Hiệu quả thiết thực từ dự án đưa bác sĩ trẻ về vùng khó công tác

Thứ 3, 23.01.2024 | 09:14:54
1,125 lượt xem

Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn” theo Quyết định số 585/QĐ-BYT ngày 20/2/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế (gọi tắt là Dự án 585) đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần giải bài toán khó về đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực y tế ở tuyến cơ sở, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ Nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh.

Bác sĩ trẻ tham gia Dự án 585 (phải) thuộc TTYT huyện Bình Gia thực hiện phẫu thuật mổ nội soi 

Sau 6 năm học tại Trường Đại học Y Thái Nguyên, năm 2016, anh Chu Văn Bắc hoàn thành khoá học và được nhận công tác tại Khoa Nội nhi, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Lộc Bình. Trong những năm công tác, anh Bắc không ngừng học hỏi, tích luỹ thêm kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh. Năm 2018, anh được tham gia khoá đào tạo theo Dự án 585, học chuyên tu tại Trường Đại học Y Dược Hải Phòng, đến năm 2020, anh tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa I khoa Nội Nhi. Trở về đơn vị công tác, bác sĩ Bắc luôn tích cực áp dụng các kiến thức đã học vào công tác khám, chữa bệnh.

Bác sĩ Bắc cho biết: Trước đây, một số bệnh nhi suy hô hấp, viêm phổi nặng phải chuyển viện do trung tâm không đáp ứng được về nhân lực cũng như trang, thiết bị điều trị. Tuy nhiên, sau khi tham gia Dự án 585, tôi đã có điều kiện để học tập thêm các kỹ thuật điều trị, nhờ đó đến nay, 100% ca bệnh nhi suy hô hấp, bệnh nhi viêm phổi nặng… đều được điều trị tại trung tâm mà không phải chuyển tuyến trên, trước đây, tỷ lệ này chỉ đạt gần 30%. Qua đó giúp giảm chi phí cho gia đình bệnh nhân cũng như không bỏ lỡ “thời điểm vàng” để điều trị cho trẻ.

Cũng như bác sĩ Bắc, bác sĩ Bàn Văn Chiến, sinh năm 1988, hiện đang công tác tại TTYT huyện Bình Gia là một trong hai bác sĩ đầu tiên của tỉnh được tham gia Dự án 585. Tháng 7/2017, bác sĩ Chiến được Ban Giám đốc TTYT huyện cử đi học chuyên ngành Ngoại khoa tại Trường Đại học Y Hà Nội theo Dự án 585, chuyên tu tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Việt Đức. Cuối tháng 9/2019, bác sĩ Chiến tốt nghiệp khoá học và tiếp tục trở về công tác tại TTYT huyện Bình Gia.

Bác sĩ tham gia Dự án 585 (ngoài cùng bên trái) thuộc TTYT huyện Lộc Bình trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp 

Sau khoá đào tạo, bác sĩ Chiến đã có những đóng góp không nhỏ trong việc áp dụng kỹ thuật mới trong khám, chữa bệnh. Cụ thể, bác sĩ Chiến là người đầu tiên trong trung tâm ứng dụng kỹ thuật phẫu thuật nội soi ổ bụng (nội soi cắt viêm ruột thừa, cắt túi mật, khâu lỗ thủng dạ dày…). Bác sĩ Chiến cho hay: Nếu như trước đây, do thiếu bác sĩ nên nhiều bệnh nhân mổ nội soi ruột thừa… thường được chuyển lên các bệnh viện tuyến trên thì từ đầu năm 2020 đến nay, người bệnh đã được can thiệp mổ thành công ngay tại TTYT huyện. Nhờ đó, người dân khi đến điều trị tại trung tâm đã được tiếp cận với dịch vụ kỹ thuật mới mà không cần phải chuyển đến bệnh viện tuyến trên. Từ sau khi tốt nghiệp Dự án 585 đến nay, tôi đã tham gia phẫu thuật gần 1.500 ca bệnh, trong đó mổ nội soi trên 300 ca.

