Tổ hòa giải điển hình tiên tiến: Hòa giải khéo, vận động hay

Thứ 2, 12.02.2024 | 09:16:46
810 lượt xem

Với tinh thần trách nhiệm cao cùng khả năng thuyết phục vận động, các tổ hòa giải điển hình tiên tiến trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò, hòa giải thành công mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư. Qua đó, giữ gìn tình đoàn kết xóm làng, hạn chế khiếu nại tố cáo, góp phần mang mùa xuân về với mọi nhà.

Thành viên tổ hòa giải điển hình tiên tiến thôn Còn Đuống, xã Đình Lập, huyện Đình Lập phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho người dân

Thôn Phạ Thác, xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình có 58 hộ dân, với hơn 200 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Dao, khoảng cách từ đầu đến cuối thôn cách nhau gần 9km. Điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn, điều kiện tự nhiên cách trở cũng không ngăn cản được lòng nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm của các thành viên tổ hòa giải thôn. Nhiều năm qua, tỉ lệ hòa giải thành công trung bình của tổ đạt gần 95%. Tổ hòa giải của thôn được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở giai đoạn 2018 – 2023.

Ông Triệu Sinh Lưu, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ hòa giải thôn Phạ Thác cho biết: Tổ có 6 thành viên, mỗi khi trong thôn xảy ra mâu thuẫn chúng tôi đều có mặt. Điển hình tháng 3/2023, 1 hộ trong thôn mâu thuẫn với 1 hộ ở thôn Nà Lâu, xã Đông Quan, huyện Lộc Bình do tranh chấp đất đồi gần đường bờ ruộng giáp ranh giữa 2 thôn. Chúng tôi đã kiên trì vận động, dùng lý lẽ và quy định của pháp luật nhiều lần gặp gỡ, thuyết phục 2 bên nhường nhịn, qua đó hòa giải thành công mâu thuẫn. Năm 2019, tổ đã phối hợp với UBND xã vận động được 48 hộ ủng hộ, hiến hơn 40 nghìn mét vuông đất làm đường Ái Quốc – Lợi Bác với chiều dài 20km.

Năm 2020, thôn Hồng Phong 2 và Hồng Phong 3 xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn sáp nhập thành thôn Hồng Minh. Ông Phan Văn Hùng, Trưởng Ban Công tác Mặt trận, tổ trưởng tổ hòa giải thôn Hồng Minh bộc bạch: Thôn hiện có hơn 150 hộ dân, với hơn 300 nhân khẩu. Người dân trong thôn thường nảy sinh mâu thuẫn như về đất đai, tranh chấp lối đi chung, hôn nhân và gia đình… Phát huy vai trò của tổ hòa giải, chúng tôi thường xuyên tuyền truyền pháp luật cho người dân, vận dụng linh hoạt tình làng nghĩa xóm với các quy định của pháp luật để hòa giải. Đối với các vụ việc khó về đất đai, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với công chức địa chính xã để tham khảo ý kiến, xin trích đo bản đồ để làm căn cứ hòa giải các mâu thuẫn. Nhờ đó mỗi năm, tổ hòa giải thành trên 90% các vụ việc, thôn nhiều năm là thôn văn hóa, trên 98% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Tiểu phẩm tuyên truyền Luật Hòa giải ở cơ sở tại Hội thi Hoà giải viên giỏi tỉnh năm 2023

Được biết việc xây dựng tổ hòa giải điển hình tiên tiến trên địa bàn tỉnh được thực hiện từ năm 2019. Qua thực tế hoạt động, chính quyền các cấp tiếp tục lựa chọn, nhân rộng, số lượng tổ hòa giải điển hình tiên tiến qua từng năm. Đến nay toàn tỉnh có 395 tổ hòa giải điển hình tiên tiến (tăng 361 tổ so với năm 2019; chiếm 23,4% tổng số tổ hòa giải). Các tổ hòa giải điển hình tiên tiến được được chính quyền lựa chọn từ các tổ hòa giải có cách làm hay, hiệu quả; am hiểu về pháp luật, khéo léo thuyết phục vận động hai bên tranh chấp hóa giải được mâu thuẫn, đồng thời thường xuyên vận động Nhân dân chấp hành pháp luật, bảo đảm hoạt động hòa giải đạt hiệu quả cao với tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 90%.

Ông Dương Công Luyện, Trưởng Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp nhận định: Việc xây dựng, nhân rộng mô hình tổ hòa giải điển hình tiên tiến là một trong những giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở. Đây là các tổ hòa giải có đội ngũ hòa giải viên có năng lực, kinh nghiệm và kỹ năng tuyên truyền pháp luật, vận động người dân tự nguyện thỏa thuận giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp thông qua biện pháp hòa giải, qua đó, góp phần củng cố khối đại đoàn kết trong cộng đồng Nhân dân.

Để góp phần nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho các tổ hòa giải nói chung và tổ hòa giải điển hình tiên tiến nói riêng, hằng năm, Sở Tư pháp, UBND các huyện, thành phố đều tổ chức các lớp tập huấn pháp luật, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ này. Từ năm 2019 đến nay, trên 50 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở đã được tổ cức với hơn 9.000 lượt người tham dự. Riêng năm 2023, 11/11 huyện, thành phố và tỉnh đã tổ chức thành công hội thi hòa giải viên giỏi, đây là sân chơi nghiệp vụ ý nghĩa, vừa bồi dưỡng kiến thức pháp luật, vừa sân khấu hóa tuyên truyền các vụ việc hòa giải thành công điển hình để cho hòa giải viên, các tổ hòa giải, trong đó có tổ hòa giải điển hình tiên tiến trên toàn tỉnh chia sẻ, giao lưu học hỏi kinh nghiệm về cách hòa giải tài tình, vận động khéo léo trong giải quyết các vụ việc.

Thông qua hoạt động của các tổ hòa giải điển hình tiên tiến đã góp phần nâng cao chất lượng công tác hòa giải trên địa bàn. Năm 2023, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã hoà giải thành 2.747/3.506 vụ việc, đạt 78,3% (tăng hơn 5,3% so với năm 2022). Qua đó, góp phần giảm thiểu các tranh chấp, khiếu kiện đến các cơ quan nhà nước; duy trì, củng cố khối đại đoàn kết, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phát huy đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật trong Nhân dân.

Thời gian tới, UBND các huyện, thành phố lựa chọn các xã là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự; các xã đạt chuẩn nông thôn mới hoặc phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới để tiếp tục xây dựng, nhân rộng mô hình tổ hòa giải điển hình tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/xa-hoi/643135-to-hoa-giai-dien-hinh-tien-tien-hoa-giai-kheo-van-dong-hay.html

  • Từ khóa