Thủ tướng: "Loại bỏ cơ chế xin cho để chống tham nhũng, ngừa sai phạm"

Thứ 4, 28.02.2024 | 15:21:37
557 lượt xem

Trong công tác xây dựng pháp luật, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu loại bỏ cơ chế xin cho để phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, phòng ngừa sai phạm.

Định hướng này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật, ngày 27/2.

Tại phiên họp, Chính phủ đã xem xét cho ý kiến, quyết nghị về nhiều nội dung quan trọng: Dự án Luật Phòng không nhân dân; dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; đề nghị xây dựng Luật Hàm, cấp ngoại giao; đề nghị xây dựng Luật Hàng không dân dụng (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số; đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024…

Thủ tướng: Loại bỏ cơ chế xin cho để chống tham nhũng, ngừa sai phạm - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Đoàn Bắc).

Sau khi lắng nghe các ý kiến thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cho ý kiến kết luận đối với từng nội dung và giao các nhiệm vụ cụ thể hoàn thiện các dự án luật, đề nghị xây dựng luật.

Trong đó, với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Thủ tướng nhấn mạnh thuốc là hàng hóa đặc biệt nên phải có chính sách quản lý đặc biệt. Song ông lưu ý chính sách cần thông thoáng trên cơ sở loại bỏ cơ chế xin cho, tuân thủ quy luật thị trường, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, dược liệu.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và có chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp dược.

Với dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu giữ gìn, tôn tạo, phát huy di sản văn hóa của dân tộc, phát triển công nghiệp văn hóa, thúc đẩy đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực di sản văn hóa, huy động nguồn lực xã hội thông qua tăng cường hợp tác công tư; phát triển nguồn nhân lực văn hóa.

Thủ tướng: Loại bỏ cơ chế xin cho để chống tham nhũng, ngừa sai phạm - 2

Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: Đoàn Bắc).

Theo ông, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, lấy ý kiến chuyên gia về quy định liên quan kinh doanh bảo vật trên cơ sở quản lý bằng công cụ thuế.

Thủ tướng cũng lưu ý cần khuyến khích và có chính sách quản lý hoạt động của bảo tàng tư nhân; các quy định của luật này không chồng chéo với Luật Lưu trữ.

Về việc chuẩn bị các dự án luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 sắp tới, Thủ tướng lưu ý số lượng các dự án luật rất lớn nên nhiệm vụ đặt nặng nề.

Ông đề nghị các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung nguồn lực, lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện các dự án luật theo quy định.

Đối với 2 dự án luật, gồm dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 1, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng thời hạn.

Đối với dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, giao Bộ Xây dựng khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án luật, trình các cấp có thẩm quyền theo quy định.

Lưu ý một số trọng tâm, yêu cầu trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, Thủ tướng yêu cầu phát huy vai trò của người đứng đầu. Theo đó, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; tập trung nguồn lực, có chế độ chính sách phù hợp với cán bộ, công chức làm công tác pháp chế, nhất là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế.

Lãnh đạo Chính phủ đề nghị rút ngắn hơn nữa quy trình sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tăng cường truyền thông chính sách nhằm tạo sự đồng thuận và hiệu quả trong quá trình xây dựng, ban hành và thực thi pháp luật.

Nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng các dự án luật, Thủ tướng lưu ý luật phải tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn và xử lý được các vấn đề mới chưa có quy định điều chỉnh.

Thủ tướng: Loại bỏ cơ chế xin cho để chống tham nhũng, ngừa sai phạm - 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu loại bỏ cơ chế xin cho trong xây dựng pháp luật (Ảnh: Đoàn Bắc).

Ông cũng nhắc cần chú trọng lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, doanh nghiệp, người dân. Với các vấn đề còn ý kiến khác nhau, Thủ tướng cho rằng cần thiết kế các phương án cụ thể, nêu rõ quan điểm để cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu loại bỏ cơ chế xin cho để phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, phòng ngừa sai phạm. Đi kèm với đó, theo ông, phải cắt giảm tối đa, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, không gây phiền hà, giảm chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp.

Đặc biệt, theo người đứng đầu Chính phủ, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát; khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/xa-hoi/thu-tuong-loai-bo-co-che-xin-cho-de-chong-tham-nhung-ngua-sai-pham-20240227184951046.htm

  • Từ khóa