"Cứu" trường đại học địa phương, cách nào?

Thứ 7, 13.01.2024 | 15:34:51
721 lượt xem

Trách nhiệm chính để nợ lương của cán bộ, giảng viên là của UBND các tỉnh, thành nhưng các trường phải năng động, đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo cũng như thương hiệu

Nhiều trường ĐH địa phương, trong đó có Trường ĐH Quảng Bình rơi vào tình trạng khó khăn do không tuyển được sinh viên (SV), dẫn đến không có nguồn thu để duy trì hoạt động, nợ lương giảng viên, cán bộ kéo dài. Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đối với TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, về vấn đề này.

* Phóng viên: Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

TS Lê Viết Khuyến

TS Lê Viết Khuyến

- TS LÊ VIẾT KHUYẾN: Theo tôi, có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, nhiều ngành đào tạo của các trường ĐH không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội nên khó để thu hút được các thí sinh, việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn.Thứ hai, chương trình đào tạo của các trường chưa hấp dẫn thí sinh, trong khi trường ĐH công lập đặt tại địa phương xa trung tâm kinh tế lớn cũng có bất lợi là khó thu hút SV. Thứ ba, hiện chúng ta chưa có nhiều nghiên cứu tổng thể về nguồn nhân lực, nhu cầu nguồn nhân lực với thị trường của từng vùng, yêu cầu nghề nghiệp về năng lực của ứng viên… 

Nhiều ngành nghề đào tạo ra đội ngũ nguồn nhân lực vượt quá nhu cầu tại khu vực và trên toàn quốc. Nhu cầu của thị trường lao động giảm và số lượng thí sinh đăng ký vào ngành đó ít đi.

Trong khi đó, việc hợp tác giữa các trường ĐH và doanh nghiệp chưa được diễn ra trên diện rộng và đạt được hiệu quả như mong muốn, nên các trường chưa có thêm nguồn thu từ đây, dẫn đến khó khăn kéo dài. 

Đó là chưa kể thị trường lao động thay đổi, cùng với sự khác biệt trong quan niệm và nhu cầu của giới trẻ, dẫn tới xu hướng chọn trường và chọn ngành có dịch chuyển mạnh trong những năm gần đây.

* Trách nhiệm thuộc về ai, thưa ông?

- Cả nước hiện có 26 trường ĐH địa phương trực thuộc UBND tỉnh, thành. Khó khăn của các trường này là ngân sách đầu tư còn hạn chế, chủ yếu trông cậy vào học phí. Chính vì vậy mới xảy ra tình trạng nhiều trường "sống dở chết dở". 

Dưới góc độ quản lý nhà nước, theo tôi, địa phương phải đầu tư ngân sách xứng đáng cho các trường. Giáo dục là quốc sách hàng đầu, địa phương phải cân đối phân bổ ngân sách xứng đáng cho trường ĐH.

Về phía nhà trường, cũng phải thông cảm cho những khó khăn về ngân sách để năng động tìm kiếm nguồn thu từ lao động sản xuất, chuyển giao công nghệ… Nếu chỉ chờ ngân sách hay học phí thì rất khó khăn.

Một điều quan trọng tôi muốn nói là cơ chế hoạt động của các trường địa phương phải hết sức mềm dẻo. Đào tạo theo chỉ tiêu nhà nước giao không ổn, cần năng động, dựa theo những biến động về nguồn nhân lực địa phương để điều chỉnh chỉ tiêu cũng như việc đào tạo của trường. Không thể xác định chỉ tiêu theo kiểu "bốc thuốc".

Cảnh đìu hiu bên trong Trường ĐH Quảng Bình vì vắng sinh viên Ảnh: HOÀNG PHÚC

Cảnh đìu hiu bên trong Trường ĐH Quảng Bình vì vắng sinh viên Ảnh: HOÀNG PHÚC

* Vậy, cần những giải pháp nào để khắc phục?

- Tôi cho là các trường ĐH công lập địa phương sẽ ngày càng khó tuyển sinh nếu không có chiến lược thay đổi kịp thời. Để nhận được sự quan tâm của phụ huynh, thí sinh, trường phải có những ngành đào tạo mang tính ứng dụng cao, phù hợp với điều kiện địa phương.

Thực tế chúng ta đều nhìn thấy là cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo trong công tác tuyển sinh ngày càng khốc liệt hơn. Có nhiều trường lấy điểm rất cao, thu hút toàn thí sinh giỏi nhưng cũng có những trường tuyển sinh vất vả, có ngành 100 chỉ tiêu mà chỉ tuyển được vài em. 

Có thể nói, việc tuyển sinh thể hiện rõ nhất về thương hiệu, sự thành công của các trường ĐH. Muốn tuyển sinh tốt, các cơ sở đào tạo phải nỗ lực đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo và dịch vụ hỗ trợ người học, đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo. 

Một giải pháp quan trọng nữa là các trường cần tăng cường hoạt động định hướng nghề nghiệp, tư vấn ngành nghề, tư vấn tuyển sinh cho học sinh phổ thông, nhất là chú trọng truyền thông về cơ hội việc làm và triển vọng phát triển nghề nghiệp đối với những ngành nghề khó tuyển sinh nhưng nhiều nhu cầu lao động.

* Hiện nhiều nhóm ngành có nhu cầu nhân lực cao nhưng lại khó tuyển sinh. Làm sao giải quyết được thực trạng này?

- Chúng ta đều biết khối ngành toán và khoa học tự nhiên, trong đó có các ngành khoa học cơ bản là những ngành nền tảng, thiết yếu đối với phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. 

Tuy nhiên, tỉ lệ SV theo học và nhập học mới có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây. Năm 2022, số SV ĐH được tuyển mới của khối này chỉ chiếm xấp xỉ 1,3% tổng số SV tất cả các ngành. Ngay cả đối với khối học sinh các trường chuyên, được ưu tiên đầu tư, tỉ lệ chọn học các ngành này ở bậc ĐH cũng không cao. 

Theo số liệu thống kê tuyển sinh năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 75 trường THPT chuyên của cả nước, chỉ 709 trên tổng số hơn 25.000 em trúng tuyển các trường ĐH trong nước (chiếm 2,8%) chọn học khối toán và khoa học tự nhiên. Điều đáng lo ngại nữa là điểm xét tuyển bình quân của các SV trúng tuyển của hầu hết ngành này nằm ở mức khá thấp.

Cần nhiều chính sách ưu tiên để tuyển sinh cho những ngành này. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng một hệ thống thông tin theo dõi tình trạng việc làm của SV tốt nghiệp và dự báo nhu cầu của các ngành đào tạo. Đây sẽ là công cụ hết sức quan trọng để hoạch định và điều chỉnh các chính sách, kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của toàn ngành cũng như đối với từng cơ sở giáo dục ĐH. 


Theo nld.com.vn

https://nld.com.vn/cuu-truong-dai-hoc-dia-phuong-cach-nao-196240112215532144.htm


  • Từ khóa