Điểm tựa vững chắc của kinh tế nông nghiệp

Thứ 3, 26.12.2023 | 08:52:55
511 lượt xem

Nhiệm kỳ 2018-2023 qua, nông dân cả nước và các cấp Hội Nông dân trên khắp mọi miền Tổ quốc chung sức, đồng lòng hoàn thành 30/33 chỉ tiêu mà Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII đề ra, trở thành tiền đề quan trọng nhằm xây dựng người nông dân văn minh, phát huy quyền làm chủ, góp phần nâng tầm nông nghiệp, nông thôn mới theo hướng bền vững, làm điểm tựa chắc chắn cho sự ổn định và phát triển của đất nước.

Nông dân Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội thu hoạch rau. (Ảnh TRẦN HẢI)

Tính đến nay, nông dân là lực lượng đông đảo trong xã hội, chiếm hơn 1/3 dân số cả nước và chiếm 49,17% số hộ ở nông thôn với hơn 9,1 triệu hộ nông dân. Giai cấp nông dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và chính sách của Nhà nước, đã phát huy tốt hơn vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới; tích cực tham gia cơ cấu lại nông nghiệp, phát huy vai trò kinh tế hộ gia đình, phát triển kinh tế trang trại, tham gia hợp tác, liên kết theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn.

Hiệu quả từ Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp

Một trong những chỉ tiêu quan trọng mà các cấp Hội Nông dân Việt Nam đạt được trong giai đoạn 2018-2023 là việc tích cực đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho nông dân. Theo thống kê của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, 5 năm qua, tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt gần 1.800 tỷ đồng, với mức tăng bình quân hằng năm đạt 11,5%, nâng tổng nguồn vốn quỹ toàn hệ thống Hội đạt hơn 4.800 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII đề ra.

Chính từ sự hỗ trợ trên, nhiều hội viên nông dân cũng như các hợp tác xã, tổ hợp tác, chi hội nghề nghiệp… đã có thêm nguồn lực phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh. Cách đây 2 năm, anh Hầu A Seng, Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp nuôi cá nước lạnh thôn Dền Thàng (xã Tả Van, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) đã dùng số vốn tích cóp của cả gia đình và mạnh dạn vay thêm 70 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh để xây dựng mô hình nuôi cá tầm, cá hồi.

Với nguồn lực hỗ trợ kịp thời, mô hình của anh Hầu A Seng nhanh chóng thu về những thành quả đáng mừng. Chỉ sau hơn một năm, lượng cá thành phẩm bán ra thị trường của Tổ hội nghề nghiệp với 15 thành viên do anh đứng đầu đạt 3 tấn, cho lợi nhuận ròng khoảng 200 triệu đồng. Đến nay, tổng nguồn vốn mà các thành viên Tổ hội nghề nghiệp đóng góp đã lên tới hơn 4 tỷ đồng, trong đó vốn đề nghị vay từ Quỹ là hơn 850 triệu đồng.

Tương tự, năm 2016, anh Nguyễn Văn Đỉnh, nông dân xã Long Châu (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) quyết định cải tạo hơn 8.000 m2 đất hoang hóa để triển khai mô hình chăn nuôi lợn kết hợp đào ao thả cá. Tuy nhiên, do thiếu vốn, lại chưa có nhiều kinh nghiệm, cho nên mô hình dần đi vào khó khăn. Sau 3 năm nỗ lực mà hiệu quả kinh tế từ mô hình chưa có nhiều khởi sắc, anh Đỉnh “đánh liều” huy động thêm vốn của người trong gia đình và vay 100 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân xã Long Châu để “xoay tua” sang chăn nuôi vịt, dê.

Đến nay, khối tài sản của anh nông dân 42 tuổi đã lên tới hơn 10 nghìn con vịt, 300 con dê, 4 ao nuôi cá… với lượng thương phẩm đạt hơn 200 tấn thịt, cho doanh thu hàng tỷ đồng. Không những trả hết những khoản vay mượn, anh Đỉnh còn trở thành “đầu tàu” của phong trào khởi nghiệp nông nghiệp ở địa phương, hỗ trợ được nhiều hội viên nông dân khác trong vùng mở rộng mô hình sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Lan tỏa Câu lạc bộ “Nông dân tỷ phú”

Cùng với sự phát triển đáng mừng của Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, nhiệm kỳ 2018-2023 vừa qua, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các cấp Hội trên cả nước còn đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Thông qua phong trào, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nhiều cá nhân đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp với mức thu nhập cao.

