Đại biểu Quốc hội: Cần sửa Nghị định số 24, điều chỉnh ngay cơ chế về đấu thầu vàng

Thứ 5, 23.05.2024 | 00:00:00
294 lượt xem

Ngày 23-5, tại phiên thảo luận tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự lo ngại trong phương thức điều hành, quản lý vàng thời gian qua, nhất là trước nghịch lý nhà nước càng tổ chức đấu thầu vàng để tăng nguồn cung cho thị trường thì giá vàng lại càng tăng…

Đề cập đến câu chuyện giá vàng tăng bất thường thời gian qua, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) cho rằng đây là yếu tố cần lưu tâm.

“Tất nhiên giá vàng thế giới tăng thì trong nước cũng tăng nhưng giá vàng trong nước ngày càng chênh lệch lớn với thế giới. Giá vàng tăng cao không ảnh hưởng ngay đến chỉ số giá nhưng sẽ tác động đến nhiều yếu tố; tâm lý người dân sẽ ảnh hưởng, người dân sẽ không gửi tiền ở ngân hàng nữa mà chuyển sang các lĩnh vực khác như câu chuyện xếp hàng mua vàng gần đây. Tôi cho rằng, rất cần thiết phải xử lý phương thức điều hành để đưa giá vàng trong nước về ngang thế giới”, đại biểu nói.

Đại biểu Quốc hội: Cần sửa Nghị định số 24, điều chỉnh ngay cơ chế về đấu thầu vàng

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Cần sửa Nghị định số 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. 

Theo đại biểu, về dài hạn, phải sửa Nghị định số 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng vì chính nghị định này đang sinh ra tác dụng ngược; đồng thời các giải pháp trước mắt cũng cần phải rất linh hoạt.

Theo đại biểu, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước thực hiện đấu thầu vàng để tăng cung nhằm giảm giá nhưng thực tế, sau mỗi phiên đấu thầu, giá vàng lại tăng hơn.

“Tôi nhìn thấy cơ chế đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước hiện nay là đấu thầu ngược, chính vì tác nhân đấu thầu lại làm giá vàng tăng lên vì giá sàn được đặt cao hơn thị trường mà giá sàn cao hơn giá thị trường nên khi người trúng thầu bán ra, người ta phải bán với giá cao hơn giá trúng thầu - đương nhiên giá vàng trong nước phải tăng lên”, đại biểu phân tích.

Cùng với đó, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất phát hành các chứng chỉ vàng, theo đó, người dân có thể mua vàng bao nhiêu cũng được với giá tham chiếu đưa ra và số vàng đó cứ để ở Ngân hàng Nhà nước. “Khi đó người mua vàng không phải mất công giữ vàng, đồng thời việc này cũng điều chỉnh được giá vàng trong nước về ngang với thế giới; phải điều chỉnh ngay cơ chế về đấu thầu vàng”, đại biểu nói.

Đại biểu Quốc hội: Cần sửa Nghị định số 24, điều chỉnh ngay cơ chế về đấu thầu vàng
Quang cảnh phiên họp tại tổ TP Hà Nội. 

Cũng đề cập đến câu chuyện giá vàng, đại biểu Phạm Đức Ấn (đoàn TP Hà Nội) khẳng định, giá vàng rất quan trọng vì khi giá vàng biến động gây ảnh hưởng nhiều đến bài toán về tỷ giá. Nếu đầu tư chạy theo vàng quốc tế thì Việt Nam có nguy cơ "vàng hóa" nền kinh tế. Do đó, cần có đánh giá nhiều khía cạnh, có chính sách quản lý chặt chẽ thị trường vàng để giảm thiểu ảnh hưởng đến tỷ giá.

"Đây là vấn đề kỹ thuật sâu nhưng ở mức độ nhất định, cần trình Chính phủ những giải pháp hữu hiệu hơn để quản lý thị trường vàng, tránh chênh lệch cao giữa thị trường trong nước và thế giới", đại biểu Phạm Đức Ấn nói.  

Đại biểu Quốc hội: Cần sửa Nghị định số 24, điều chỉnh ngay cơ chế về đấu thầu vàng
Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang): Để kéo giá vàng sát giá thị trường thế giới thì phải tính đúng, đủ giá thành của vàng trong nước làm giá khởi điểm để tổ chức đấu thầu.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cũng dành nhiều thời gian để nói về sự “nhảy múa” của giá vàng trong thời gian vừa qua. Theo đại biểu, sự bất hợp lý của thị trường vàng hiện nay là sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới dù chúng ta đã có nhiều giải pháp nhưng không thu hẹp được.

“Việc tổ chức đấu thầu lại càng hâm nóng thị trường vàng. Nguyên nhân có thể là do cách thức làm vừa rồi không rõ mục tiêu”, đại biểu Trần Văn Lâm nói.

Đại biểu cũng băn khoăn với việc giá vàng đem ra đấu thầu gần sát với giá thị trường chứ không phải là sát với giá vàng thế giới. Còn nếu giá vàng thế giới lên, trong nước cũng lên là chuyện của thị trường, không điều chỉnh được.

Theo đại biểu, để kéo giá vàng sát giá thị trường thế giới thì phải tính đúng, tính đủ giá thành của vàng trong nước làm giá khởi điểm để tổ chức đấu thầu. Cụ thể là lấy giá vàng thế giới quy đổi ra Việt Nam đồng rồi cộng với các chi phí nhập khẩu và các chi phí khác để ra giá khởi điểm, từ đó tổ chức đấu thầu.

“Vừa qua, chúng ta lại mang vàng ra đấu thầu sát với giá thị trường Việt Nam. Quan điểm của Chính phủ với vấn đề này là như thế nào? Chúng ta muốn bán vàng với giá cao để thu về nhiều tiền hay đấu giá để ổn định thị trường, ổn định tâm lý người dân?”, đại biểu Trần Văn Lâm nêu câu hỏi.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/dai-bieu-quoc-hoi-can-sua-nghi-dinh-so-24-dieu-chinh-ngay-co-che-ve-dau-thau-vang-778068

  • Từ khóa