Nhiều lo ngại khi bỏ thầu công trình xây lắp giao thông với giá thấp

Thứ 5, 16.05.2024 | 09:16:25
444 lượt xem

Vài ngày gần đây, dư luận xôn xao trước thông tin một số nhà thầu khi tham gia đấu thầu 2 gói thầu xây lắp tại một dự án hạ tầng giao thông đã đưa ra giá dự thầu giảm từ 14% và 25% so với dự toán. Theo một số chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, thực trạng này đang xảy ra ở một số nhà thầu, gói thầu dự án xây dựng và đây là hiện tượng hết sức đáng lo ngại.

Các chuyên gia giao thông khuyến cáo, khi đấu thầu gói thầu xây lắp, nếu xuất hiện tình trạng nhà thầu bỏ giá thấp bất thường so với dự toán, chủ đầu tư cần xem xét, đánh giá kỹ năng lực, kinh nghiệm, thế mạnh của nhà thầu.

Mặc dù biết làm sẽ bị lỗ, nhưng để không “đói” việc, để tồn tại, để “làm đẹp” hồ sơ, nhiều nhà thầu xây dựng buộc phải chọn cách cạnh tranh bằng bỏ thầu giá cực thấp,…

Rủi ro rất cao

Theo nhận định của các chuyên gia giao thông, điều dễ thấy nhất khi các nhà thầu giảm giá trong đấu thầu các công trình sử dụng vốn đầu tư công là tiết kiệm được một kinh phí cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc giảm giá mang tính đột biến, bất thường sẽ đi kèm rủi ro cao về chất lượng và tiến độ cho công trình, cùng với đó là những hệ lụy khôn lường.

Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đánh giá, thời gian gần đây, ngoại trừ một số doanh nghiệp có chuyên môn về hạ tầng kỹ thuật được chỉ định tham gia vào các gói thầu thi công hạ tầng kỹ thuật lớn quốc gia, còn lại đa số doanh nghiệp xây dựng đều đứng trước tình cảnh “khan” việc. Bộ máy phải vận hành, công nợ vẫn phải trả,… cho nên, để có dòng tiền duy trì hoạt động, cách mà nhiều nhà thầu đang phải làm là cạnh tranh bằng giá. Cứ giảm giá một cách bất chấp để được nhận thầu, mặc dù biết chắc sẽ lỗ.

Nhiều lo ngại khi bỏ thầu công trình xây lắp giao thông với giá thấp ảnh 1

Nhà thầu thi công công trình giao thông.

Khi được nghe thông tin bỏ giá thầu thấp hơn dự toán 25%, Chủ tịch VACC Nguyễn Quốc Hiệp phải thốt lên: Mức giảm giá tới 25% giá dự toán thì chắc chắn là “ăn vào đến xương " nhà thầu rồi, tôi không hiểu nhà thầu làm không có lãi thì tồn tại kiểu gì? VACC phản đối các hành động phá giá. Bởi, hạ giá nhiều quá thì rất dễ "ăn" vào chất lượng công trình. Chưa kể, nếu nhà thầu “đói việc” chỉ vì muốn trúng thầu bằng mọi cách mà cố tình phá giá tới 25%, sẽ khiến xã hội có suy nghĩ tiêu cực về hệ thống đơn giá, định mức hiện tại của ngành xây dựng.

Theo ông Hiệp, thực tế đơn giá, định mức hiện nay là vấn đề rất bất cập, khiến nhiều nhà thầu xây dựng hạ tầng điêu đứng, chịu thua lỗ nặng. Trong bối cảnh đơn giá, định mức thấp hơn rất nhiều so với giá cả thực tế, lại xuất hiện nhà thầu “phá giá thị trường” nhưng lại không thể hiện gì về năng lực vượt trội để có thể làm được, là vấn đề hết sức đáng lo ngại.

Trong cơ cấu dự toán của công trình xây dựng, gồm chi phí chung và chi phí trực tiếp. Chi phí chung gồm các khoản như quản lý doanh nghiệp, khấu hao,… còn chi phí trực tiếp gồm vật liệu (cát, đá, sỏi, xi-măng, sắt, thép…) đã có đơn giá.

