Tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giải trình của các cơ quan của Quốc hội

Thứ 3, 19.03.2024 | 15:02:24
477 lượt xem

Sáng 19/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Quang cảnh Hội nghị triển khai Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. (Ảnh: DUY LINH)

Tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cùng dự có Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại diện lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, cơ quan liên quan.

Tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giải trình của các cơ quan của Quốc hội ảnh 1

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Hội nghị. (Ảnh: DUY LINH)

Nhiều đổi mới trong tổ chức các phiên giải trình

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước ta đã quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội, trong đó có hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Theo Điều 37 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 thì hoạt động giải trình là một trong 6 hình thức giám sát của các cơ quan của Quốc hội. Nội dung cơ bản tổ chức phiên giải trình đã quy định tại Điều 82 Luật Tổ chức Quốc hội và Điều 43 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có ý nghĩa quan trọng để nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý nhà nước, quản trị xã hội, nhằm làm rõ những vấn đề, vụ việc cụ thể có tính thời sự, bức xúc, nổi lên trong thực tiễn đời sống xã hội, từ đó tăng cường trách nhiệm giải quyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Qua đó, để đánh giá đúng hiệu quả cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực của các cơ quan nhà nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, kể từ khi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân được ban hành, hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội ngày càng được quan tâm triển khai thực hiện. Tính từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, các cơ quan của Quốc hội đã thực hiện được 33 phiên giải trình và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giải trình của các cơ quan của Quốc hội ảnh 2

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: DUY LINH)

Việc tổ chức các phiên giải trình ngày càng có nhiều đổi mới, nâng cao trách nhiệm giải trình của các Bộ, ngành, cũng như trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật và nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, giúp làm rõ những vấn đề bất cập, bức xúc, những vấn đề “nóng”, được cử tri và xã hội quan tâm, tạo chuyển biến tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các đối tượng chịu sự giám sát trên các lĩnh vực.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, hoạt động giải trình của các cơ quan của Quốc hội còn một số tồn tại, vướng mắc nhất định do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân các quy định của luật mới chỉ mang tính nguyên tắc, chưa quy định cụ thể; nhiều nội dung cần thiết còn thiếu, gây khó khăn cho việc triển khai hoạt động giải trình. Chưa có quy định về trình tự, thủ tục thống nhất trong việc tổ chức triển khai nên chưa tạo được tính chủ động cho các chủ thể yêu cầu giải trình, người được yêu cầu giải trình và cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức hoạt động giải trình.

Bên cạnh đó, việc thiếu thông tin mang tính phản biện, thiếu sự tham dự của chuyên gia hoặc đối tượng chịu tác động của chính sách nên phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả, hiệu lực của hoạt động giải trình. Các phiên giải trình chưa tạo ra sự tác động lớn đến việc thay đổi, điều chỉnh chính sách, cách thức điều hành, quản lý, tổ chức thi hành pháp luật. Việc theo dõi, đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện các kết luận giải trình cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Để kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu trên, thực hiện chủ trương, quan điểm trên của Đảng, tại Kế hoạch số 370/KH-UBTVQH15, ngày 14/11/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Tổng Thư ký Quốc hội chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội nghiên cứu, xây dựng và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 28 (ngày 13/12/2023) ban hành Nghị quyết hướng dẫn về việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội (Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 25/1/2024).

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, Nghị quyết được ban hành có ý nghĩa quan trọng trong quá trình từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; là văn bản hướng dẫn, là cẩm nang trong hoạt động giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Để việc triển khai Nghị quyết đồng bộ, thống nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tổ chức Hội nghị để quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết với mục đích tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tổ chức hoạt động giải trình, của đối tượng được yêu cầu giải trình và của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giải trình của các cơ quan của Quốc hội trong thời gian tới.

