Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận: Góp phần nâng cao giá trị sản phẩm măng ớt Lạng Sơn

Thứ 6, 16.02.2024 | 14:16:15
2,838 lượt xem

Thương hiệu cộng đồng (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể) đã và đang chứng minh vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy sản xuất, thương mại và gia tăng giá trị cho sản phẩm nông sản. Nhận thức rõ tầm quan trong của thương hiệu cộng đồng, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp triển khai xây dựng nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) cho sản phẩm măng ớt Lạng Sơn.

Măng ớt được nhiều người lựa chọn làm quà cho bạn bè phương xa 

Mặc dù được nhiều người tiêu dùng biết đến song măng ớt Lạng Sơn lại chưa được bảo hộ về sở hữu trí tuệ, chưa có cơ chế quản lý, xác thực nguồn gốc cũng như chất lượng sản phẩm. Điều này tồn tại nhiều rủi ro đối với người tiêu dùng về khả năng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như sự cạnh tranh không lành mạnh đối với những người sản xuất sản phẩm măng ớt Lạng Sơn. Để gia tăng giá trị cho sản phẩm măng ớt Lạng Sơn, Sở Khoa học và Công nghệ đã đưa việc bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Măng ớt Lạng Sơn” vào chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh và phối hợp với Công ty TNHH Tư vấn và phát triển thương hiệu AMC Việt Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội) triển khai thực hiện từ tháng 10/2023 đến tháng 10/2025).

Măng ớt gồm các nguyên liệu chính như: măng, ớt, mác mật, riềng, tỏi… được ngâm, trộn với nhau tạo ra hương vị đặc sắc. Điều tạo nên sự khác biệt của măng ớt Lạng Sơn là có thêm quả mác mật, loại quả này không chỉ tạo mùi thơm đặc trưng mà còn giúp hương vị món ăn thêm hài hòa. Măng ớt được sản xuất rải rác tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung chủ yếu ở huyện Chi Lăng. Hiện trên địa bàn huyện có khoảng 50 hộ tham gia sản xuất và kinh doanh măng ớt với sản lượng sản xuất và tiêu thụ hằng năm khoảng 800 tấn măng, trong đó 30 cơ sở đủ chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, 1 cơ sở sản xuất đạt OCOP 3 sao. Sản phẩm măng ớt Lạng Sơn hiện được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố như: Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên… với giá bán từ 40 đến 70 nghìn đồng/lọ 1kg. Sản xuất và kinh doanh măng ớt đã góp phần mang lại việc làm và thu nhập cho nhiều lao động trên địa bàn tỉnh, từng bước hình thành vùng sản xuất nguyên liệu như: ớt huyện Chi Lăng, mác mật huyện Bình Gia, măng tre huyện Hữu Lũng…

Ông Nguyễn Bá Hội, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tư vấn và phát triển thương hiệu AMC Việt Nam cho biết: Là đơn vị được giao trực tiếp triển khai dự án xây dựng NHCN Măng ớt Lạng Sơn, chúng tôi tập trung triển khai thực hiện 3 nội dung chính gồm: xây dựng NHCN; quản lý NHCN và phát triển NHCN. Từ tháng 10/2023 đến nay, chúng tôi huy động nhân lực của công ty để triển khai phần khó nhất của nhiệm vụ là xây dựng hồ sơ đăng ký NHCN, đến nay nội dung này đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo tiến độ đề ra.

Ngay khi được giao nhiệm vụ, nhóm triển khai dự án đã tổ chức khảo sát thị trường măng ớt trong và ngoài tỉnh; đánh giá hiện trạng sản xuất, kinh doanh măng ớt Lạng Sơn; tiến hành gửi sản phẩm đi phân tích các chỉ tiêu chất lượng tại Viện Khoa học Môi trường và Xã hội (Bộ Khoa học và Công nghệ); xây dựng dự thảo các mẫu thiết kế nhãn hiệu; xây dựng dự thảo quy chế quản lý nhãn hiệu và khoanh vùng bản đồ khu vực địa lý tương ứng với NHCN theo quy định của pháp luật. Theo đó, đơn vị quản lý NHCN được xác định là Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Phạm vi bảo hộ NHCN là tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Dự thảo quy chế quản lý NHCN được xây dựng với nhiều điều khoản cụ thể như: điều kiện ghi nhận quyền sử dụng NHCN; nội dung kiểm soát với khu vực sản xuất, nguyện liệu, kỹ thuật chế biến, đóng gói, chất lượng trước khi xuất xưởng, sử dụng nhãn hiệu; công cụ kiểm soát; biện pháp xử lý đối với chủ thể vi phạm; quyền và nghĩa vụ đối với người sản xuất, kinh doanh… Cùng với đó, nhóm đã tổ chức 1 hội thảo đóng góp ý kiến về các nội dung liên quan.

Anh Nguyễn Trung Kiên, chủ cơ sở sản xuất măng ớt Minh Mão, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng tâm sự: Mỗi năm gia đình tôi sản xuất từ 50.000 đến 60.000 lọ măng ớt cung cấp cho thị trường nội tỉnh và các tỉnh khác như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội và cả thị trường miền Nam. Vừa qua chúng tôi nhận được một đơn hàng xuất khẩu măng ớt sang thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, do sản phẩm chưa được bảo hộ sở hữu trí tuệ nên việc xuất khẩu hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn. Khi sản phẩm măng ớt được bảo hộ, những người sản xuất như chúng tôi sẽ có nhiều thuận lợi khi mở rộng thị trường, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử cũng như vào các hệ thống siêu thị lớn trong cả nước.

Trong thời gian qua, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông thôn gắn với chỉ dẫn nguồn gốc địa lý đã trở thành một định hướng quan trọng nhằm thúc đẩy sức cạnh tranh, giá trị của các nông sản, đặc sản… góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới cũng như thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Thời gian tới, nhóm triển khai thực hiện dự án sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ; đồng thời phối hợp tổ chức tập huấn cho người sản xuất măng ớt trên địa bàn tỉnh về tầm quan trọng của nhãn hiệu chứng nhận; tập trung hướng dẫn cơ quan quản lý về công tác kiểm soát, quản lý NHCN…


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/khoa-hoc-tin-hoc/644400-xay-dung-nhan-hieu-chung-nhan-gop-phan-nang-cao-gia-tri-san-pham-mang-ot-lang-son.html

  • Từ khóa