Theo điều tra độc lập của VACC, thời gian qua, khi triển khai các công trình hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án đường cao tốc, do khan hiếm vật liệu, nhà thầu phải mua trên thị trường với giá thực tế cao hơn rất nhiều so với đơn giá công bố. Nhà thầu giảm giá các gói thầu từ 14 đến 25% ở phần chi phí trực tiếp là điều không thể, trong khi chi phí chung nếu cộng dồn tất cả lại cũng không thể lên tới 25%", ông Hiệp đánh giá.

Nhiều lo ngại khi bỏ thầu công trình xây lắp giao thông với giá thấp ảnh 3

Các chủ đầu tư cần đánh giá kỹ lưỡng, kiểm soát chặt chẽ mọi khâu trong quá trình triển khai khi giao gói thầu cho những nhà thầu trúng thầu với mức giá thấp bất thường.

Từ những phân tích trên, các chuyên gia giao thông đều nhận định, thực trạng giảm giá “sốc” khi đấu thầu dự án giao thông là hiện tượng rất nguy hiểm, bởi nếu giao gói thầu cho những nhà thầu có tiềm lực yếu, nguy cơ xảy ra tình trạng bị "vỡ trận" giữa chừng khi đang triển khai dự án hoàn toàn có thể xảy ra.

Các chủ đầu tư cần đánh giá kỹ lưỡng, kiểm soát chặt chẽ mọi khâu trong quá trình triển khai khi giao gói thầu cho những nhà thầu trúng thầu với mức giá thấp bất thường.

TS Nguyễn Ngọc Long, một chuyên gia kỳ cựu ngành cầu đường cho rằng, khi đưa ra đấu thầu gói thầu xây lắp, nếu xuất hiện tình trạng nhà thầu bỏ giá thấp bất thường so với dự toán thì chủ đầu tư cần phải xem xét, đánh giá kỹ năng lực, kinh nghiệm, thế mạnh của nhà thầu để biết nguyên nhân vì sao đơn vị đó lại bỏ giá thầu thấp như vậy.

Theo kinh nghiệm từ hàng chục năm trong ngành giao thông, ông Long cho biết, không ít thời điểm có những nhà thầu không có việc làm, buộc phải giảm giá rất sâu để có việc nhằm duy trì bộ máy, bởi nếu không trúng thầu, nhà thầu sẽ bị phá sản.

"Có trường hợp nhà thầu nhỏ, năng lực có hạn, khi tự đấu thầu độc lập, không có khả năng trúng thầu mà phải đứng trong liên danh với những nhà thầu lớn hơn thì mới có việc làm. Tuy nhiên, khi đứng trong liên danh, nhà thầu phải "bôi trơn" nên một số nhà thầu thà chấp nhận tự giảm giá rất sâu để trúng thầu, đứng độc lập, không phải phụ thuộc vào nhà thầu khác", ông Long phân tích và cho biết thêm, ngoài ra còn có nhiều nguyên nhân khác để giảm giá khi đấu thầu dự án giao thông như nhà thầu làm chủ được nguồn vật liệu,…

Rà soát, bảo đảm chất lượng công trình

Theo TS Nguyễn Ngọc Long, khi dự án có nhà thầu tự đề xuất giảm giá sâu, bất thường, phía chủ đầu tư cần tiến hành rà soát kỹ lưỡng mọi khía cạnh để có đánh giá đúng về năng lực nhà thầu đó. Trường hợp nhà thầu giảm giá khoảng 10% nhằm trúng thầu, tìm kiếm nguồn việc làm, duy trì bộ máy thì cũng không quá lo ngại bởi điều này đã từng xảy ra ở một số công trình giao thông. Tuy nhiên, nếu giảm giá bất thường lên tới 20-25%, thậm chí vài chục phần trăm so với dự toán như từng xảy ra cách đây 15-20 năm rồi trở thành xu hướng phổ biến là điều hết sức nguy hiểm cho các công trình và cần phải có biện pháp dẹp bỏ, ngăn chặn ngay.

"Dù nhà thầu giảm giá bao nhiêu, điều quan trọng nhất vẫn là cơ quan xét thầu phải tìm ra đúng nguyên nhân giảm giá, đánh giá đúng năng lực của nhà thầu. Nếu nhà thầu bỏ giá thấp và đủ điểm kỹ thuật, chứng minh được năng lực, chứng minh lý do, nguyên nhân giảm giá phù hợp và cam kết bảo đảm tiến độ, chất lượng là điều rất tốt, cần khuyến khích", ông Long chia sẻ.