Đưa nội dung phiên giải trình đi vào chiều sâu, tập trung giải quyết kịp thời các vấn đề cụ thể, có tính thời sự

Tại Hội nghị, các đại biểu nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày một số nội dung chính của Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giải trình của các cơ quan của Quốc hội ảnh 3

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày một số nội dung chính của Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15. (Ảnh: DUY LINH)

Đồng thời, nghe trình bày các tham luận của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan hữu quan và thảo luận về các nội dung, giải pháp cụ thể nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trong thời gian tới và về kế hoạch tổ chức hoạt động giải trình, phục vụ hoạt động giải trình trong năm 2024; đề xuất một số nội dung sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Các đại biểu tham luận đều khẳng định việc tổ chức phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có ý nghĩa quan trọng nhằm làm rõ những vấn đề, vụ việc cụ thể có tính thời sự, bức xúc, nổi lên trong thực tiễn đời sống xã hội, từ đó tăng cường trách nhiệm giải quyết của cơ quan tổ chức, cá nhân liên quan, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống.

Các đại biểu cho rằng, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội là cơ sở quan trọng để thực hiện hoạt động giải trình một cách đồng bộ, thống nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Do đó, việc tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động này là rất cần thiết.

Tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giải trình của các cơ quan của Quốc hội ảnh 4

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm trình bày báo cáo tại Hội nghị. (Ảnh: DUY LINH)

Các ý kiến tại Hội nghị nhận định, thông qua phiên giải trình, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có thể đánh giá tính hiệu quả, chất lượng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của người được yêu cầu giải trình, đồng thời đây cũng là cơ hội để người được yêu cầu giải trình chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quản lý, điều hành khi thực hiện chính sách, pháp luật.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 với các quy định hướng dẫn cụ thể về Tiêu chí lựa chọn vấn đề (Điều 4), Nguồn thông tin lựa chọn vấn đề được giải trình (Điều 5)… góp phần khoanh vùng vấn đề, đưa nội dung phiên giải trình đi vào chiều sâu, nhằm tập trung giải quyết kịp thời các vấn đề cụ thể, có tính thời sự, bức xúc, được nhiều đại biểu Quốc hội, dư luận, cử tri và nhân dân quan tâm.

Các đại biểu nêu rõ, các quy định của Nghị quyết 969/NQ-UBTVQH15 là hợp lý, khoa học, dễ áp dụng, sẽ tạo ra nền nếp và hiệu quả cao hơn cho hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban. Đặc biệt, với các hoạt động giải trình cần có sự phối hợp của hai hay nhiều cơ quan của Quốc hội, Nghị quyết 969/NQ-UBTVQH15 là căn cứ để các cơ quan thực hiện các quy trình, thủ tục phối hợp cần thiết.

Các đại biểu nhấn mạnh điểm mới của Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH là việc kết luận vấn đề được giải trình và biểu quyết thông qua kết luận tại phiên giải trình. Đây là một nội dung quan trọng, cần được quán triệt và triển khai hiệu quả trong thời gian tới.

Tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giải trình của các cơ quan của Quốc hội ảnh 5

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung trình bày báo cáo tại Hội nghị. (Ảnh: DUY LINH)

Để kết luận giải trình được biểu quyết thông qua tại phiên giải trình đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thậm chí phải dự tính trước các tình huống, dự thảo kết quả của phiên giải trình. Trong quá trình diễn ra phiên giải trình, đòi hỏi phải liên tục hoàn thiện kết luận theo diễn biến của phiên giải trình để có thể kịp thời thông qua ngay trong phiên giải trình. Đây là thách thức đối với cả cơ quan tổ chức giải trình, các đại biểu Quốc hội và đội ngũ tham mưu, phục vụ.

Các ý kiến cũng cho rằng việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận vấn đề được giải trình cũng là một thách thức lớn. Nhiệm vụ này đòi hỏi sự phân bổ nguồn lực hợp lý để theo dõi sát sao hoạt động của cơ quan giải trình trong việc thực hiện kết luận giải trình; đồng thời, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị và từng cá nhân phải đa dạng hóa nguồn thông tin để nắm bắt kịp thời tình hình.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/tao-su-thong-nhat-ve-nhan-thuc-hanh-dong-gop-phan-nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-giai-trinh-cua-cac-co-quan-cua-quoc-hoi-post800575.html

  • Từ khóa