Tổng Thanh tra nói về xử lý tội phạm, "trốn cũng không thể thoát tội"

Thứ 2, 05.02.2024 | 09:15:32
618 lượt xem

Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng từ năm 2021 đến nay, công tác phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý án tham nhũng có nhiều điểm mới. Xử lý triệt để đối tượng phạm tội, "trốn cũng không thể thoát tội".

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong vừa có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang trả lời kiến nghị của cử tri liên quan công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chú trọng phòng là chính, xử lý nghiêm minh các đối tượng có hành vi tham nhũng với số tiền lớn.

Tổng Thanh tra nói về xử lý tội phạm, trốn cũng không thể thoát tội - 1

Ông Đoàn Hồng Phong, Tổng Thanh tra Chính phủ (Ảnh: Phương Hiếu).

Ông Phong khẳng định, thời gian qua dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cũng như nỗ lực, cố gắng của các cấp, ngành, địa phương, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã có bước đột phá quan trọng.

"Tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm", ông Phong cho hay.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể, không dám, không cần tham nhũng".

Trong khi đó, theo ông Phong, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các sai phạm; từng bước siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị.

Vai trò của cơ quan dân cử, MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên, cơ quan truyền thông, báo chí và người dân, doanh nghiệp,... trong phòng chống tham nhũng ngày càng được quan tâm chú trọng, phát huy.

Những kết quả quan trọng đó đã tiếp tục khẳng định quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ và được cán bộ, đảng viên và người dân đồng tình, ủng hộ.

Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cho biết, từ năm 2021 đến nay, công tác phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý án tham nhũng có điểm mới là làm rõ bản chất, chiếm đoạt tài sản với sự đan xen giữ khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, sự cấu kết giữa công chức với doanh nghiệp, lợi dụng chính sách để trục lợi...

Cơ quan chức năng đã tập trung lực lượng, chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ và đấu tranh làm rõ, khởi tố nhiều vụ án, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm minh, công khai các đối tượng sai phạm, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương quản lý.

Nhiều hành vi tham nhũng nghiêm trọng, kéo dài đã được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời. Nhiều địa phương chủ động phát hiện, xử lý án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm. Xử lý triệt để đối tượng phạm tội, kể cả bỏ trốn với tinh thần "trốn cũng không thể thoát tội".

"Điển hình như các vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại TPHCM, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế); vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, nhận hối lộ xảy ra tại các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng; vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí xảy ra tại Tổng công ty sản xuất, xuất nhập khẩu Bình Dương; vụ án chuyến bay giải cứu với 54 bị cáo; vụ án Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC); Công ty cổ phần công nghệ Việt Á; Tập đoàn FLC; Tập đoàn Tân Hoàng Minh,…", Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong nêu ví dụ.

Tổng Thanh tra nói về xử lý tội phạm, trốn cũng không thể thoát tội - 2

Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long được dẫn giải đến tòa trong vụ án liên quan đến Công ty Việt Á (Ảnh: Nguyễn Hải).

Người đứng đầu Thanh tra Chính phủ còn phản ánh, trong nhiều năm trở lại đây, công tác phát hiện, xử lý tội phạm về tham nhũng của các cơ quan chức năng đều tăng về số vụ, cả ở Trung ương và địa phương với việc xử lý ngày càng nghiêm minh, triệt để hơn.

Cụ thể, năm 2018 khởi tố 279 vụ, 454 bị can; năm 2019 khởi tố 220 vụ, 515 bị can; năm 2020 khởi tố 290 vụ, 616 bị can; năm 2021 khởi tố 310 vụ, 665 bị can; năm 2022 khởi tố 436 vụ với 929 bị can; năm 2023 khởi tố 620 vụ với 1.749 bị can.

"Đặc biệt, chúng ta cũng tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Số liệu khởi tố đối với các vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp của Cơ quan điều tra VKSND Tối cao cho thấy, năm 2019 đã khởi tố 15 vụ, năm 2020 khởi tố 25 vụ với 26 bị can, năm 2021 khởi tố 24 vụ với 30 bị can; năm 2022 khởi tố 40 vụ với 48 bị can; năm 2023 khởi tố 71 vụ với 126 bị can", ông Đoàn Hồng Phong trả lời cử tri An Giang.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/xa-hoi/tong-thanh-tra-noi-ve-xu-ly-toi-pham-tron-cung-khong-the-thoat-toi-20240204190340980.htm

  • Từ khóa