Xóa nhà tạm, dột nát: Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ

Thứ 4, 19.06.2024 | 14:47:08
722 lượt xem

Theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, toàn tỉnh có 4.567 hộ thuộc đối tượng được hỗ trợ kinh phí để xóa nhà tạm, nhà dột nát. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện chương trình chậm, tính đến hết tháng 5/2024, các huyện, thành phố thực hiện đạt khoảng 30,1% kế hoạch. Để đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, dột nát, UBND các huyện và các xã đang khẩn trương thực hiện các giải pháp tháo gỡ.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 2.331 hộ được hỗ trợ kinh phí để xây mới, sửa chữa nhà ở. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 cho các huyện nghèo Bình Gia và Văn Quan, có 2.236 hộ được hỗ trợ xây dựng mới nhà ở và sửa chữa nhà ở. Về kết quả thực hiện, theo thống kê sơ bộ, từ năm 2021 đến hết tháng 5/2024, có 1.375 hộ được hỗ trợ xóa nhà dột nát, tương đương 30,1%.

Còn nhiều khó khăn

Theo tìm hiểu, kết quả thực hiện đạt thấp có nguyên nhân khách quan và chủ quan trong quá trình triển khai thực hiện. Trong đó, nguyên nhân khách quan là nguồn vốn bố trí cho chương trình chậm, nhiều thủ tục phức tạp ảnh hưởng đến quá trình triển khai. Về nguyên nhân chủ quan, nhiều hộ được hưởng chế độ nhưng điều kiện đất đai chưa đảm bảo; việc huy động nguồn lực đối ứng của nhiều hộ gặp nhiều khó khăn; một số hộ thụ động có tâm lý ỷ lại vào nhà nước.

Hộ ông Hoàng Văn Dùng, thôn Nà Pất, xã Vân Thuỷ, huyện Chi Lăng thực hiện xây mới nhà ở từ nguồn kinh phí hỗ trợ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia

Bà Đinh Thị Oanh, Chủ tịch UBND xã Tân Minh, huyện Tràng Định cho biết: Tân Minh là xã biên giới đặc biệt khó khăn, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, năm 2024 xã đang triển khai để xóa nhà tạm, dột nát cho 12 trường hợp. Tuy nhiên, việc triển khai gặp khó khăn bởi hầu hết các hộ được hưởng đều thuộc diện hộ nghèo, neo đơn, việc đối ứng để xây dựng mới nhà ở của một số hộ chưa đáp ứng được yêu cầu. Chính vì thế, khi triển khai tới các hộ, xã cũng vận động họ hàng và vận động các nhà hảo tâm cùng chung tay giúp đỡ nhưng cũng chỉ được 2/12 hộ.

Tại xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng, quá trình triển khai thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, dột nát cũng gặp những khó khăn. Ông Hoàng Văn Phách, Chủ tịch UBND xã Vân Thủy chia sẻ: Toàn xã có 36 hộ có khó khăn về nhà ở, từ năm 2021 đến tháng 5/2024 xã đã và đang thực hiện hỗ trợ cho 16 hộ khó khăn về nhà ở (đã hoàn thành 10 hộ và 6 hộ đang triển khai). Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định hồ sơ để thực hiện hỗ trợ thì có một số hộ lại chưa có đất phù hợp, có hộ có đất ở nhưng lại không đủ vốn đối ứng để hoàn thiện hồ sơ thực hiện hỗ trợ.

Theo tìm hiểu từ nhiều xã, các khó khăn trong quá trình thực hiện xóa nhà tạm, dột nát trên địa bàn các huyện đều có nhiều điểm tương đồng. Đây là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tiến độ hỗ trợ xóa nhà tạm, dột nát trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Tập trung tháo gỡ

Từ những khó khăn vướng mắc nêu trên, các huyện và các xã đã triển khai nhiều giải pháp, để tháo gỡ góp phần thúc đẩy tiến độ xóa nhà tạm dột nát trên địa bàn toàn tỉnh.

