Nhóm đối tượng người Việt Nam tại Campuchia dưới sự chỉ đạo của các ông chủ Đài Loan, Trung Quốc thực hiện các phi vụ lừa đảo nhằm vào hàng nghìn người trong nước, chiếm đoạt trên 500 tỷ đồng.
Liên tiếp phá các vụ lừa đảo xuyên quốc gia
Ngày 9/3, Thượng tá Trần Đức Thân, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Nghệ An, cho biết đơn vị vừa phối hợp các lực lượng chức năng liên tiếp phá thành công 2 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia.
Hiện công an đã khởi tố bị can, tạm giam 50 đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó Tăng Quảng Vinh (35 tuổi, trú quận 5, TPHCM) và Phan Văn Phượng (33 tuổi, trú huyện Yên Thành, Nghệ An) được xác định là 2 kẻ cầm đầu đường dây.
Công an Nghệ An liên tiếp triệt phá 2 đường dây thực hiện hành vi lừa đảo khắp cả nước, chiếm đoạt khoảng 500 tỷ đồng (Ảnh công an cung cấp).
"Mặc dù là hai nhóm đối tượng lừa đảo độc lập nhưng hình thức tổ chức và thủ đoạn giống nhau. Các nhóm lừa đảo được tổ chức với một hệ thống chặt chẽ, tinh vi với sự tham gia của các đối tượng người Việt Nam ở Campuchia, dưới sự chỉ đạo, điều hành của ông chủ người Đài Loan, Trung Quốc.
Bước đầu chúng tôi làm rõ, bằng kịch bản xây dựng sẵn, các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt khoảng 500 tỷ đồng của hàng nghìn bị hại thuộc nhiều tỉnh, thành trong cả nước", Thượng tá Trần Đức Thân cho hay.
Mục tiêu mà các đối tượng này nhắm tới là nhóm người yếu thế trong xã hội như người già, phụ nữ, những người có tâm lý yếu.
Trước tiên, một đối tượng gọi điện thông báo người dân bị nghi ngờ có liên quan đến một hoạt động phạm tội, sẽ bị phong tỏa tài khoản ngân hàng.
50 đối tượng người Việt Nam sinh sống ở Campuchia, dưới sự chỉ đạo của các ông chủ Đài Loan, Trung Quốc thực hiện hàng nghìn vụ lừa đảo nhằm vào các nạn nhân là người yếu thế trong nước (Ảnh công an cung cấp).
Nạn nhân được chuyển kết nối đến một đối tượng giới thiệu là cán bộ công an, tòa án hoặc viện kiểm sát. Khẳng định có bằng chứng liên quan đến hoạt động lừa đảo, đối tượng yêu cầu bị hại phối hợp điều tra, đe dọa ra lệnh bắt tạm giam, lệnh phong tỏa tài khoản...
Bằng việc thao túng tâm lý, các đối tượng nhanh chóng lấy được thông tin về tài khoản ngân hàng, giấy tờ tùy thân của nạn nhân. Các thông tin này sau đó sẽ được chuyển tới một đối tượng thứ 3.
Đối tượng này thường được giới thiệu là người có thẩm quyền cao nhất trong xử lý vụ việc mà bị hại được thông báo là có liên quan. Người này yêu cầu bị hại đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử, đọc thông tin đăng nhập và cung cấp mã OTP để chiếm quyền sử dụng tài khoản ngân hàng.
Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong triệt xóa 2 băng nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao nói trên, Công an tỉnh Nghệ An đã được Lãnh đạo Bộ Công an gửi thư khen.
Với lý do tạm giữ tài sản để xác minh, sẽ trả lại khi chứng minh không liên quan đến hành vi phạm tội, đối tượng yêu cầu nạn nhân chuyển toàn bộ tài sản vào tài khoản cá nhân (vừa bị chiếm quyền sử dụng) hoặc tài khoản chỉ định và chiếm đoạt.
"Đây là thủ đoạn không mới, chúng tôi đã cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, phát tờ rơi đến tận tay người dân... Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người mắc bẫy và mất số tài sản lớn", Thượng tá Trần Đức Thân cho hay.