Đây là 2 trong số những bác sĩ được đào tạo thuộc dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn”. Dự án được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn từ năm 2017 theo Quyết định số 585/QĐ-BYT ngày 20/2/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế, (mới nhất là Quyết định số 4359/QĐ-BYT ngày 20/10/2020 sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định 585). Theo đó, các bác sĩ chính quy hoặc liên thông tốt nghiệp loại khá, giỏi đã được tuyển dụng tại huyện nghèo tham gia dự án. Đặc biệt, trong 24 tháng đào tạo, các bác sĩ vẫn được hưởng nguyên lương, các khoản phụ cấp theo lương và các quyền lợi khác theo quy định.

Kể từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 7 TTYT huyện được triển khai thực hiện Dự án 585, ban đầu tại 3 huyện khó khăn gồm Bình Gia, Đình Lập và Văn Quan, sau đó được triển khai thêm tại 4 huyện biên giới gồm Cao Lộc, Lộc Bình, Tràng Định, Văn Lãng.

Ông Lương Văn Tiến, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế tỉnh cho biết: Những năm qua, phòng đã tham mưu Sở Y tế tuyển chọn, đánh giá kỹ lưỡng và lắng nghe nguyện vọng của các bác sĩ trẻ để chọn cử các khoá bác sĩ trẻ tham gia dự án. Từ 3 huyện thí điểm ban đầu, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã có 26 bác sĩ trẻ thuộc 7 TTYT huyện tình nguyện tham gia Dự án 585 với mong muốn được đào tạo, tiếp cận với các kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh. Các bác sĩ được cử đi đào tạo tập trung vào một số chuyên ngành như: nội khoa, ngoại khoa, sản khoa, nhi khoa, gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh, y học cổ truyền… Tham gia dự án, các bác sĩ trẻ đã được đào tạo bài bản theo chương trình đặc biệt, một thầy kèm một trò “cầm tay chỉ việc” trong thời gian 24 tháng. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để các bác sĩ được tiếp cận với những chuyên gia, tiếp thu những kỹ thuật tiên tiến để ứng dụng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại đơn vị.

Theo số liệu của Sở Y tế, đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 20 trên tổng số 26 bác sĩ được cử đi đào tạo đã tốt nghiệp và trở về phục vụ tại các cơ sở y tế. TTYT huyện Bình Gia là đơn vị cử nhiều bác sĩ tham gia Dự án 585 nhất trong toàn tỉnh. Ông Bùi Huynh Định, Giám đốc TTYT Bình Gia cho biết: Từ năm 2017 đến nay, TTYT huyện đã cử 8 bác sĩ tham gia dự án với 6 chuyên ngành: ngoại khoa, sản khoa, nhi khoa, hồi sức cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh, y học cổ truyền. Sau khi trở về từ khoá đào tạo của Dự án 585, các bác sĩ trẻ đã áp dụng các kiến thức chuyên môn được đào tạo vào khám, chữa bệnh tại đơn vị. Qua đó giúp bệnh nhân được tiếp cận với kỹ thuật cao trong xét nghiệm, mổ nội soi… góp phần nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của Nhân dân.

Cùng với các bác sĩ ở TTYT Bình Gia, các bác sĩ trẻ được đào tạo trình độ Chuyên khoa I của Dự án 585 sau khi tốt nghiệp về cơ sở đã áp dụng các kiến thức chuyên môn được đào tạo, cập nhật vào khám bệnh, chữa bệnh, phòng, chống dịch tại đơn vị công tác, tạo điều kiện cho nhân dân các huyện nghèo, huyện biên giới được tiếp cận với các kỹ thuật mới, các kỹ thuật cao trong xét nghiệm, mổ nội soi… Qua đó, tạo cơ hội cho người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn ngay từ cơ sở, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội. Năm 2023, toàn tỉnh có trên 1,4 triệu lượt người đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, trong đó trên 1,2 triệu lượt người khám, điều trị tại các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến xã, chiếm hơn 85%.

Thời gian tới, Sở Y tế tỉnh đã đề nghị Ban quản lý Dự án 585, Bộ Y tế và các đơn vị liên quan tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho các bác sĩ trẻ đang công tác tại các huyện khó khăn, huyện biên giới của tỉnh Lạng Sơn được tham gia học tập, đào tạo theo Dự án 585 và rà soát, tuyển chọn những người đủ điều kiện để cử đi đào tạo. Từ đó góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ y tế tại tuyến huyện có trình độ chuyên môn vững vàng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/xa-hoi/639220-hieu-qua-thiet-thuc-tu-du-an-dua-bac-si-tre-ve-vung-kho-cong-tac.html

  • Từ khóa