Tăng cường phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em dịp hè 2024

Thứ 5, 16.05.2024 | 09:15:58
599 lượt xem

Một dịp nghỉ hè nữa đang đến gần, nhu cầu vui chơi giải trí của trẻ em tăng cao. Đặc biệt trẻ em vùng nông thôn thường tìm đến sông, suối, hồ, đập để bơi, nghịch nước và đã có những vụ đuối nước thương tâm xảy ra. Trước thực trạng đó, các cấp, ngành của tỉnh đã và đang tăng cường các biện pháp để phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em.

Học sinh các trường tham gia giải bơi do ngành giáo dục và đào tạo tỉnh tổ chức năm học 2023 – 2024

Đến nay, người dân thôn Khòn Chả, xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình vẫn còn đau xót, thương tâm về vụ việc 2 học sinh bị đuối nước tại đoạn sông chảy qua thôn vào chiều 20/4 vừa qua. Cụ thể một nhóm học sinh rủ nhau ra đoạn sông gần khu vực đình Vằng Khắc, thôn Khòn Chả để chơi, tắm. Trong khi chơi có 2 em bị đuối nước. 2 em đều là học sinh lớp 8, Trường THCS Vân Mộng, huyện Lộc Bình. Trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, trên địa bàn tỉnh cũng đã có 3 học sinh bị đuối nước khi chơi, tắm tại đập, sông thuộc xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng và xã Tân Liên, huyện Cao Lộc.

Không riêng những vụ việc trên, nếu như cả năm 2023 toàn tỉnh có 17 trẻ em bị đuối nước thì từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 11 vụ tai nạn đuối nước, trong đó có 8 trẻ em tử vong (tăng 4 trẻ em tử vong so với cùng kỳ năm 2023).  

Nếu như cả năm 2023 toàn tỉnh có 17 trẻ em bị đuối nước thì từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 11 vụ tai nạn đuối nước, trong đó có 8 trẻ em tử vong (tăng 4 trẻ em tử vong so với cùng kỳ năm 2023).

Trước tình hình đó, ngày 3/5/2024, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 577/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em cao điểm dịp hè, mùa mưa bão năm 2024. Trong đó yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích, phòng chống đuối nước trẻ em; phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) hướng dẫn UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước trẻ em theo lĩnh vực, địa bàn quản lý...

Từ sự chỉ đạo của UBND tỉnh các sở, ngành tỉnh đã và đang triển khai giải pháp để tăng cường phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Ông Lô Tiến Vinh, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em, Sở LĐTB&XH cho biết: Toàn tỉnh hiện có trên 200.000 trẻ em, chiếm trên 25% dân số của tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, phòng đã tham mưu lãnh đạo sở xây dựng kế hoạch liên ngành kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh năm 2024. Trong đó đẩy mạnh thanh, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em tại các huyện, thành phố; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn quản lý. Dự kiến tháng 6/2024, chúng tôi sẽ tổ chức tập huấn các kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho khoảng 300 đại biểu là cán bộ phòng LĐTB&XH - dân tộc các huyện, thành phố và công chức, viên chức làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, của các ngành, đoàn thể; công chức văn hoá - xã hội cấp xã.

Ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh cũng đang đẩy mạnh các giải pháp tăng cường phòng chống đuối nước cho trẻ em. Ông Phạm Ngọc Hiếu, Phó Trưởng Phòng Giáo dục Thường xuyên - chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT cho biết: Trước tình hình trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2024 đến nay, chúng tôi đã tham mưu lãnh đạo sở chỉ đạo phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục trực thuộc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học, từng học sinh. Các nhà trường, cơ sở giáo dục đã và đang duy trì, đẩy mạnh hơn nữa phong trào dạy bơi an toàn cho học sinh trong trường học; tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình quản lý, giám sát học sinh trong thời gian các em nghỉ học, nghỉ hè để bảo đảm an toàn, phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Cùng với đó, các sở, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, UBND các huyện, thành phố cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đề cao trách nhiệm của gia đình trong việc trông giữ, giám sát, nhắc nhở trẻ em về nguy cơ và kỹ năng phòng, chống đuối nước; chủ động đưa con tham gia các khóa học bơi và học kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện, tăng cường rèn luyện thể dục, thể thao, các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, bổ ích cho trẻ em trong dịp hè. Các hoạt động sẽ tập trung cao điểm trong tháng hành động vì trẻ em (tháng 6/2024) với chủ đề "Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”.

Em Lộc Nguyễn Minh Tri, học sinh lớp 8, Trường THCS Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Ở trường em được các thầy cô tuyên truyền về phòng, chống đuối nước em đã nhận thức được sự nguy hiểm, hậu quả khi tự ý đi tắm sông, suối, ao, hồ khi không có sự giám sát của người lớn. Kỳ nghỉ hè này, em sẽ tiếp tục đăng ký học bơi tại trường để có kỹ năng bơi; kỹ năng cơ bản để phòng tránh đuối nước; kỹ năng sơ cấp cứu và kiến thức an toàn dưới nước, cách xử lý khi gặp các tình huống nguy hiểm dưới nước… Qua đó, giúp em có kiến thức đảm bảo an toàn cho bản thân.

Đuối nước là tai nạn có thể phòng tránh được, do đó cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và cả cộng đồng. Để trẻ em có một kỳ nghỉ hè an toàn, bổ ích, cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, mỗi bậc phụ huynh cần quan tâm quản lý, giám sát chặt chẽ khi cho trẻ đi chơi ở những nơi có sông, hồ, ao, đập. Đồng thời tăng cường giáo dục kỹ năng sống, chủ động trang bị cho trẻ kỹ năng bơi và xử lý các tình huống khi ở dưới nước.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/tang-cuong-phong-chong-tai-nan-duoi-nuoc-cho-tre-em-dip-he-2024-5008572.html

  • Từ khóa