Phá được án, buồn nhiều hơn vui
Theo Trưởng phòng hình sự Công an tỉnh Nghệ An đơn vị đã huy động nhiều cán bộ, chiến sỹ, điều tra, truy xét trong thời gian dài, xuyên Tết đấu tranh để triệt phá hai đường dây lừa đảo.
Đây là vụ án có số đối tượng đông nhất, thực hiện hành vi phạm tội trên địa bàn rộng lớn nhất, với số bị hại nhiều nhất mà đơn vị triệt phá thành công. Tuy nhiên, sau chiến công ấy là những nỗi niềm, trăn trở của người lính cảnh sát hình sự.
Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An khen thưởng thành tích đặc biệt, xóa 2 đường dây lừa đảo quy mô lớn do Phòng CSHS chủ trì thực hiện (Ảnh: Minh Khôi).
"Nhiều nạn nhân bị lừa số tiền rất lớn, dẫn tới khuynh gia bại sản hoặc vướng vào nợ nần, nảy sinh ý định tự tử", Thượng tá Thân thông tin.
Trung tá Hà Huy Đức, Phòng cảnh sát Hình sự không khỏi xót xa khi nhắc tới một nữ bị hại của nhóm tội phạm do Phan Văn Phượng thực hiện. Khi được mời làm việc để xác minh thông tin vụ việc, người phụ nữ vẫn còn run rẩy, bấn loạn.
Người phụ nữ ở Hà Nội, đã hết sức hoảng loạn khi được một người gọi điện thông báo có liên quan đến một đường dây ma túy lớn, bị dọa bắt và bỏ tù. Quá hoảng sợ nên khi đối tượng yêu cầu chuyển toàn bộ tiền tiết kiệm, vay mượn thêm để chuyển và yêu cầu phải giữ bí mật, chị răm rắp làm theo.
"Có lẽ sự thật thà đến đáng thương của chị khiến đối tượng lừa đảo động lòng trắc ẩn. Sợ khi biết bị lừa số tiền lớn và lâm vào cảnh nợ nần, bị hại sẽ làm điều dại dột, đối tượng yêu cầu chị đi đến nhà người thân và chuyển máy cho người bà con. Hắn thông báo chị vừa bị lừa số tiền lớn và đề nghị gia đình để ý, tránh việc nạn nhân tự tử", Trung tá Hà Huy Đức kể.
Công an, Viện kiểm sát hay Tòa án không làm việc qua điện thoại. Mọi cuộc gọi xưng đại diện các cơ quan tư pháp này đều là giả mạo với mục đích lừa đảo (Ảnh: Bộ Công an).
Các nạn nhân bị lừa đảo sau khi bị mất số tiền lớn bằng cả đời tích góp, thậm chí vướng vào nợ nần còn bị sang chấn tâm lý. Có nạn nhân phải mất một thời gian dài mới có thể bình tâm trở lại, hoặc có người sẽ lâm vào trạng thái bi quan, bế tắc trước cuộc sống.
Theo Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An, đấu tranh với loại tội phạm thế hệ mới này rất khó do các đối tượng sinh sống ở nước ngoài. Số tài sản sau khi bị chiếm đoạt hầu như không thể thu hồi. Do vậy, việc nêu cao cảnh giác, phòng ngừa bị sập bẫy lừa đảo phải đặt lên hàng đầu.
"Trước hết, người dân cần phải biết các cơ quan Công an, Viện kiểm sát hay Tòa án không làm việc qua điện thoại hay các ứng dụng mạng xã hội. Nếu có liên quan, các cơ quan này sẽ gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập đến trụ sở có địa chỉ rõ ràng để làm việc trực tiếp.
Bên cạnh đó, người dân tuyệt đối không cung cấp tài khoản ngân hàng, mật khẩu, giấy tờ tùy thân cho người lạ hay đăng tải các thông tin này lên mạng xã hội; không bán tài khoản ngân hàng để tiếp tay cho tội phạm", Thượng tá Trần Đức Thân khuyến cáo.
Theo dantri.com.vn