Đại biểu Quốc hội ủng hộ việc duy trì thu kinh phí công đoàn 2% như hiện nay

Thứ 3, 18.06.2024 | 14:47:29
274 lượt xem

Đại biểu Quốc hội cho biết, việc luật hóa và duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2% thể hiện sự ưu việt; ngoài ra, quy định này đã thực hiện ổn định, lâu dài, không phát sinh nhiều vướng mắc trên thực tế.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 18/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Kinh phí công đoàn không phải là gánh nặng cho doanh nghiệp

Góp ý kiến vào dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) bày tỏ đồng thuận cao với việc duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2% vì nhiều lý do.

Theo đại biểu, từ nhiều thập niên qua, kinh phí công đoàn được thực hiện chủ yếu ở các nước khối xã hội chủ nghĩa. Tại Việt Nam, nguồn thu kinh phí công đoàn được duy trì từ năm 1957 đến nay.

Đại biểu Quốc hội ủng hộ việc duy trì thu kinh phí công đoàn 2% như hiện nay ảnh 1

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân phát biểu ý kiến thảo luận. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

“Việc luật hóa và duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2% thể hiện sự ưu việt. Kinh phí công đoàn được sử dụng tại công đoàn cơ sở chủ yếu là để trực tiếp chăm lo cho đoàn viên, người lao động”, đại biểu nêu lý do.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cũng cho hay, theo một số kết quả nghiên cứu thì kinh phí công đoàn chiếm tỷ trọng nhỏ trong chi phí của doanh nghiệp.

Qua khảo sát thực tế, tại nhiều doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam, vướng mắc chủ yếu là thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cần nâng cao thể chế, hoàn thiện pháp luật; rất ít có kiến nghị liên quan đến kinh phí công đoàn 2%. “Do đó vấn đề kinh phí công đoàn không phải là gánh nặng cho doanh nghiệp”, đại biểu nêu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cũng bày tỏ tán thành việc quy định “kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động”, vì đây là nội dung đã thực hiện ổn định, lâu dài, không phát sinh nhiều vướng mắc trên thực tế.

Đại biểu Quốc hội ủng hộ việc duy trì thu kinh phí công đoàn 2% như hiện nay ảnh 2

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương). (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Đại biểu cũng cho rằng, việc quy định cụ thể tỷ lệ phân phối kinh phí công đoàn là cần thiết, nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng tài chính công đoàn.

“Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho việc tăng cường bố trí nguồn kinh phí công đoàn cho các hoạt động của công đoàn cơ sở - là nơi trực tiếp chăm lo cho đời sống của người lao động, theo tôi, nên có sự linh hoạt trong việc quy định tỷ lệ phân bổ kinh phí công đoàn, không quy định cứng tỷ lệ 25% và 75% như Khoản 2 Điều 30 dự thảo, mà chỉ nên quy định đó là tỷ lệ 'tối thiểu' và tỷ lệ 'tối đa'”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga góp ý.

Nữ đại biểu đoàn Hải Dương đề nghị xem xét quy định “Kinh phí công đoàn theo Điểm b Khoản 1 Điều 29 do công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng tối đa 25%, còn lại được phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”.

Trong khi đó, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cũng bày tỏ thống nhất với việc duy trì kinh phí công đoàn 2% nhưng đề nghị có chế tài đủ mạnh thực hiện nghiêm việc đóng kinh phí công đoàn, tránh nợ đọng.

Tạo sự đồng bộ về biên chế trong hệ thống công đoàn, tránh cào bằng

Liên quan quy định về biên chế trong hệ thống công đoàn, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên (đoàn Long An) đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định cơ chế quản lý biên chế phù hợp trong Luật Công đoàn (sửa đổi). Trong đó, tăng quyền chủ động của công đoàn trong việc bố trí đội ngũ cán bộ công đoàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Theo đại biểu, thời gian tới số lượng đoàn viên và công đoàn cơ sở sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, biên chế cho cán bộ công đoàn chuyên trách có giới hạn.

Đại biểu Quốc hội ủng hộ việc duy trì thu kinh phí công đoàn 2% như hiện nay ảnh 4

Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên (đoàn Long An). (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Đại biểu dẫn chứng hiện nay một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở quản lý từ 6.000 công đoàn viên trở lên nhưng biên chế chỉ có từ 1-2 cán bộ chuyên trách; hay như một số công đoàn khu công nghiệp, liên đoàn lao động huyện, có những đơn vị quản lý trên 130 nghìn đoàn viên nhưng biên chế cán bộ chuyên trách chỉ từ 7-8 người...

Đại biểu cho rằng, quy định như vậy sẽ rất khó khăn cho công tác quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát của hoạt động công đoàn. Mặt khác, cần quan tâm, bố trí cán bộ công đoàn cơ sở hoạt động chuyên trách theo quy mô, số lượng đoàn viên ở cơ sở trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cho phù hợp.

Đại biểu Âu Thị Mai (đoàn Tuyên Quang) cho biết, thực tiễn thời gian qua, việc quyết định, bố trí cán bộ chuyên trách tại doanh nghiệp có đông công nhân lao động gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, đại biểu đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có giải pháp đề xuất quy định biên chế phù hợp của tổ chức công đoàn.

Theo đó, cần chủ động và có căn cứ sắp xếp, bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách tại đơn vị sử dụng lao động nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Duy Minh (đoàn Đà Nẵng) nhận định, dự thảo Luật quy định việc tăng quyền chủ động của tổ chức Công đoàn trong công tác cán bộ tại Khoản 3, 4 của Điều 26, theo đại biểu quy định như vậy là phù hợp.

Đại biểu Quốc hội ủng hộ việc duy trì thu kinh phí công đoàn 2% như hiện nay ảnh 5

Đại biểu Nguyễn Duy Minh (đoàn Đà Nẵng). (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Việc sửa đổi, bổ sung quy định giao quyền cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ động đề xuất số lượng cán bộ công đoàn là cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống tạo ra sự đồng bộ về biên chế trong hệ thống công đoàn.

Theo đại biểu, điều này cũng khắc phục tình trạng các địa phương có điều kiện địa lý, kinh tế-xã hội giống nhau nhưng được giao số lượng biên chế khác nhau, khắc phục tình trạng cào bằng trong phân bổ biên chế.

"Điều này có ý nghĩa rất lớn trong giai đoạn hiện nay khi pháp luật cho phép ra đời tổ chức người lao động tại doanh nghiệp. Việc phân bổ biên chế đi đôi với việc cân đối nguồn lực tài chính bảo đảm chi hành chính, chi cho hoạt động phong trào của các cấp công đoàn sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính công đoàn. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm trong quản lý biên chế, quản lý sử dụng và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ công đoàn", đại biểu nhấn mạnh.

Việc trao quyền chủ động cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định số lượng cán bộ công đoàn là lao động hợp đồng trong các cơ quan chuyên trách và ở công đoàn cơ sở nhằm bảo đảm sự chủ động, linh hoạt trong bố trí cán bộ công đoàn, đáp ứng yêu cầu phát triển đoàn viên trong từng giai đoạn, góp phần nâng cao năng lực hoạt động của tổ chức Công đoàn.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/dai-bieu-quoc-hoi-ung-ho-viec-duy-tri-thu-kinh-phi-cong-doan-2-nhu-hien-nay-post814888.html

  • Từ khóa