Không chủ quan với lạm phát

Thứ 2, 06.05.2024 | 08:55:09
273 lượt xem

Bình quân 4 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nước ta tăng 3,93% so với cùng kỳ năm 2023; lạm phát cơ bản tăng 2,81%, thấp hơn mức CPI bình quân chung. Những con số này cho thấy diễn biến lạm phát vẫn cơ bản ổn định và trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, tại thời điểm này, nhiều dự báo cũng cho thấy, giá cả hàng hóa trong những tháng tiếp theo của quý II/2024 vẫn trong xu hướng đi lên, có thể gia tăng áp lực lên lạm phát.

Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị. (Ảnh: Tuệ Nghi) 

Theo cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ giữa tháng 5 này, giá bán điện bình quân tối thiểu được điều chỉnh 3 tháng/lần, thay vì điều chỉnh 6 tháng/lần như trước đây. Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5%, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng; nếu điều chỉnh tăng giá bán điện từ 5% đến dưới 10%, EVN báo cáo Bộ Công thương và được tăng giá trên cơ sở chấp thuận của cơ quan quản lý. Như vậy, việc tăng giá điện có thể được thực hiện ngay trong quý II/2024 vì tình hình tài chính của EVN vẫn đang rất khó khăn do chi phí đầu vào cho sản xuất điện tăng cao liên tục trong nhiều năm qua nhưng giá bán điện không tăng tương ứng.

Diễn biến giá xăng dầu thế giới cũng là yếu tố tác động mạnh đến lạm phát vì Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nguồn xăng dầu nhập khẩu. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị đang dấy lên những lo ngại về việc gián đoạn nguồn cung về xăng dầu, đẩy giá nhiên liệu thế giới tăng lên, việc điều chỉnh giá xăng dầu trong nước tăng tương ứng là khó tránh khỏi. Ở góc độ sản xuất, kinh doanh, ngoài xu hướng biến động giá nguyên vật liệu đầu vào làm ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, khiến giá hàng hóa tiêu dùng trong nước bị đẩy lên, mà từ cuối năm 2023, doanh nghiệp còn có thêm mối lo biến động tỷ giá.

Đáng lưu ý, tỷ giá tăng “nóng” trong những tháng đầu năm vừa qua đang gây áp lực làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước. Cùng với đó là việc tăng giá của một số mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các chi phí vào giá thành như dịch vụ y tế, học phí giáo dục cũng là nguyên nhân sẽ tác động làm tăng CPI trong những quý còn lại. Hơn nữa, việc tăng lương cơ sở từ tháng 7/2024 cũng được dự báo sẽ kéo theo giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong gia đình tăng lên.

Để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến kinh tế trong nước và nước ngoài, dự báo chi tiết, cụ thể các yếu tố tác động tới mặt bằng giá chung, nhất là những mặt hàng, dịch vụ thiết yếu để chủ động xây dựng các kịch bản chi tiết theo từng ngành, lĩnh vực, bảo đảm sát đúng với thực tế; qua đó tham mưu, đề xuất, triển khai các giải pháp điều hành giá phù hợp, kịp thời, hiệu quả.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/khong-chu-quan-voi-lam-phat-post808023.html

  • Từ khóa