợ phát triển thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Bên cạnh đó, Cục Xúc tiến thương mại sẽ thường xuyên cập nhật chính sách, những thay đổi về tiêu chuẩn, điều kiện của các thị trường xuất khẩu để các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng nắm bắt và có kế hoạch, chiến lược sản xuất phù hợp.

Đối với ngành dệt may, để đạt mục tiêu xuất khẩu 44 tỉ USD, ông Trương Văn Cẩm cho biết VITAS sẽ đẩy mạnh các giải pháp về đầu tư phát triển bền vững, thị trường, nguồn nhân lực, khoa học - công nghệ và huy động vốn. "Ngành dệt may sẽ tiếp tục đa dạng hóa nguồn cung nguyên phụ liệu cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu, bằng cách nâng cao năng lực marketing, tìm kiếm khách hàng trực tiếp" - ông Cẩm nhấn mạnh.

Hiện nay, yêu cầu đối với phát triển kinh tế xanh, bền vững dần hình thành nên "luật chơi" mới về thương mại. Nhiều nền kinh tế trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu. Xuất khẩu xanh là xu hướng tất yếu, Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc chơi này.

Đại diện VITAS cũng mong muốn các chính sách hỗ trợ về lãi suất được triển khai nhanh hơn, với điều kiện thông thoáng và thuận lợi hơn cho doanh nghiệp thụ hưởng. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất, có thêm nguồn lực để chuyển đổi xanh nhằm đáp ứng các quy định mới của thị trường thế giới.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Nguyễn Cẩm Trang khẳng định Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những rào cản thương mại mới tại các thị trường nhập khẩu. "Chúng tôi sẽ hỗ trợ xây dựng và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tập trung, quy mô lớn, mang tính liên kết vùng cho sản phẩm, ngành hàng có thế mạnh tại các thị trường mục tiêu" - bà cam kết.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên lưu ý các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần kịp thời nắm bắt, cung cấp thông tin về thị trường và quy định, chính sách mới của nước sở tại. Qua đó, cảnh báo sớm về những rào cản mới của đối tác, giúp các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp có phản ứng chính sách phù hợp, nâng cao hiệu quả trong hoạt động xuất khẩu. 


Theo nld.com.vn

https://nld.com.vn/mo-rong-thi-truong-tang-cuong-xuat-khau-196231224212546907.htm

  • Từ khóa