Công bố Chỉ số Cải cách hành chính năm 2023: Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu

Thứ 4, 17.04.2024 | 14:39:05
430 lượt xem

Đây là lần thứ 6 tỉnh Quảng ninh đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index). Năm 2023, Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính với kết quả đạt 92,18%. Từ năm 2012 đến nay, Quảng Ninh có 6 lần đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính cả nước.

Công bố Chỉ số Cải cách hành chính năm 2023: Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu - Ảnh 1.

Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cần thực hiện một cách quyết liệt, có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC đã đề ra - Ảnh: VGP/LS

Sáng 17/4, Bộ Nội vụ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS 2023), Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR Index 2023).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ cùng lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, lãnh đạo Bộ Nội vụ chủ trì Hội nghị.

Chỉ số cải cách hành chính là công cụ quản lý hiệu quả đã được Bộ Nội vụ ban hành và triển khai áp dụng đến nay là năm thứ 12. Chỉ số này giúp Chính phủ theo dõi, đánh giá, xếp hạng kết quả cải cách hành chính hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố.

Đồng thời, việc này giúp cho các bộ, cơ quan, địa phương phân tích, so sánh và xác định rõ những kết quả được, những tồn tại hạn chế trong từng nội dung, nhiệm vụ cải cách hành chính; từ đó, có giải pháp cải thiện, nâng chất lượng, hiệu quả cải cải cách hành chính hàng năm tại cơ quan, đơn vị mình.

Năm 2023, Bộ Nội vụ tiếp tục thực hiện bộ tiêu chí đánh giá tại Đề án xác định Chỉ số CCHC giai đoạn 2021 - 2030 được ban hành tại Quyết định số 876/QĐ-BNV ngày 10.11.2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Chỉ số CCHC mới được ban hành bao gồm 2 bộ tiêu chí đánh giá cho cấp bộ và cấp tỉnh.

Công bố Chỉ số Cải cách hành chính năm 2023: Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu - Ảnh 2.

Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ Phạm Minh Hùng công bố kết quả Chỉ số SIPAS năm 2023 - Ảnh: VGP/LS

Thay mặt Ban Chỉ đạo, ông Phạm Minh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ), đã công bố kết quả Chỉ số SIPAS năm 2023.

Người dân hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung trong cả nước năm 2023 ở mức 82,66%, tăng so với năm 2022 (80,08%).

5 tỉnh thành phố nhận được mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung cao nhất là: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương, Hà Tĩnh và Hải Phòng.

Như vậy, Quảng Ninh với 90.61% tiếp tục dẫn đầu ở Chỉ số SIPAS, còn tỉnh Bắc Kạn thấp nhất cả nước với 75.03%.

Phát biểu tại Hội nghị công bố, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ nhấn mạnh:  Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm tăng tốc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng; với phương châm hành động của Chính phủ "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững", chúng ta sẽ tiếp tục đồng hành, thực hiện một cách quyết liệt, có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC đã đề ra trong năm, cũng như tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. 

Sau Hội nghị hôm nay, căn cứ Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 và Chỉ số CCHC năm 2023, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, chủ động phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, nhận diện rõ nguyên nhân những chỉ số thành phần còn thấp, xác định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan. Quan tâm chỉ đạo sát sao với những giải pháp thiết thực, mạnh mẽ, hiệu quả nhằm cải thiện thực chất công tác CCHC của bộ, ngành, địa phương.

Hai là, chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền theo hướng tiếp cận chính sách trực tiếp các đối tượng về CCHC, về mục đích, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của các chỉ số này, từ đó tạo chuyển biến nhận thức, sự đồng thuận, ủng hộ, quyết tâm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân và toàn xã hội đối với công cuộc CCHC mà chúng ta đang thực hiện.

Công bố Chỉ số Cải cách hành chính năm 2023: Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, gắn kết chặt chẽ với thực hiện chuyển đổi số, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đồng bộ - Ảnh: VGP/LS

Ba là, tập trung cao cho cải cách thể chế, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, doanh nghiệp. Có giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật nghiêm minh.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, gắn kết chặt chẽ với thực hiện chuyển đổi số, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đồng bộ. Rà soát, bãi bỏ các TTHC, các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không phù hợp, không khả thi, đang gây trở ngại cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Tập trung rà soát, đơn giản hóa TTHC, nhất là trên các lĩnh vực trọng tâm. Tiếp tục hoàn thiện các Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, áp dụng chuyển đổi số, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.

Năm là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và chế độ công vụ. Tập trung rà soát, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp công lập đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định của Chính phủ. Tăng cường phân cấp, giao quyền phù hợp với năng lực quản lý, điều hành của các cấp, các ngành. Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo kế hoạch. 

Triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách trong quản lý đội ngũ cán bộ, công chức mới được ban hành. Thực hiện cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm; tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ gắn cải cách chính sách tiền lương. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Sáu là, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử hướng tới Chính phủ số, chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số theo lộ trình của Chính phủ. Trong đó, tập trung phát triển hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin; hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, địa phương; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến; vận hành có hiệu quả Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của các bộ, tỉnh, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.


Theo baochinhphu.vn

https://baochinhphu.vn/cong-bo-chi-so-cai-cach-hanh-chinh-nam-2023-quang-ninh-tiep-tuc-dung-dau-102240417125611612.htm

  • Từ khóa