Vào cao điểm mua sắm

Thứ 3, 06.02.2024 | 08:33:24
649 lượt xem

Trong khi người dân Hà Nội đổ xô đi sắm Tết thì sức mua ở một số địa phương vẫn còn khá chậm. Dù vậy, lượng hàng hóa và giá cả đều được giữ ổn định

Hà Nội: Nhộn nhịp mua sắm

Chỉ còn vài ngày nữa sẽ đến Tết Nguyên đán, người dân Hà Nội đổ xô mua sắm tại các siêu thị khiến các quầy hàng chật cứng. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động ngày 5-2 (tức 26 tháng chạp), các siêu thị, trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội như Big C Thăng Long, AEON Mall Hà Đông, AEON Mall Long Biên... không khí mua sắm sôi động, người dân đi mua sắm rất đông. Nhiều người làm việc ở Hà Nội cũng tranh thủ mua sắm quà đưa về quê, chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Các quầy bánh kẹo, các loại hạt, bánh mứt Tết bán theo cân luôn đông khách. Các giỏ quà Tết với nhiều kiểu dáng, mẫu mã bắt mắt, có mức giá phổ biến từ 299.000 - 699.000 đồng/giỏ được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn. Đây cũng là phân khúc được các siêu thị tập trung chuẩn bị trong năm nay.

Tại siêu thị Big C Thăng Long, do lượng người đến mua sắm quá đông, phần lớn đều sử dụng xe đẩy chở hàng hóa nên tại một số quầy hàng bánh kẹo, thực phẩm, hoa quả một số thời điểm bị "kẹt xe". Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc siêu thị này, càng về chiều tối, lượng khách đến mua sắm càng đông. Để phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết, hệ thống siêu thị GO!, Big C trên toàn quốc sẽ mở cửa từ 7 - 23 giờ hằng ngày. Từ mùng 2, hệ thống hoạt động bình thường, mở cửa từ 8 - 22 giờ.

Theo ghi nhận của phóng viên cũng như phản ánh của người dân, hàng hóa Tết ở các siêu thị năm nay có giá bán ổn định, nguồn hàng phong phú nên không có tình trạng tăng giá đột ngột. Chị Hoàng Minh Nguyệt (trú quận Hà Đông) cho biết do lượng khách đông nên khi thanh toán phải chờ khá lâu. Theo chị Nguyệt, năm nay gia đình chị mua sắm Tết giảm so với mọi năm do khó khăn chung.

Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội, cho biết Hà Nội có hơn 14.500 điểm bán hàng bình ổn phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ước tính, tổng giá trị hàng hóa là gần 41.000 tỉ đồng, tăng khoảng 10% so với năm trước.

Vào cao điểm mua sắm- Ảnh 1.

Người dân Hà Nội xếp hàng chờ thanh toán ở siêu thị. Ảnh: MINH CHIẾN

Đà Nẵng: Giá cả bình ổn, sức mua giảm

Tại TP Đà Nẵng, hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2024 tại các chợ, siêu thị dồi dào, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Sở Công Thương TP Đà Nẵng cho biết đã triển khai nhiều hoạt động bán hàng bình ổn dịp Tết nhằm bảo đảm cân đối cung cầu đối với một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Thành phố tổ chức 19 điểm bán hàng bình ổn gồm các mặt hàng gia súc, gia cầm trong 3 ngày 27 đến 29 tháng chạp tại các chợ trên địa bàn. Các điểm bán này vừa cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm vừa niêm yết giá và giữ giá ổn định. Sở Công Thương cũng vận động doanh nghiệp (DN) triển khai bình ổn mặt hàng gạo tại 5 điểm với giá thấp hơn giá bán lẻ từ 5% - 15%.

Các siêu thị lớn trên địa bàn Đà Nẵng tổ chức bán hàng bình ổn với giá hợp lý. Nhiều DN, siêu thị, trung tâm thương mại, đơn vị phân phối cũng đồng loạt tổ chức các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng, góp phần phục vụ nhu cầu mua sắm và bình ổn thị trường trong dịp Tết.

Ở các chợ truyền thống trên địa bàn Đà Nẵng, hàng hóa phục vụ Tết dồi dào. Tuy nhiên, ghi nhận ở các chợ cũng như siêu thị, sức mua sắm của người dân năm nay giảm hơn so với năm ngoái. Dù đã 26 Tết nhưng một số chợ lớn vẫn thưa thớt khách. Các siêu thị chủ yếu đông khách vào buổi tối.

Vào cao điểm mua sắm- Ảnh 2.

Khách chọn mua thực phẩm cho ngày Tết tại chợ Cồn, Đà Nẵng. Ảnh: BÍCH VÂN

ĐBSCL: Cam kết không tăng giá

Ở khu vực ĐBSCL, các địa phương đã chủ động nguồn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân vào dịp cận Tết. Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết đã phối hợp 24 DN đăng ký 212 đại lý, cửa hàng, điểm bán hàng bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán. Trong đó, 113 cửa hàng lương thực, thực phẩm, bách hóa tiêu dùng, hóa mỹ phẩm; 99 cửa hàng xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng được bố trí rộng khắp trên toàn tỉnh. Tổng giá trị dự trữ hàng hóa khoảng 1.249 tỉ đồng. "Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu cao hoặc biến động giá nhiều. Qua đó, chủ động có phương án, đề xuất với các cơ quan chức năng bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến" - ông Nguyễn Thành Huân, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang, nhấn mạnh.

Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam Chi nhánh Đồng Tháp cũng đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng bình ổn tại thị trường An Giang. "Chúng tôi cam kết nguồn thịt heo, trứng gia cầm cho địa bàn An Giang bảo đảm nhu cầu mua sắm của người dân, không để đứt gãy nguồn cung, không tăng giá bất hợp lý. Khi thị trường thịt heo và trứng giá cầm có biến động, giá thị trường tăng cao, công ty vẫn bảo đảm nguồn cung" - ông Ngô Thoại, Giám đốc C.P Việt Nam Chi nhánh Đồng Tháp, khẳng định.

Cà Mau có 20 DN tham gia dự trữ hàng hóa phục vụ Tết với tổng giá trị hơn 1.000 tỉ đồng, tập trung vào 6 nhóm: nông sản thực phẩm; công nghệ thực phẩm (đường, bột ngọt, hạt nêm…); sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu… Để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón Tết, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có chỉ thị đề nghị Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường theo dõi sát tình hình thị trường để chủ động các nguồn cung những mặt hàng thiết yếu; bảo đảm chất lượng… Qua đó, không để xảy ra tình trạng thiếu, găm hàng, gián đoạn nguồn hàng làm tăng giá đột biến; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, chủ cơ sở sản xuất thực phẩm Nguyễn Gia (huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long), cho hay dù giá đường có tăng nhưng giá bán các loại mứt của cơ sở vẫn như ngày thường. Sản phẩm chủ lực của cơ sở này là mứt vỏ bưởi đóng hộp, giá bán của sản phẩm này trong dịp Tết là 85.000 đồng/hộp (loại 220 gram) và 170.000 đồng/hộp (loại 450 gram).


Theo nld.com.vn

https://nld.com.vn/vao-cao-diem-mua-sam-196240205213530918.htm 

  • Từ khóa