Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp

Thứ 7, 16.03.2024 | 15:24:22
419 lượt xem

Với nỗ lực của ngành ngân hàng, lãi suất cho vay trên thị trường hiện nay ở mức rất thấp nhưng một số doanh nghiệp (DN) vẫn không tiếp cận được vốn vay. Do đó phải có những giải pháp đồng bộ từ phía Nhà nước, ngành ngân hàng, cộng đồng DN để tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế.

Cần sự phối hợp đồng bộ từ các chính sách 

Các lý do chính khiến DN khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng là do thiếu tài sản bảo đảm, năng lực tài chính giảm sút, không chứng minh được phương án kinh doanh khả thi... Bất động sản vẫn là kênh hấp thụ vốn lớn nhất của nhiều ngân hàng thương mại nhưng do thị trường bất động sản gặp khó khăn, nhiều dự án chậm được tháo gỡ các vướng mắc pháp lý nên không có đủ hàng hóa cung ứng ra thị trường dẫn tới nguồn vốn tín dụng cho chủ đầu tư và người mua nhà bị giảm mạnh.

Đối với một số DN, do đơn hàng vẫn chưa phục hồi nên nhu cầu vay vốn lưu động của những DN này vẫn chưa cao. Các DN cũng mong muốn ngành ngân hàng nâng cao hạn mức cho vay, tăng tỷ lệ tín chấp, có chính sách lãi suất cho vay cố định dài hạn; chấp nhận việc thế chấp bằng chính các máy móc thiết bị sẽ đầu tư, tài sản hình thành trong tương lai; có những chương trình ưu đãi, lãi suất cho vay thấp để chuyển đổi công nghệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho DN.

Hoạt động giao dịch tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Ảnh: DUY THANH 

TS Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho rằng: “Khả năng hấp thụ vốn của các DN yếu là do khó khăn về đầu ra, tiêu thụ sản phẩm. Trong đó bắt nguồn từ việc một số đơn vị sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu gặp khó khăn trong quá trình cạnh tranh đối với những hàng hóa của quốc gia khác có giá rẻ hơn trên kênh thương mại trực tuyến. Các DN sản xuất quy mô nhỏ và vừa không đáp ứng chuẩn tín dụng mà ngân hàng đưa ra nên khó tiếp cận vốn. Bên cạnh đó, các quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ phát triển DN nhỏ và vừa chưa phát huy hiệu quả trong việc giúp DN tiếp cận vốn vay”.

Nâng cao vai trò các quỹ bảo lãnh tín dụng

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia tài chính-ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định: “Việc tăng trưởng tín dụng thấp không phải là do vấn đề lãi suất, việc hạ lãi suất cho vay chỉ là giải pháp đối với những DN đã vay được vốn. Chúng ta cần tìm những giải pháp khác ngoài vấn đề về lãi suất. Cụ thể là đối với những DN không tiếp cận được vốn tín dụng từ ngân hàng thì cơ hội của họ đến từ các quỹ bảo lãnh tín dụng”.

Hiện các quỹ bảo lãnh tín dụng ở địa phương có quy mô vốn rất nhỏ bé, khó có thể bảo lãnh cho DN vay được vốn nên tính hiệu quả của các quỹ này chưa cao. TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất, cần thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia có quy mô vốn điều lệ lên tới 10.000 tỷ đồng. Như vậy mới đủ sức bảo lãnh cho những DN gặp khó trong tiếp cận vốn vay từ ngân hàng. Ngoài ra, các ngân hàng nên có chính sách tín dụng dựa trên tín chấp phù hợp mặc dù cho vay tín chấp phức tạp và rủi ro hơn so với cho vay có tài sản bảo đảm. Về phía DN, cần hiểu rằng các ngân hàng không thể hạ chuẩn tín dụng được mà yêu cầu DN kinh doanh phải có lãi, có tài sản bảo đảm, sử dụng đòn bẩy tài chính hiệu quả... Nếu ngân hàng cố tình hạ thấp chuẩn cho vay dẫn tới nợ xấu thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

TS Tô Hoài Nam đề xuất, để tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế cần nâng cao khả năng tiếp cận vốn của DN bằng nhiều hình thức như nâng cao tỷ lệ tín chấp, giảm tỷ lệ cho vay bằng tài sản bảo đảm. Đối với sản xuất trong nước, phải tăng cơ cấu vốn trung hạn và dài hạn thông qua hình thức như phát hành cổ phiếu, trái phiếu DN, tránh việc DN quá phụ thuộc vào nguồn vốn ngắn hạn từ ngân hàng. Tiếp theo là cần nâng cao khả năng tiếp cận nguồn lực sản xuất, nguồn lực đất đai cho các DN. Nhất là đối với các DN nhỏ và vừa, họ chỉ cần tiếp cận mặt bằng sản xuất từ 500 đến 1.000m2 là đủ. Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò, hiệu quả của các quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ phát triển DN nhỏ và vừa.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong năm 2024, Vietcombank sẽ tiếp tục chính sách lãi suất cho vay thấp so với thị trường, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, rà soát các quy trình tín dụng, đơn giản hóa các quy trình cho vay... Đồng thời, tiếp tục tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà chia sẻ: "Về phía ngân hàng, thanh khoản rất dồi dào và sẵn sàng nguồn vốn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp chính sách của các cơ quan một cách đồng bộ, trong đó, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ như Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa, Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa, để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của các DN này".


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tang-kha-nang-hap-thu-von-cho-doanh-nghiep-768755

  • Từ khóa