Được nói lời sau cùng trước khi HĐXX tuyên án, nhiều bị cáo là cựu quan chức bày tỏ ân hận, day dứt, đau xót vì sai phạm của bản thân dẫn đến việc phải hầu tòa.
Đau xót lớn nhất vì bị khai trừ khỏi Đảng
Sau 5 ngày xét xử, phiên tòa sơ thẩm đại án Việt Á bước sang phần nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử tuyên án vào chiều 12/1.
Đứng trước bục khai báo, bị cáo Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ), giãi bày vô cùng đau xót khi sai phạm trong vụ Việt Á đã "cướp" đi quá trình lao động, học tập, cống hiến trong gần 37 năm công tác.
Điều đau xót lớn nhất đối với bị cáo là bị khai trừ khỏi Đảng.
"Bị cáo năm nay cũng đã gần 60 tuổi, trong người mang theo nhiều bệnh, để có cơ hội được trở về với gia đình, xã hội bị cáo kính mong HĐXX rộng lòng tha thứ, tận dụng các chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước cho bị cáo được hưởng mức án thấp nhất", ông Hùng nói.
Cựu Vụ phó gửi lời cảm ơn tập thể lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ qua các thời kỳ đã luôn quan tâm, ủng hộ cho bị cáo được phát triển về khoa học và công nghệ ở mặt y tế.
Bị cáo Phan Quốc Việt (Ảnh: Nguyên Phương).
Nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án, bị cáo Trịnh Thanh Hùng gửi lời xin lỗi đến gia đình, mong các con biến tình yêu thương của bố trở thành động lực để học giỏi, mai sau là bác sỹ thăm khám chữa bệnh cho người dân.
Ân hận, đau xót, hối tiếc
Trong hơn 3 phút trình bày, bị cáo Nguyễn Huỳnh (cựu Phó phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế) nói rất "ân hận, đau xót, hối tiếc" về những sai phạm khi quá trình công tác rất "tận tâm, tận lực" với tâm nguyện luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi công việc được phân công.
"Sai phạm của bị cáo đã gây hậu quả xấu cho xã hội cũng như gây đau khổ cho gia đình, khiến con trai phải từ bỏ ước mơ trở thành bác sỹ trước ngày thi đại học sau khi bị cáo bị khởi tố", ông Huỳnh nghẹn ngào.
Bị cáo gửi lời xin lỗi Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế, người thân trong gia đình.
Đặc biệt, ông Huỳnh gửi lời xin lỗi đến những gia đình có người thân mất mát trong đợt dịch Covid-19.
Sau khi thừa nhận sai phạm, cựu Thứ trưởng Phạm Công Tạc nói vụ án xảy ra trong bối cảnh đặc biệt nhưng đã kịp thời nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng được kit test.
Theo ông Tạc, ngay khi triển khai đề tài nghiên cứu kit test Covid-19, các cơ quan, bộ ngành đã nhận ra những bất cập trong quản lý tài sản trí tuệ thuộc sở hữu nhà nước.
"Với bối cảnh hiện nay, chắc chắn sẽ không có những sai phạm như thế, vì thật kịp thời, Quốc hội đã thông qua Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung năm 2022", ông Tạc nói và xin chịu trách nhiệm về sai phạm, mong được hưởng khoan hồng của pháp luật, hưởng bản án thấp nhất để sớm trở về với gia đình, xã hội.
Cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nói với tất cả sự thành khẩn, ăn năn, hối cải xuyên suốt, bị cáo gửi lời xin lỗi Tổng Bí thư, Đảng, Nhà nước, nhân dân vì đã để xảy ra sai phạm, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Đồng thời, bị cáo gửi lời xin lỗi tới các cán bộ, nhà khoa học trong ngành khoa học và công nghệ.
Bị cáo Nguyễn Thanh Long (Ảnh: Nguyên Phương).
Bản thân bị cáo rất đau xót và không có gì để biện minh cho sai phạm phải bị trừng phạt và thực sự bị cáo cũng đã bị trả giá trong ân hận, đau xót, day dứt suốt 581 ngày qua bị tạm giam.
Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nghẹn ngào gửi lời cảm ơn đến các giáo sư, học trò, các cơ quan đồng nghiệp đã có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho mình.
Ông Long cho rằng trong thời gian khó khăn, cam go, thách thức nhất của ngành y tế, các đồng nghiệp luôn tâm niệm cố gắng hết sức chống dịch, giành giật sự sống cho người dân. Những điều trên làm ông thấy ân hận, xót xa.
Vì thế, cựu bộ trưởng mong pháp luật khoan hồng đối với các bác sĩ, nhân viên y tế sai phạm trong vụ án này để họ được hưởng mức án thấp nhất, sớm trở về với người thân. Bị cáo cũng mong được hưởng khoan hồng để sớm trở về với gia đình.
Là bị cáo cuối cùng nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án, bị cáo Phan Quốc Việt giãi bày, bản thân là người điều hành và quyết định mọi việc của Công ty Việt Á, các nhân viên là những người làm công, ăn lương, không được hưởng bất kỳ lợi ích nào.
