Một loại nông sản "vàng đen" của Việt Nam sát mốc 100 ngàn đồng/kg

Thứ 7, 09.03.2024 | 14:53:38
1,259 lượt xem

Dự báo giá hồ tiêu vẫn được giao dịch ở mức cao trong ngắn hạn nhờ nhu cầu tăng cao, trong khi nguồn cung thiếu hụt.

Hồ tiêu từng được ví như "vàng đen" của Việt Nam vì mặt hàng này có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, trong hơn một thập kỷ qua, ngành hồ tiêu Việt Nam đã trải qua giai đoạn thăng trầm khi có thời điểm giá bán giảm xuống mức 34 ngàn đồng/kg và hiện nay giá hồ tiêu ở mức 92-95 ngàn đồng/kg.

Một loại nông sản

Tiêu là một trong những mặt hàng gia vị của Việt Nam đang được nhiều nhà nhập khẩu trên thế giới quan tâm - Ảnh: Thùy Linh

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động bên lề Hội nghị Quốc tế Ngành Hồ tiêu và gia vị Việt Nam - VIPO 2024 đang diễn ra từ ngày 8 đến 10-3, tại Hà Nội, bà Trịnh Thanh Thảo, Giám đốc công ty TNHH thương mại Việt Linh, cho biết những tháng đầu năm nay, doanh nghiệp này đã nhận được đơn hàng xuất khẩu với sản lượng khoảng 100 tấn gia vị nói chung đi các thị trường thuộc khu vực Trung Đông. Giá tiêu cao, nhu cầu nhập khá nhiều.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Công ty Prosi Thăng Long, từ tháng 12-2023, giá tiêu tăng đột biến, đến nay đà tăng vẫn tiếp diễn. Năm 2024, nhiều hộ nông dân và doanh nghiệp kỳ vọng triển vọng giá mới cho ngành hàng hồ tiêu.

Đến thời điểm này, doanh nghiệp trên đã nhận được một số đơn hàng cho quý II/2024. Giá cao đột biến, nhưng cũng có những rủi ro nhất định. Theo bà Huyền, một phần do nông dân hạn chế bán ra khiến doanh nghiệp rất khó gom hàng.

Trong khi đó, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPA) cũng đánh giá hồ tiêu đang bước vào chu kỳ tăng giá vì nguồn cung của Việt Nam và các nước xuất khẩu lớn như Brazil giảm do điều kiện bất lợi về thời tiết.

Giá tăng đột biến, doanh nghiệp cẩn trọng rủi ro 

"Với sức ép nguồn cung hy vọng sẽ tác động tích cực lên mặt bằng giá. Đây là động lực để người nông dân quan tâm tới vườn, mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng - bà Liên nói.

Theo Chủ tịch VPA, giá tiêu có thể tăng đến khi thị trường bão hòa, cung - cầu cân bằng, nhưng rất khó dự báo con số cụ thể.

Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch VPA khuyến nghị nên tham gia thị trường cẩn trọng. Nếu giá  tăng đột ngột sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của đơn hàng và rủi ro cho chính doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp phải đánh giá, nhìn xa hơn về xu hướng giá để có chiến lược phù hợp.

Trong tầm nhìn ngắn hạn, VPA dự báo giá vẫn được giao dịch ở mức cao nhờ các yếu tố thúc đẩy trên. Tuy nhiên, khó có thể đưa ra dự báo trong trung và dài hạn trước sự bất ổn của các yếu tố địa chính trị và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Trong đó, các yếu tố địa chính trị đã tiếp tục ảnh hưởng bao trùm lên nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là tại châu Âu và Mỹ dẫn tới nhu cầu tiêu thụ loại hàng hóa, trong đó có hồ tiêu bị giảm sút trong thời gian vừa qua. Dự kiến, trong thời gian tới sức mua tại 2 thị trường này vẫn sẽ tiếp tục ở mức thấp nên giá hồ tiêu khó có thể hồi phục ổn định trong năm 2024.

Thêm vào đó, một yếu tố ảnh hưởng nữa là việc Fed liên tục tăng lãi suất nhằm hạn chế lạm phát đã đẩy đồng USD chảy ngược vào Mỹ. Điều này khiến nhiều quốc gia bị thiếu USD và phải hạn chế ngoại tệ đối với nhập khẩu hàng hóa không thiết yếu, trong đó có hồ tiêu.

Thêm vào đó, một số thách thức mà ngành hồ tiêu Việt Nam hiện đang gặp phải là sự biến đổi khó lường của khí hậu và vấn đề sâu bệnh, quy định ngày càng nghiêm ngặt của các thị trường quan trọng… 

Do đó, để các sản phẩm hồ tiêu Việt Nam khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới một cách bền vững, ngành hồ tiêu cần tăng khả năng áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như tiêu chuẩn Rainforest Alliance, hữu cơ… Đặc biệt là về vấn đề như dư lượng hóa chất, các tiêu chí sản xuất bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường.


Theo nld.com.vn 

https://nld.com.vn/mot-loai-nong-san-vang-den-cua-viet-nam-sat-moc-100-ngan-dong-kg-196240309120104931.htm

  • Từ khóa