Để xuất khẩu gạo đi vào bền vững

Thứ 3, 09.01.2024 | 08:50:54
649 lượt xem

Ngành lúa gạo Việt Nam có trình độ tiên tiến so với thế giới, từ canh tác đến bộ giống lúa chất lượng cao

Năm 2023, xuất khẩu gạo đạt kỷ lục cả về sản lượng lẫn giá trị kể từ khi Việt Nam tham gia thị trường xuất khẩu gạo năm 1989 đến nay. Dù vậy, ngành lúa gạo vẫn còn nhiều điểm nghẽn khiến cho sự phát triển chưa xứng với tiềm năng, xuất khẩu vẫn chưa bền vững.

Kỷ lục chưa từng có

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), mỗi năm sản lượng lúa trung bình của Việt Nam đạt 43 - 45 triệu tấn, tương đương khoảng 26 - 28 triệu tấn gạo. Trong đó, khoảng 20 triệu tấn dành cho tiêu thụ trong nước, phần còn lại dành cho xuất khẩu. Ngành lúa gạo ngày càng đóng vai trò quan trọng không chỉ với lĩnh vực nông nghiệp mà cả nền kinh tế. Sản xuất lúa gạo không chỉ góp phần bảo đảm an ninh lương thực, sinh kế cho người dân mà còn thực thi các cam kết, trách nhiệm quốc tế về hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu.

Năm 2023, an ninh lương thực thế giới có nhiều rủi ro khi nguồn cung bị thiếu hụt, nhất là sau lệnh cấm xuất khẩu gạo thường của Ấn Độ. Trước tình huống trên, Việt Nam đã có nhiều chủ trương đúng đắn để tận dụng cơ hội thị trường nhưng vẫn bảo đảm an ninh lương thực trong nước, tăng thu nhập cho người trồng lúa.

Theo số liệu thống kê, năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 8,29 triệu tấn gạo, mang về giá trị 4,78 tỉ USD, tăng 16,7% về khối lượng và tăng 38,4% về giá trị so với năm 2022, là con số cao kỷ lục kể từ năm 1989 khi Việt Nam bắt đầu tham gia xuất khẩu gạo.

Cũng liên quan xuất khẩu gạo, tháng 5-2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 nêu rõ định hướng xuất khẩu gạo giai đoạn 2023 - 2025 giảm khoảng 2,4%/năm và giai đoạn 2026 - 2030 giảm khoảng 3,6%/năm. Do đó, xuất khẩu gạo năm 2030 dự kiến còn khoảng 4 triệu tấn với kim ngạch khoảng 2,62 tỉ USD nhờ tăng giá trị gia tăng, nâng cao giá trị gạo xuất khẩu. Cuối tháng 11-2023, Thủ tướng cũng phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" - nơi chiếm tới 90% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Điều này cho thấy chủ trương rõ ràng của Chính phủ đối với ngành lúa gạo, hướng tới ngành lúa gạo chất lượng cao, không chạy theo sản lượng mà đi vào chất lượng, giá trị gia tăng gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Để xuất khẩu gạo đi vào bền vững- Ảnh 1.

Vận chuyển lúa đến các nhà máy xay xát ở ĐBSCL. Ảnh: NGỌC TRINH

Nhiều việc phải làm

Theo các chuyên gia, sự thành công của ngành lúa gạo trong năm qua ngoài yếu tố nội lực còn phải kể đến yếu tố khách quan khiến thương mại gạo toàn cầu chuyển sang trạng thái cung không đủ cầu, lợi thế thuộc về các nước xuất khẩu. Tuy nhiên, ngay trong bối cảnh ngành gạo lập kỷ lục về xuất khẩu vẫn bộc lộ yếu tố chưa bền vững. Theo ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông (Đồng Tháp), khi giá cả biến động lớn đã khiến chuỗi cung ứng gạo bị đứt gãy, nhiều nhà cung cấp không giao hàng cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu theo các hợp đồng ký trước trong khi DN vẫn phải giao hàng cho đối tác nước ngoài theo hợp đồng đã ký. "Chỉ trong 3 tuần, giá gạo tăng đến 100 - 150 USD/tấn, DN không thể nào dự trù được, dẫn đến thua lỗ" - ông Việt Anh nói. Cũng theo DN này, xuất khẩu gạo qua các thị trường chính phần lớn qua cơ chế đấu thầu, khách hàng thường chọn nhà cung cấp giá rẻ nên DN Việt Nam gặp khó khăn trong cạnh tranh với các đối thủ. Những đơn hàng có giá cao, cần thương hiệu thường có số lượng rất nhỏ.

Dự báo về thị trường năm 2024, ông Việt Anh cho rằng giá vẫn tiếp tục cao, ít nhất đến giữa năm - có lợi cho nông dân nhưng với các DN xuất khẩu tiếp tục là một năm "căng não". Bởi giá lúa gạo đang cao, DN mua đến đâu bán đến đó chứ không dám trữ hàng vì sợ rớt giá nếu Ấn Độ bất ngờ quay lại thị trường.

Ông Huỳnh Thế Vinh, Giám đốc điều hành Công ty CP Vinh Hiển Farm (TP HCM), cũng có chung nhận định về việc giá gạo tiếp tục cao trong nửa đầu năm 2024. "Dù vậy, sự biến động quá lớn của giá gạo khiến DN rất khó tính toán. Năm nay, chúng tôi phát triển thêm mảng sản phẩm chế biến từ gạo - bún gạo lứt tím và đã xuất khẩu thử sang một số thị trường. Mảng này biên độ lợi nhuận tốt và có tính ổn định cao hơn gạo" - ông Vinh nêu giải pháp.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV (tỉnh Vĩnh Long), nhận xét chất lượng gạo Việt Nam những năm qua có sự cải thiện rõ rệt và xuất khẩu được vào nhiều thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, bên cạnh thị trường truyền thống là Philippines, Indonesia, Trung Quốc, châu Phi… "Nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước vẫn đang tăng để bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh nguồn cung gạo thế giới được dự báo tiếp tục giảm. Dù vậy, DN rất cần được cập nhật thông tin thị trường thường xuyên, các yếu tố tác động đến giá cả để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất - kinh doanh" - ông Thành nói.

Phát biểu tại cuộc họp tổng kết ngành nông nghiệp mới đây, Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng, Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, khẳng định ngành lúa gạo Việt Nam có trình độ tiên tiến so với thế giới, từ canh tác đến bộ giống lúa chất lượng cao. Tuy nhiên, vẫn còn 2 vấn đề lớn cần giải quyết là thu nhập của nông dân vẫn còn thấp và quá trình sản xuất gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính. Giải quyết được 2 vấn đề lớn này sẽ bảo vệ cho thế hệ hiện tại và con cháu mai sau. Ông cũng khẳng định Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh là sáng kiến mới của Việt Nam. Tương ứng với đề án là 1 triệu nông dân trồng lúa sẽ có sự thay đổi lớn.


Theo nld.com.vn

https://nld.com.vn/de-xuat-khau-gao-di-vao-ben-vung-196240108204042602.htm 

  • Từ khóa