Củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ

Thứ 4, 27.03.2024 | 13:56:30
609 lượt xem

Thực tế ghi nhận, hơn nửa nhiệm kỳ qua, các cấp ủy, tổ chức đảng Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đã triển khai nhiều giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Với đặc điểm địa hình chủ yếu núi cao, chia cắt, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tổ chức đảng ở một số thôn, bản chưa thật sự vững vàng, hai nhiệm vụ trọng tâm được các cấp ủy chú trọng chỉ đạo thực hiện chính là đổi mới hoạt động của cấp ủy, chi bộ và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở.

Lãnh đạo huyện Na Rì (Bắc Kạn) cùng người dân kiểm tra mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn. (Ảnh THANH LỘC)

Nhiều nghị quyết, chương trình, đề án đã được cấp ủy các địa phương ban hành, thực hiện ngay từ đầu nhiệm kỳ đã từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.

Vai trò hạt nhân chính trị

Tháng 4/2021, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Nghị quyết về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, trọng tâm là cấp ủy cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết xác định 11 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt cấp ủy, chi bộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Sau nửa nhiệm kỳ triển khai, Tỉnh ủy Yên Bái đánh giá việc đổi mới nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ đã góp phần nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng tại địa phương, góp phần thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu đại hội đảng bộ đặt ra.

Một giải pháp mang lại hiệu quả cao trong nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ ở tỉnh Yên Bái là phân công cấp ủy viên dự sinh hoạt chi bộ thôn bản, khu phố. Tại Huyện ủy Yên Bình, qua việc đưa cấp ủy viên của huyện về sinh hoạt chi bộ khu dân cư đã giúp kiện toàn các ban chi ủy bảo đảm đủ số lượng, lựa chọn những cán bộ, đảng viên tham gia cấp ủy đều là những đồng chí có tâm huyết, trách nhiệm, trình độ, nắm vững nguyên tắc việc tổ chức và sinh hoạt đảng.

Qua đánh giá xếp loại hằng năm, có 100% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có tổ chức đảng yếu kém. Nhiều việc mới, việc khó tại cơ sở đã được giải quyết hiệu quả nhờ sự đổi mới của chi bộ. Thôn Hương Lý, xã Đại Đồng, huyện Yên Bình (Yên Bái) từ năm 2020 đến nay xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là hợp tác xã chăn nuôi lợn gồm 5 hộ gia đình thành lập cho thu nhập trung bình 100 triệu đồng/hộ/năm… Phong trào xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh. 100% các tuyến đường thôn xóm được bê-tông hóa và mở rộng 5m. Mới đây, thôn Hương Lý đã hoàn thành công trình nhà văn hóa mới, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng.

Trưởng thôn Phạm Thị Dịu nhìn nhận những chuyển biến tích cực đó bắt nguồn từ việc đổi mới phương thức lãnh đạo của chi bộ. Mỗi khi có nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó, chi bộ tổ chức sinh hoạt chuyên đề nhằm đánh giá tình hình, đề ra giải pháp thiết thực, phân công đảng viên phụ trách…

Cách làm này đã phát huy vai trò hạt nhân của chi bộ trong lãnh đạo, huy động sức mạnh của nhân dân vào công việc chung. Những kết quả nêu trên của thôn Hương Lý đã góp phần đưa xã Đại Đồng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2022.

Song song với nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, nhiều địa phương Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đã chú trọng công tác kết nạp đảng viên nhằm bổ sung nguồn lực cho Đảng, nhất là tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bắc Kạn là địa phương có hơn 80% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Dù không còn địa bàn “trắng” đảng viên, nhưng ở một số thôn bản vùng sâu, vùng xa vẫn còn chi bộ phải sinh hoạt ghép.

Đây thường là những nơi năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng yếu, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào cuộc sống. Để khắc phục tình trạng này, Tỉnh ủy Bắc Kạn ban hành Kế hoạch số 27-KH/TU ngày 11/3/2021 về phát triển đảng viên giai đoạn 2021-2025. Trong đó, chú trọng khu vực vùng sâu, vùng xa, quần chúng người dân tộc thiểu số. Trước những khó khăn về tìm nguồn kết nạp, nhiều đảng bộ, chi bộ áp dụng phương châm chủ động, tích cực, không ngồi chờ người có đủ điều kiện rồi kết nạp, mà tạo môi trường hoạt động, rèn luyện, thử thách…

Thời gian qua, Đảng bộ huyện Chợ Đồn đạt tỷ lệ kết nạp đảng cao trong tỉnh. Bí thư Huyện ủy Hà Đức Tiến cho biết, Huyện ủy đã đẩy mạnh việc phát triển, tạo nguồn đảng viên là người tiêu biểu, có uy tín, tiếng nói trong cộng đồng người dân tộc thiểu số. Các chi bộ tăng cường phát động các phong trào thi đua, qua đó vận động người có uy tín tham gia, từ đó chọn lựa những nhân tố tích cực.

