Đại biểu Quốc hội chất vấn về sai phạm trong thẩm định giá

Thứ 2, 18.03.2024 | 14:57:40
502 lượt xem

Tham gia chất vấn Bộ trưởng Tài chính, đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp để xử lý tình trạng kiểm toán viên, thẩm định viên về giá vì lợi ích riêng có hành vi bao che, thậm chí câu kết dìm giá, nâng giá, làm thất thoát tài sản Nhà nước.

Sáng 18/3, tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn về trách nhiệm của Bộ trong quản lý Nhà nước về thẩm định, cấp phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ thẩm định giá; giải pháp xử lý các sai phạm trong hoạt động thẩm định giá…

Sai phạm thời gian qua chủ yếu do thẩm định viên cố tình làm sai

Đặt câu hỏi cho Bộ trưởng, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) cho biết, thực tế thời gian qua cho thấy, vẫn còn tình trạng một số dịch vụ thẩm định giá sai phạm khi cố ý thông đồng, câu kết làm sai lệch kết quả thẩm định giá.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Tài chính đưa ra giải pháp nhằm tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng hoạt động thẩm định giá.

Đại biểu Quốc hội chất vấn về sai phạm trong thẩm định giá ảnh 1

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: DUY LINH)

Phản hồi vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, tại Luật Giá năm 2023 đã khắc phục những tồn tại hạn chế của Luật Giá năm 2012 với nhiều nội dung mới nhằm ngăn chặn tình trạng kê khai giá không chính xác, phát hành thẩm định giá khống, tình trạng cấu kết của thẩm định viên với đối tác để nâng giá...

Theo đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam), thực tế cho thấy các công ty thẩm định giá không những có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế mà trong các vụ án sai phạm vừa qua, vai trò của công ty thẩm định giá cũng rất quan trọng, có trách nhiệm, hoặc thậm chí là tiếp tay trong việc dìm giá hoặc nâng giá.

Đại biểu cho rằng, có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng là thời gian qua gia tăng quá nóng các doanh nghiệp thẩm định giá, vì vậy dẫn đến việc tiếp tay và sai phạm. Tuy nhiên, sau khi xử lý sai phạm dẫn đến việc không dám làm nên gây khó khăn trong hoạt động của nền kinh tế.

Đại biểu Quốc hội chất vấn về sai phạm trong thẩm định giá ảnh 2

Đại biểu Tạ Văn Hạ đặt vấn đề trong phiên chất vấn. (Ảnh: DUY LINH)

Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ đến đâu trong vấn đề này, đồng thời cho biết giải pháp khắc phục được những hạn chế trên trong thời gian tới?

Trả lời tranh luận của đại biểu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đính chính: “Nói Bộ Tài chính cấp phép cho nhiều công ty có vai trò thẩm định giá là chưa hoàn toàn chính xác”, bởi cả nước hiện nay có hàng trăm công ty thẩm định giá. Kiểm định viên về giá có chứng chỉ phải được đào tạo và qua thi cử. Bộ trưởng thông tin trong 3 năm qua, chưa kỳ thi nào có số lượng trúng tuyển vượt 33%, điều này có nghĩa việc cấp phép hoạt động với các thẩm định viên được quản lý rất chặt.

Bộ trưởng cho rằng những sai phạm trong thời gian qua chủ yếu do thẩm định viên cố tình làm sai. “Như vụ ngân hàng SCB, các công ty kiểm toán hàng đầu thế giới đều đều vi phạm, rõ ràng sai phạm là do kiểm toán viên, thẩm định viên chứ không phải do công tác quản lý”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Bộ trưởng Tài chính cũng thừa nhận, một số văn bản pháp luật vẫn có những “lỗ hổng” nên cán bộ thẩm định giá lợi dụng. Lấy thí dụ về thẩm định giá đất, Bộ trưởng cho rằng “theo phương pháp thặng dư thì bất cứ ai quay lại kiểm tra cũng phát hiện sai”, bởi giả định theo suất đầu tư vì tài sản hình thành trong tương lai.

“Như vậy, một phần do quy định pháp luật, một phần do cán bộ thẩm định giá cố tình làm sai, xảy ra sai phạm thì phải xử lý kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội chất vấn về sai phạm trong thẩm định giá ảnh 3

Quang cảnh phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc sáng 18/3. (Ảnh: DUY LINH)

Phòng ngừa tiêu cực trong kiểm toán tư nhân

Đặt vấn đề tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, theo báo cáo, cả nước hiện nay có 200 doanh nghiệp kiểm toán độc lập. Thời gian qua, các doanh nghiệp đã thực hiện kiểm toán tốt, tuy nhiên cũng có những doanh nghiệp có sai sót, tiêu cực, như vụ SCB có đến 3 doanh nghiệp kiểm toán tầm cỡ mắc sai phạm.

“Với chức năng quản lý ngành, Bộ trưởng có giải pháp gì phòng ngừa, răn đe tiêu cực trong ngành kiểm toán tư nhân?”, đại biểu Phạm Văn Hoà nêu chất vấn.

Liên quan nội dung này, Bộ trưởng cho biết, hiện tượng sai phạm trong kiểm toán độc lập ở một số vụ án hình sự thời gian qua do nhiều yếu tố, bao gồm: năng lực của cán bộ kiểm toán ở các công ty kiểm toán, tinh thần trách nhiệm của những cán bộ làm công tác kiểm toán trực tiếp, không loại trừ trường hợp cấu kết cố tình vi phạm pháp luật để làm sai.

Bộ Tài chính đã thực hiện các chỉ đạo siết chặt từ khâu đào tạo, thi cấp chứng nhận kiểm toán viên, đặt ra các điều kiện theo đúng quy định của pháp luật, được tổ chức thi, đào tạo một cách nghiêm túc.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết thời gian tới tiếp tục siết chặt hoạt động của công ty kiểm toán để kiểm tra lại hồ sơ xem thử có sai phạm thì xử lý.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/dai-bieu-quoc-hoi-chat-van-ve-sai-pham-trong-tham-dinh-gia-post800448.html

  • Từ khóa