Thí sinh có thể gặp chút bỡ ngỡ khi đề Ngữ văn ra bài "Đồng chí”

Thứ 7, 08.06.2024 | 15:52:40
357 lượt xem

ới cấu trúc đề thi ổn định, các câu hỏi tương đối cơ bản, theo các giáo viên, thí sinh có thể thuận lợi hoàn thành được bài thi môn Ngữ văn trong khoảng thời gian quy định. Bài thi của thí sinh sẽ được đánh giá cao nếu có những lập luận tốt, dẫn chứng ấn tượng.

Điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025 tại Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội (Ảnh: LÊ HÀ)

Theo nhận xét của giáo viên, cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội năm nay vẫn giữ ổn định như mọi năm. Với thời gian làm bài 120 phút, thí sinh sẽ thực hiện trả lời các câu hỏi ngắn, viết 2 đoạn văn. Kiến thức Văn học và Tiếng Việt trong đề bám sát chương trình Ngữ văn lớp 9.

“Ba câu hỏi đọc - hiểu bài thơ "Đồng chí" của Chính Hữu có thể sẽ khiến một số học sinh bỡ ngỡ vì tác phẩm này đã xuất hiện trong đề thi vào năm 2021. Tuy nhiên đây là một bài thơ không khó để cảm nhận và phân tích nên nếu nắm chắc nội dung của tác phẩm thì các em có thể tự tin hoàn thành tốt tất cả các câu hỏi trong đề thi” – Giáo viên Ngữ văn Nguyễn Phi Hùng của Hệ thống giáo dục HOCMAI nhận định.

Ở câu hỏi số 4, bên cạnh yêu cầu về nội dung làm rõ hình ảnh người lính trong tám dòng thơ còn có hai yêu cầu phụ: viết đoạn văn theo phép lập luận quy nạp và sử dụng thành phần tình thái và thán từ. "Các thí sinh cần đặc biệt lưu tâm về dung lượng (15 câu văn) để tránh lan man, mất điểm do không hoàn thành đủ các yêu cầu" giáo viên cho biết.

Bài viết "Dám bị ghét" với cuộc đối thoại của triết gia và chàng thanh niên bàn về vấn đề tư duy sống, cách chúng ta đối diện với mong muốn được người khác thừa nhận sẽ tạo được nhiều cảm xúc cho các thí sinh khi thực hiện yêu cầu về đoạn văn nghị luận xã hội ứng xử thế nào trước những mong đợi của những người thân yêu.

Câu hỏi đọc hiểu về một ngữ liệu ngoài sách giáo khoa về cách ứng xử của mỗi người để đáp ứng những mong đợi của người khác với bản thân hay theo đuổi đam mê và giá trị của riêng mình. Những cách diễn đạt của câu hỏi trong đề thi như: “theo em”, “nên ứng xử thế nào…?” cho phép học sinh có thể tự do nêu suy nghĩ, quan điểm của bản thân về vấn đề được đặt ra. Đây là một vấn đề muôn thuở đồng thời gần gũi, quen thuộc với học sinh, nhất là khi các em đang đứng ở ngưỡng cửa của những sự lựa chọn trong cuộc đời.

Hai yêu cầu trả lời ngắn xác định phép liên kết và nêu quan điểm về việc chúng ta không sống để đáp ứng mong đợi của người khác tương đối đơn giản, không làm khó được thí sinh.

Nhìn chung, với cấu trúc đề thi ổn định, các câu hỏi tương đối cơ bản, thí sinh có thể thuận lợi hoàn thành được bài thi môn Ngữ văn trong khoảng thời gian quy định. Tuy nhiên, những thí sinh có khả năng lập luận tốt, tìm được những dẫn chứng ấn tượng để đưa vào bài viết sẽ là một điểm nhấn được đánh giá cao.

Theo Ths Lê Minh Thư, Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THPT Hòa Bình - La Trobe, đề thi bảo đảm phân loại được học sinh. Hầu hết là các câu hỏi yêu cầu học sinh cần ghi nhớ kiến thức liên quan đến tác phẩm, lý giải và phân tích được hiệu quả nghệ thuật trong cách lựa chọn từ ngữ, hình ảnh của tác giả, nắm vững các kiến thức tiếng Việt liên quan đến biện pháp tu từ, phép liên kết,…

Vấn đề nghị luận xã hội có tính thiết thực, gần gũi, tuy nhiên sẽ là thách thức với học sinh khi đưa ra cách ứng xử thực tiễn, phù hợp, thể hiện nhìn nhận sâu sắc, chân thành.

Theo giáo viên, học sinh có học lực trung bình, khá có thể đạt 6,5 đến 7 điểm, học sinh có học lực giỏi có thể đạt từ 8 điểm trở lên. Dự kiến kiến phổ điểm trung bình trong khoảng 6,5 đến 7.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/thi-sinh-co-the-gap-chut-bo-ngo-khi-de-ngu-van-ra-bai-dong-chi-post813356.html

  • Từ khóa