Các báo cáo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho hay: Hằng năm, bình quân có hơn 6,2 triệu hộ đăng ký tham gia phong trào, đạt hơn 104% so với chỉ tiêu Đại hội lần thứ VII Hội Nông dân Việt Nam đề ra. Trong số này, có hơn 3,6 triệu hộ đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp, vượt 6,74% chỉ tiêu. Đáng chú ý, nhiều địa phương đã vận dụng sáng tạo, đa dạng hóa các mô hình tập hợp, thu hút phát triển phong trào như các câu lạc bộ “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Nông dân tỷ phú”, “Nông dân phát triển kinh tế”.

Có thể nói, Câu lạc bộ “Nông dân tỷ phú” là một trong những mô hình sinh hoạt thành công nhất của các cấp Hội Nông dân, được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao về công tác tập hợp nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với thu nhập từ 1 tỷ đồng trở lên.

Tại tỉnh Bến Tre, kể từ khi được Hội Nông dân tỉnh ra mắt lần đầu tiên vào năm 2018, đến nay trên mảnh đất xứ dừa đã có tổng cộng 10 Câu lạc bộ “Nông dân tỷ phú” với nhiều hội viên là những gương mặt “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp như “kỷ lục gia” nuôi tôm thẻ Đặng Văn Bảy (xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú); chị Nguyễn Thị Nga (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách) với mô hình trồng hoa cảnh trong nhà lưới; anh Lưu Văn Cõi (xã An Hiệp, huyện Ba Tri) với đàn bò giống chất lượng cao…

Ngoài các nông dân tiêu biểu, hội viên câu lạc bộ còn có đại diện các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà khoa học… cùng tham gia sinh hoạt qua hình thức tham quan, chia sẻ kinh nghiệm mô hình sản xuất, kinh doanh, trao đổi thông tin chính sách, giá cả, định hướng thị trường, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giải đáp thắc mắc của hội viên nông dân… Ngoài ra, câu lạc bộ còn vận động các hội viên, nông dân đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong hỗ trợ vật tư, con giống, cây giống, công lao động và cả vốn sản xuất, kinh doanh. Qua đây, thực hiện hiệu quả mục tiêu cao nhất là nâng cao vị thế nông dân trong xã hội cũng như vai trò, uy tín của tổ chức Hội Nông dân trong hệ thống chính trị.

Với nhiều hiệu quả rõ nét, mô hình Câu lạc bộ “Nông dân tỷ phú” đã nhanh chóng được đón nhận, nhân rộng ở nhiều địa phương trên cả nước. Nhiều câu lạc bộ dù ra đời trong điều kiện khó khăn, thậm chí không thể làm lễ ra mắt, nhưng vẫn đóng góp tích cực vào các phong trào phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều mặt đến đời sống nhân dân nói chung và bà con nông dân nói riêng, Chi hội Nông dân tỷ phú Bình Dương được thành lập với 46 hội viên với nòng cốt là 30 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu cùng một số doanh nghiệp, nhà khoa học uy tín. Trong đó, có thể kể đến “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2021 Đinh Ngọc Khương (xã An Bình, huyện Phú Giáo) với mô hình nuôi gà lạnh đẻ trứng cho doanh thu tới 800 triệu đồng mỗi tháng, hay “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2022 Tăng Thị Hằng với mô hình trồng cây cao-su kết hợp nuôi chim yến, cheo, dúi theo hình thức hoang dã… cho doanh thu hơn 6 tỷ đồng/năm.

Đồng chí Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nhận định: Trong giai đoạn 2018-2023, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức với sự bùng phát của đại dịch Covid-19, nhưng các cấp Hội Nông dân cả nước đã linh hoạt, sáng tạo, không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức triển khai các phong trào phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Từ thực tế sinh động của các phong trào, đã xây dựng được đội ngũ nông dân thời đại mới năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dũng cảm vượt qua khó khăn thử thách; mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; biết khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có, sẵn sàng tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh để làm giàu cho gia đình, giúp đỡ nhiều hộ khác vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Được biết, nhiệm kỳ qua, chất lượng, hiệu quả hoạt động cơ sở Hội và chi hội nông dân trên cả nước đã không ngừng được nâng cao. Số cơ sở Hội khá và vững mạnh vượt 14,48% so với chỉ tiêu Đại hội lần thứ VII và không có cơ sở yếu kém. Công tác quản lý hội viên ngày càng tốt hơn, chất lượng hội viên cũng được nâng lên, gắn bó với Hội.

Những kết quả nêu trên cùng việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 46-NQ/TW về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới ngay trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028 sẽ trở thành những tiền đề quan trọng để công tác Hội và phong trào nông dân thời gian tới có thêm những đổi mới mang tính đột phá. Giai cấp nông dân, thông qua tổ chức Hội Nông dân Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ, thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng về phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, làm điểm tựa chắc chắn cho sự ổn định và phát triển đất nước.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/diem-tua-vung-chac-cua-kinh-te-nong-nghiep-post789254.html

  • Từ khóa