Ông Hoàng Văn Phách, Chủ tịch UBND xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng cho biết: Một trong những giải pháp xã đang triển khai tháo gỡ là cử cán bộ đến những hộ gia đình  trực tiếp giải thích, hướng dẫn các hộ thực hiện thủ tục đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định.  Đối với các trường hợp thiếu vốn đối ứng, xã cũng vận động các hộ làm thủ tục vay vốn ngân hàng chính sách xã hội theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi .

Ông Hoàng Văn Dùng, thôn Nà Pất, xã Vân Thủy cho biết: Năm 2024, gia đình được thụ hưởng chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm, dột nát theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Gia đình dự kiến xây dựng mới căn nhà cấp 4 với diện tích 90 m2 trên chính nền nhà cũ. Tuy nhiên, dự toán công trình chưa tính ngày công hết khoảng 300 triệu đồng, trong khi nhà nước hỗ trợ 44 triệu đồng, gia đình tích góp và thực hiện khai thác rừng trồng để bán cũng chỉ gom được khoảng 150 triệu đồng. Gia đình đang khó khăn về vốn đối ứng thì được UBND xã hướng dẫn thủ tục vay ngân hàng chính sách xã hội 100 triệu đồng theo Nghị định 28 với lãi suất ưu đãi. Sau khi thống nhất, gia đình, tôi đã quyết định làm hồ sơ vay và được ngân hàng chính sách phê duyệt. Đến nay, gia đình đã khởi công xây dựng nhà.

Liên quan đến tháo gỡ vướng mắc về đất ở cho các hộ nghèo khó khăn về nhà ở khu vực nông thôn, ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng chia sẻ, triển khai chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ các hộ nghèo xóa nhà tạm, dột nát, đến đầu tháng 6/2024, huyện đã thực hiện được 125 hộ và đang triển khai giai đoạn 2024 - 2025 với 288 hộ cần hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Để tháo gỡ khó khăn trong quá trình hỗ trợ các hộ nghèo xóa nhà tạm, dột nát về đất đai, UBND huyện đã yêu cầu các xã rà soát toàn bộ nhu cầu về chuyển mục đích sử dụng đất của các hộ. Từ đó, các xã đề xuất báo cáo huyện để thực hiện quy trình điều chỉnh, bổ sung quy hoạch kế hoạch sử dụng đất tạo điều kiện cho các hộ chuyển mục đích để xây dựng nhà ở theo đúng quy định.

Đối với các trường hợp khó khăn về vốn đối ứng để xây dựng nhà mới, huyện vận động người dân tự lực vươn lên, hướng dẫn vay vốn ngân hàng chính sách và thực hiện huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ. Trong năm 2023, huyện Văn Lãng đã vận động xã hội hóa được 90 triệu đồng để hỗ trợ 2 hộ nghèo khó khăn về nhà ở thực hiện xây mới nhà ở tại xã Trùng Khánh và xã Bắc Việt.

Được biết, để đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, dột nát trên địa bàn tỉnh, Sở Xây dựng đã tham mưu Ban cán sự đảng UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng nghị quyết chuyên đề đối với lĩnh vực này. Ông Nguyễn Duy Đông, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Hiện sở đang hoàn thiện tờ trình về xây dựng dự thảo nghị quyết chuyên đề xóa nhà tạm, nhà dột nát giai đoạn 2024 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn để trình Ban cán sự đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; phấn đấu đến hết năm 2025, tỉnh Lạng Sơn hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Với sự vào cuộc quyết liệt tháo gỡ khó khăn của các cơ quan nhà nước, sự tự lực vươn lên của các hộ gia đình nghèo khó khăn về nhà ở; tin tưởng, trong thời gian tới mục tiêu xóa nhà tạm, dột nát của trên địa bàn tỉnh sẽ đạt được mục tiêu, tiến độ đề ra, qua đó góp phần nâng cao đời sống cho Nhân dân.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/xoa-nha-tam-dot-nat-thao-go-kho-khan-day-nhanh-tien-do-5012095.html

  • Từ khóa