Vai trò cấp ủy, chính quyền trong huy động nguồn lực xã hội

Thứ 2, 01.04.2024 | 09:00:37
388 lượt xem

Vốn là tỉnh nông nghiệp, so với các địa phương khác trong cả nước, Thái Bình không có nhiều lợi thế nổi bật. Với mục tiêu, lộ trình trở thành tỉnh phát triển tại khu vực Đồng bằng sông Hồng, trong khi cơ sở hạ tầng hạn chế, nguồn lực đầu tư vẫn còn nhiều bất cập đã đặt ra yêu cầu các cấp ủy, chính quyền phải đổi mới phương thức, tác phong lãnh đạo, khắc phục nhanh hạn chế, phát huy cao nội lực... Quá trình này đã hình thành phương pháp, cách làm mới, mang tính đột phá, huy động các nguồn lực xã hội,

Một tiết mục trong Hội thi “Dân vận khéo” tỉnh Thái Bình năm 2023. (Ảnh ĐỨC THANH) 

Chủ trương 1, giải pháp 10, quyết tâm 20

Xã Bình Định, huyện Kiến Xương có tới 90% dân cư sống phụ thuộc vào nông nghiệp, thu nhập thấp, nguồn lực để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới là thách thức lớn. Từ đó, cấp ủy, chính quyền xã có chương trình hành động, phát huy dân chủ cơ sở, bảo đảm nhân dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.

“Quỹ nông thôn mới” của xã ra đời, qua vận động, người dân trong xã không chỉ đóng góp, mà còn gửi hơn 1.000 lá thư huy động con em xa quê tham gia. Từ đó, xã huy động được gần 40 tỷ đồng, cùng 10.000 m2 đất thổ cư cho xây dựng cơ sở hạ tầng. Xuất phát điểm thấp nhưng Bình Định sớm trở thành xã nông thôn mới của huyện Kiến Xương.

Vai trò cấp ủy, chính quyền trong huy động nguồn lực xã hội cho phát triển là bài học lớn của nhiều địa phương tỉnh Thái Bình. Từ kinh nghiệm được tổng kết, trước những mục tiêu mang tính thách thức, Thái Bình đã hình thành tư duy, cách làm mới huy động sức mạnh trong nhân dân.

Với chủ trương huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tham gia nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh coi trọng việc quán triệt, triển khai, thực thi quan điểm của Đảng về công tác dân vận trong tình hình mới; Luật Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở…

Nổi bật như Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Thái Bình”; xây dựng thí điểm mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ”; công tác tăng cường phát huy dân chủ ở cơ sở được thực hiện đồng bộ.

Các nhiệm vụ được triển khai đến cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị-xã hội toàn tỉnh. Tổ chức đảng là hạt nhân phát huy dân chủ cơ sở và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị triển khai nhiệm vụ phải bài bản, chặt chẽ, khoa học hơn, bảo đảm “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm và rõ kết quả”. Mỗi đồng chí lãnh đạo, người đứng đầu phải “quyết liệt hơn, linh hoạt hơn, hiệu quả hơn”. Các đơn vị liên quan coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, tiếp xúc với nhân dân để giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề phát sinh từ thực tiễn.

Tỉnh ủy, phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác tiếp dân, ghi nhận những ý kiến, kiến nghị chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Qua đó tập trung giải quyết dứt điểm, kịp thời các “điểm nghẽn” các vụ việc phức tạp trên địa bàn; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp ý kiến, phản biện, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật và hoạt động của chính quyền các cấp.

Thời gian vừa qua, trước diễn biến phức tạp về an ninh trật tự tại xã Đông Á, huyện Đông Hưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã phối hợp các cơ quan Trung ương đối thoại, nghe ý kiến quần chúng để có hướng xử lý. Qua đó với sai phạm của nhiều cán bộ chủ chốt xã, các cơ quan chức năng tỉnh vào cuộc, xử lý kiên quyết, nhanh chóng ổn định tình hình. Mới đây, Thường trực Tỉnh ủy đã đối thoại với 355 cán bộ giáo viên trên địa bàn, có hướng khắc phục hạn chế, yếu kém, có giải pháp huy động nguồn lực cho phát triển giáo dục của tỉnh.

Ở Đảng bộ Thái Bình, quá trình đổi mới phong cách, tác phong lãnh đạo gắn liền với việc phát huy, tăng cường dân chủ ở cơ sở. Trước hết đó là xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong phục vụ nhân dân, kiên quyết khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, không tham mưu, đề xuất xử lý công việc.

Mặt khác, coi trọng đấu tranh khắc phục sự bảo thủ, trì trệ, áp dụng pháp luật một cách máy móc trong thực thi công vụ; tình trạng vô cảm, quan cách, cửa quyền, thậm chí nhũng nhiễu trong giải quyết yêu cầu, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Phạm Hồng Sơn nhìn nhận, thời gian qua, Thái Bình tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Toàn tỉnh tập trung chuyển đổi từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ. Khảo sát ở các huyện Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Hưng Hà, quá trình nêu trên gắn liền phát huy dân chủ, bảo đảm huy động nguồn lực xã hội, sức dân trong phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ tại địa phương.

Tạo sự bứt phá từ nội lực

Từ thực tế Thái Bình thêm một lần cho thấy, tư tưởng quan điểm “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” được hiện thực hóa sinh động, hiệu quả. Điều này cho thấy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị thông qua công tác dân vận.