Từng nhiều năm gắn bó với ngành xây dựng, PGS,TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, đơn giá định mức đang là vấn đề "nóng" trong lĩnh vực xây dựng công trình hạ tầng giao thông. Rất nhiều nhà thầu đang rơi vào cảnh khó khăn, "gồng" lỗ làm đường… Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng đang rà soát lại hệ thống định mức, đơn giá để điều chỉnh phù hợp, phản ánh được thực trạng của thị trường.

Đối với dự án có dự toán được xây dựng trên cơ sở đơn giá, định mức được cơ quan có thẩm quyền ban hành, thông thường giá dự toán đã tiệm cận rất sát thị trường nhưng khi đấu thầu vẫn có nhà thầu bỏ thầu thấp hơn 25% là điều khá bất thường. "Đơn giá, định mức được xây dựng tương xứng với chất lượng của một sản phẩm nhất định. Khi giảm giá thấp hơn nhiều như vậy, liệu có bảo đảm về chất lượng không?", ông Chủng đặt vấn đề.

Nhiều lo ngại khi bỏ thầu công trình xây lắp giao thông với giá thấp ảnh 5

Trường hợp nhà thầu giảm giá khoảng 10% thì cũng không quá lo ngại, nhưng giảm giá bất thường tới vài chục phần trăm là điều hết sức nguy hiểm.

Theo lẽ thông thường, khi giảm giá, đi kèm với đó là nhà thầu phải giảm nhiều nguồn kinh phí trong các khâu của quá trình sản xuất. Có thể nhà thầu tổ chức hợp lý, khoa học, hiệu quả nên tăng được năng suất lao động, giảm giá thành song phải đi kèm với việc chứng minh biện pháp triển khai thi công khác biệt để tuy giảm giá sâu nhưng vẫn bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình. Trong bối cảnh đơn giá, định mức hiện hành, nhà thầu đấu thầu dự án giao thông giảm giá đến 25% là rất bất thường bởi lĩnh vực xây dựng, lợi nhuận tối đa chỉ dao động quanh mức 10-12%. Đơn giá, định mức đã không phản ánh đúng giá cả thị trường như hiện nay, nên nhà thầu thực hiện dự án tiết kiệm đến 25% dự toán là điều khó hiểu.

PGS, TS Trần Chủng khuyến cáo các chủ đầu tư trong trường hợp lựa chọn nhà thầu bỏ thầu với giá bất thường, cần phải có những biện pháp kiểm soát nhiều tầng, nhiều lớp bảo đảm chặt chẽ chất lượng từ đầu, khối lượng thi công, nhân công, máy móc trong quá trình thi công,… đặc biệt là phải đánh giá cẩn thận sản phẩm cuối cùng về chất lượng, khối lượng. Nếu cứ chiếu theo tiêu chí lựa chọn nhà thầu bỏ giá thấp để thực hiện dự án mà không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ thì chắc chắn sẽ phải trả giá đắt khi sản phẩm cuối cùng không bảo đảm chất lượng.

Các chuyên gia giao thông cảnh báo, đấu thầu để lựa chọn nhà thầu thật sự có năng lực nhằm tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng, bảo đảm trên cơ sở giá cả hợp lý. Đất nước muốn hùng cường thì phải có những doanh nghiệp xây dựng hùng mạnh. Tuy nhiên, khi tham gia đấu thầu mà quy cách lựa chọn nhà thầu lại chỉ coi trọng tiêu chí giá bỏ thầu, các nhà thầu thật sự có năng lực bị gạt sang một bên chỉ vì giá không phải là thấp nhất, sẽ làm cản trở sự trưởng thành của các nhà thầu có năng lực. Đấu thầu bị biến thành đấu giá sẽ là cuộc chơi không bình đẳng, vô tình bóp chết những nhà thầu chân chính, có năng lực.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/nhieu-lo-ngai-khi-bo-thau-cong-trinh-xay-lap-giao-thong-voi-gia-thap-post809466.html

  • Từ khóa