Giải pháp này phát huy hiệu quả bởi đây là những đối tượng nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm cao và được bà con tín nhiệm. Các đảng ủy xã thuộc huyện Pác Nặm kiên trì hỗ trợ, hướng dẫn đối tượng kết nạp là người dân tộc thiểu số khó khăn trong hoàn thiện hồ sơ lý lịch. Cách làm này cũng giúp nhiều quần chúng ưu tú là người dân tộc thiểu số nhanh chóng được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đảng viên được bổ sung, sức mạnh được tăng cường, tổ chức cơ sở đảng khu vực vùng sâu, vùng xa đã phát huy tốt vai trò hạt nhân chính trị trong vận động người dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng.

Xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ

Xác định cán bộ cơ sở là thành tố quan trọng của hệ thống chính trị tại cơ sở, do vậy cùng nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng, nhiều đảng bộ địa phương các tỉnh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở; trong đó, đặc biệt chú trọng các khâu đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện thực tiễn.

Năm 2021, Huyện ủy Đại Từ (Thái Nguyên) triển khai Đề án số 02 “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% cán bộ diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý có trình độ chuyên môn đại học; 100% cán bộ cấp trưởng, 60% cán bộ cấp phó MTTQ, các đoàn thể xã, thị trấn có trình độ chuyên môn đại học. Đối với công chức xã, thị trấn 100% có trình độ chuyên môn đại học, 70% có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên.

Đề án có thêm điểm mới là tạo cơ chế động viên, khuyến khích đội ngũ công chức xã phấn đấu tham gia giữ các chức danh phó các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội, từ đó tạo cơ sở phát triển. Mô hình này giúp chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo xã nâng cao, do công chức xã được đào tạo cơ bản, khi tham gia vào các tổ chức, đoàn thể nhanh chóng nắm bắt công việc, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ. Hiện nay nhiều đồng chí công chức xã đã phát huy tốt năng lực trở thành bí thư, chủ tịch UBND xã.

Năm 2023, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Nghị quyết lãnh đạo phong trào “mở rộng đường xóm 6m” trên địa bàn huyện. Sự năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ cơ sở đã giúp Nghị quyết triển khai nhanh chóng, nhất là công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận trong nhân dân. Nhiều gia đình tình nguyện hiến hàng trăm mét đất mở rộng đường. Bác Vũ Tiến Hùng, xã Tiên Hội vui vẻ chia sẻ, đường thôn xóm rộng đẹp, đã mở ra cơ hội cho nhiều hộ gia đình phát huy thế mạnh kinh tế đồi chè, du lịch sinh thái…

Năm 2022, Tỉnh ủy Bắc Kạn ban hành Đề án số 04 về “tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số giữ chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp, nhiệm kỳ 2025-2030”. Nhiều giải pháp mới được đề án triển khai, trong đó chú trọng đào tạo lý luận chính trị, điều động, luân chuyển để rèn luyện thực tiễn… Đến nay, Đề án số 04 cùng các giải pháp khác trong công tác cán bộ đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực, nổi bật là tỷ lệ cán bộ nữ người dân tộc tham gia công tác lãnh đạo quản lý các cấp được nâng cao; trong đó tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 ở cấp xã chiếm 23,93%.

Căn cứ vào tình hình thực tiễn, một số địa phương Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ có cách làm mới nhằm phát huy năng lực làm việc, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở. Ngày 17/8/2021, Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Bình (Yên Bái) ban hành Chỉ thị số 06-CT/HU về việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo gắn với tăng cường công tác nhận xét, đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn huyện.

Nội dung chính của Chỉ thị là thay việc đánh giá, nhận xét cán bộ, công chức hằng năm bằng hằng tháng, thông qua công việc cụ thể được giao cho cấp ủy đảng, đơn vị, người đứng đầu và từng cán bộ, đảng viên. Theo đánh giá của Huyện ủy Yên Bình, Chỉ thị đi vào cuộc sống đã tạo động lực thi đua, khơi dậy ý chí vươn lên, tinh thần tự giác, tận tụy, trách nhiệm với công việc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức toàn huyện.

Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2045 là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện. Tổ chức đảng và hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, tăng cường đang góp phần quan trọng thực hiện nhiều mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết.

Tuy nhiên, hiện một số cấp ủy chưa thật sự quan tâm đến đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động cấp ủy, chi bộ; việc đặt chỉ tiêu còn chưa phù hợp thực tiễn trong công tác phát triển đảng dẫn tới một số cấp ủy chạy theo số lượng, coi nhẹ chất lượng. Nhiều địa phương thiếu nguồn lực trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển đội ngũ cán bộ... Đánh giá của Ủy ban Dân tộc qua tổng kết công tác năm 2023 cho thấy khu vực dân tộc, miền núi hệ thống chính trị cơ sở một số nơi còn yếu, đặc biệt đội ngũ cán bộ chất lượng còn hạn chế, thiếu đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số…

Để khắc phục hạn chế, giải quyết những vướng mắc khó khăn đặt ra cần có sự quan tâm của cả hệ thống chính trị. Ngoài phát huy vai trò chủ động của cấp ủy địa phương, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế tạo động lực trong công tác nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng cũng như xây dựng đội ngũ cán bộ phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh khu vực miền núi đông đồng bào các dân tộc sinh sống.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/cung-co-he-thong-chinh-tri-o-co-so-vung-trung-du-va-mien-nui-bac-bo-post801774.html

  • Từ khóa