Với mục tiêu chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, hướng mạnh vào phát triển công nghiệp và dịch vụ; thúc đẩy xây dựng nông thôn mới thì giải phóng mặt bằng là khâu then chốt, mang tính đột phá. Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp vào cuộc, gắn liền đổi mới phương thức lãnh đạo, tác phong công tác từ tỉnh tới cơ sở.

Bí thư Huyện ủy Quỳnh Phụ Đinh Trọng Xá trao đổi: Ba năm qua, huyện dồn sức cho xây dựng nông thôn mới nâng cao và phát triển công nghiệp trên địa bàn. Nếu chỉ dựa và nguồn đầu tư từ ngân sách, tiến độ sẽ chậm. Nhằm huy động sức mạnh từ nhân dân, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành chủ trương vận động nhân dân tự nguyện góp quyền sử dụng đất (có văn bản cam kết) . Sau gần 2 năm, toàn huyện đã có gần 4.000 hộ dân tham gia phong trào hiến đất, với hơn 337.790 m2 đất ở và đất nông nghiệp.

Từ đó huyện đẩy nhanh tiến độ cải tạo 19 tuyến đường giao thông ở 30 xã, thị trấn với giá trị ước tính khoảng 500 tỷ đồng. Nhờ đó, hạ tầng giao thông của huyện không ngừng hoàn chỉnh, một số dự án trọng điểm được hoàn thành, tạo cơ hội mới để Quỳnh Phụ bứt phá vươn lên.

Tại huyện Hưng Hà, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Trần Thị Vân cho biết, ba năm qua huyện đã giải phóng mặt bằng 26 dự án. Nhiều hộ dân đã hiến đất, tài sản trên đất và bàn giao mặt bằng sớm cho các đơn vị thi công mà chưa nhận tiền đền bù. Người dân còn vận động cùng nhau xây dựng chung một mẫu tường bao, cổng giậu, cùng mắc điện thắp sáng tuyến đường như ở các xã Tây Đô, Dân Chủ...

Chương trình xây dựng nông thôn mới, Thái Bình là một trong những điểm sáng của cả nước. Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị các cấp, thời gian qua tổng nguồn vốn huy động cho xây dựng nông thôn mới ở tỉnh đạt hơn 22.835 tỷ đồng; trong đó, huy động từ nguồn nhân dân đóng góp (bằng tiền mặt, ngày công, hiến đất…) gần 3.670 tỷ đồng. Hiện tỉnh đã có 100% số xã, 8/8 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới ; có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…

Những năm gần đây, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối ở Thái Bình được triển khai nhanh, đồng bộ. Với hàng loạt các dự án trọng điểm của tỉnh có tiến độ giải phóng mặt bằng nhanh như: Khu công nghiệp Liên Hà Thái, huyện Thái Thụy, chỉ trong 2 năm đã giải phóng mặt bằng được 582 ha, đạt 98% tổng diện tích; hay tuyến đường bộ ven biển và nhiều tuyến giao thông kết nối khác. Các khu, cụm công nghiệp, tuyến đường bộ ven biển và các dự án trọng điểm được xây dựng mở ra cơ hội mới, tạo động lực quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh.

Một nhân tố đặc biệt quan trọng là hệ thống và công tác dân vận từ tỉnh đến cơ sở, vận động hiệu quả nhân dân thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ trên địa bàn. Trong đó, tập trung vận động nhân dân tích tụ ruộng đất, áp dụng khoa học-kỹ thuật, công nghệ cao, liên kết, trao đổi, giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật, vốn, kinh nghiệm; giải quyết những “điểm nghẽn” tồn tại từ lâu để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; bảo đảm đúng tiến độ xây dựng nông thôn mới và các công trình phát triển kinh tế-xã hội trọng điểm.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Văn Giang cho biết, hiện tỉnh đã xây dựng được 1.368 mô hình “Dân vận khéo”, tích cực làm chuyển biến nhận thức, thay đổi tư duy và cách làm, mang lại hiệu quả kinh tế tại các địa phương.

Ba năm qua, toàn tỉnh đã có 289 dự án giải phóng mặt bằng nhận bồi thường hỗ trợ được triển khai thực hiện; trong đó 100% dự án có sự tham gia của khối dân vận cơ sở. Hầu hết dự án tại các huyện được bàn giao mặt bằng đúng hạn và không phải sử dụng đến các biện pháp cưỡng chế.

Với quá trình quán triệt, vận dụng sáng tạo đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước gắn liền phát huy truyền thống quê hương, huy động sức dân cho các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, Thái Bình đang có những bước phát triển khá nhanh, toàn diện. Quy mô nền kinh tế gấp 1,3 lần so với năm 2020, trong đó kinh tế nông nghiệp, nông thôn đang chuyển sang đa dạng hóa ngành nghề, sản xuất nông nghiệp hàng hóa giá trị, chất lượng cao.

Công nghiệp chuyển mạnh sang ứng dụng công nghệ mới để sản xuất các sản phẩm có giá trị và đa dạng hóa thị trường. Khu kinh tế Thái Bình hình thành, nhanh chóng khẳng định được vai trò trọng điểm, góp phần thu hút nguồn lực đầu tư, mở ra triển vọng trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ của miền bắc. Năm 2023, tỉnh thu hút gần 3 tỷ USD vốn FDI, Thái Bình đã đứng trong tốp 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/vai-tro-cap-uy-chinh-quyen-trong-huy-dong-nguon-luc-xa-hoi-post802519.html

  • Từ khóa