Bảo đảm chất lượng dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa

Thứ 7, 04.05.2024 | 09:31:43
449 lượt xem

Ngày 3-5, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội đã tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 7. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội tham dự phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, các thành viên Ủy ban tập trung nghiên cứu, bảo đảm trình Quốc hội với chất lượng tốt nhất nội dung dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. 

Đối với dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, các thành viên Ủy ban cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, chặt chẽ, thấu đáo, thận trọng, vì đây là dự luật quan trọng, được dư luận xã hội trong và ngoài nước quan tâm, liên quan tới nhiều lĩnh vực và nhiều luật khác, bảo đảm không chồng chéo, không trùng lắp. Đồng thời, khắc phục được những bất cập, hạn chế, tháo gỡ các khó khăn trong thực tiễn công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, cần tập trung thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa thành các chính sách, quy định cụ thể, có tính khả thi cao. Quy định các chính sách để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa không bị mai một; nhất là chuyển đổi số trong văn hóa, số hóa di sản văn hóa; hợp tác công tư về phát triển văn hóa; đẩy mạnh xã hội hóa cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; cải tạo, nâng cấp các di sản văn hóa để phát triển văn hóa; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc ở miền núi, hải đảo, dân tộc ít người. 

Bảo đảm chất lượng dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa
 Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.

Cùng với đó, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, cần tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi để tăng cường đầu tư, huy động nguồn lực xã hội, phân cấp phân quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Đối với chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, đây là nội dung quan trọng, thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Cần tính đến nguồn lực để thực hiện chương trình này, trong đó có nguồn lực con người, cơ sở vật chất, kinh phí, điều kiện. Cần có lộ trình, bước đi chắc chắn, tránh trường hợp mục đề ra quá lớn, nhưng khả năng thực hiện không có. 

Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội chỉ rõ, chương trình có dự kiến tổng mức đầu tư lớn, diễn ra trong thời gian dài, có phạm vi tác động lớn, nhận được sự quan tâm lớn của cử tri và nhân dân cả nước. Để chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, chu đáo nhất, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các cơ quan có liên quan kiến nghị với Chính phủ xem xét những nội dung cần xin ý kiến Bộ Chính trị; đồng thời thảo luận kỹ lưỡng việc huy động, quản lý, phân bổ, sử dụng nguồn lực, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm.

Bảo đảm chất lượng dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa

Quang cảnh Phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội. 

Thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội đánh giá, việc xây dựng chương trình là cần thiết, góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển văn hóa được đề ra trong các nghị quyết của Đảng, kết luận của Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và Hội thảo Văn hóa năm 2022.

Việc thực hiện chương trình sẽ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước, góp phần đáp ứng yêu cầu chấn hưng và phát triển văn hóa trong giai đoạn hiện nay.

Đối với nguồn lực thực hiện chương trình, Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát, cân đối lại nguồn vốn, điều chỉnh lại các nội dung hoạt động của chương trình để bảo đảm thực hiện đầy đủ các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra và bổ sung đánh giá về cơ sở xây dựng dự toán, tiêu chí phân bổ cho từng nhóm nội dung...


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/bao-dam-chat-luong-du-an-luat-di-san-van-hoa-sua-doi-va-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-ve-phat-trien-van-hoa-775379

  • Từ khóa