Dưới sự chỉ đạo của Việt các bị cáo bắt buộc phải làm nên bị cáo mong muốn HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho các nhân viên của mình.
Việt cũng mong HĐXX xem xét bản chất của vụ án cũng như công - tội của bị cáo và những bị cáo khác.
Hơn 30 bị cáo còn lại đều ăn năn, hối cải về hành vi phạm tội của bản thân và mong HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ để tuyên họ mức án thấp nhất để sớm được trở về cùng gia đình, xã hội.
HĐXX Tòa án nhân dân TP Hà Nội sẽ tuyên án vào 14h30 chiều 12/1.
Chi tiết mức án đề nghị với 38 bị cáo
Tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ
Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á): 15-16 năm tội Vi phạm quy định đấu thầu; 15-16 năm tội Đưa hối lộ: Tổng 30 năm tù
Vũ Đình Hiệp (Phó tổng giám đốc Việt Á): 8-9 năm tội Vi phạm quy định đấu thầu; 8-9 năm tội Đưa hối lộ: Tổng 16-18 năm tù
Tội Nhận hối lộ
Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Y tế): 19-20 năm tù
Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc CDC Hải Dương): 13-14 năm tù
Trịnh Thanh Hùng (cựu Vụ phó thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ): 14-15 năm tù
Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng thuộc Bộ Y tế): 8-9 năm tù
Nguyễn Huỳnh (cựu Phó phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế): 9-10 năm tù
Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế): 8-9 năm tù
Tội Đưa hối lộ
Phan Tôn Noel Thảo (trợ lý Tài chính Việt Á): 4-5 năm tù
Hồ Thị Thanh Thảo (thủ quỹ của Việt Á): 4-5 năm tù
Tội Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí
Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ): 3-4 năm tù
Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ): 3-4 năm tù
Tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng
Trần Thị Hồng (nhân viên Công ty Việt Á): 36-48 tháng tù
Trần Tiến Lực (nhân viên Công ty Việt Á): 36-42 tháng tù
Lê Trung Nguyên (nhân viên Công ty Việt Á): 36-42 tháng tù
Ngụy Thị Hậu (cựu Phó phòng Tài chính kế toán, CDC tỉnh Bắc Giang): 36-42 tháng tù
Phan Huy Văn (Giám đốc Công ty Dược Phan Anh): 42-48 tháng tù
Phan Thị Khánh Vân (kinh doanh tự do): 4-5 năm tù
Lâm Văn Tuấn (cựu Giám đốc CDC tỉnh Bắc Giang): 6-7 năm tù
Nguyễn Mạnh Cường (cựu Kế toán trưởng CDC tỉnh Hải Dương): 30-36 tháng tù
Nguyễn Thị Trang (cựu Giám đốc Trung tâm tư vấn và dịch vụ tài chính, Sở Tài chính tỉnh Hải Dương): 30-36 tháng tù treo
Tiêu Quốc Cường (cựu Kế toán trưởng, cựu Phó phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Y tế tỉnh Bình Dương): 4-5 năm tù
Nguyễn Thành Danh (cựu Giám đốc CDC tỉnh Bình Dương): 10 tháng 4 ngày (bằng thời gian tạm giam)
Trần Thanh Phong (cựu Phó phòng Tài chính Kế toán, CDC tỉnh Bình Dương): 24-30 tháng tù treo
Lê Thị Hồng Xuyên (cựu nhân viên CDC tỉnh Bình Dương): 2-3 năm tù
Nguyễn Trường Giang (Giám đốc Công ty VNDAT): 3-4 năm tù
Nguyễn Thị Thúy (Giám đốc dự án, Công ty VNDAT): 30-36 tháng tù
Nguyễn Văn Định (cựu Giám đốc CDC tỉnh Nghệ An): 30-36 tháng tù treo
Nguyễn Thị Hồng Thắm (cựu Kế toán trưởng, CDC tỉnh Nghệ An): 24-30 tháng tù treo
Hồ Công Hiếu (nhân viên Công ty Thẩm định giá miền nam, chi nhánh Nghệ An): 24-36 tháng tù treo
Vũ Văn Doanh (Giám đốc Công ty Thẩm định giá Thăng Long): 30-36 tháng tù treo
Tạ Ngọc Chức (Tổng giám đốc Công ty Thẩm định và Đầu tư Toàn Cầu): 24-30 tháng tù
Ninh Văn Sinh (cựu Phó Giám đốc Công ty Thẩm định giá Trung Tín) 18-24 tháng tù
Tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
Phạm Mạnh Cường (cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương): 5-6 năm tù
Nguyễn Văn Trịnh (cựu cán bộ Văn phòng Chính phủ): 7-8 năm tù
Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương): 5-6 năm tù
Tội Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi
Nguyễn Bạch Thùy Linh (Giám đốc Công ty SNB Holdings): 30-46 tháng tù treo
Nguyễn Thị Thanh Thủy (cựu chuyên viên Nhà xuất bản Giáo dục): 3-4 năm tù.
Theo dantri.com.vn