Dành hơn 16.300 tỷ đồng tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng

Thứ 3, 25.06.2024 | 08:01:20
315 lượt xem

Từ ngày 1/7/2024, đề xuất tăng thêm 15% mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng, đồng thời nâng mức hưởng với người nhận lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ trước ngày 1/1/1995. Dự kiến, nguồn lực cần thiết để thực hiện các đề xuất nêu trên là hơn 16.300 tỷ đồng .

Hướng dẫn người nghỉ hưu tìm hiểu thông tin về nhận lương hưu. (Ảnh: VNPost)

Hai nhóm đối tượng được tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xây dựng và đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng (sau đây gọi tắt là dự thảo Nghị định).

Trước đó, lần gần nhất Chính phủ thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng là từ ngày 1/7/2023 theo quy định tại Nghị định số 42/2023/NĐ-CP ngày 29/6/2023 của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng (sau đây gọi là Nghị định số 42/2023/NĐ-CP).

Dự thảo Nghị định gồm 2 chương, 6 điều. Đối tượng thực hiện điều chỉnh chung là người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng đang hưởng chính sách này tính đến thời điểm tháng 6/2024. Đối tượng này về cơ bản kế thừa quy định của Nghị định số 42/2023/NĐ-CP.

Riêng về các đối tượng nghỉ việc hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng trước ngày 1/1/1995 có mức hưởng thấp, sau khi thực hiện điều chỉnh theo mức chung mà có mức hưởng thấp hơn 3,5 triệu đồng/người/tháng thì tiếp tục được tăng thêm theo mức tiền cụ thể.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nêu rõ, từ thực tiễn thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội đối với nhóm đối tượng này thấy, mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng đã được xác định dựa trên thời gian công tác thực tế và mức tiền lương tháng trước khi nghỉ việc của người lao động. Tuy nhiên, với đặc thù của chính sách tiền lương giai đoạn trước năm 1995, cùng với các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội tại thời điểm đó, nên phần lớn người lao động nghỉ hưu, nghỉ việc theo chế độ mất sức lao động với thời gian làm việc ngắn và mức tiền lương trước khi nghỉ việc thấp. Từ đó, ảnh hưởng đến mặt bằng chung về mức hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng của nhóm đối tượng này.

Bên cạnh đó, một số nhóm đối tượng đã dừng hưởng theo quy định, sau đó được Nhà nước ban hành chính sách cho tiếp tục hưởng trợ cấp hằng tháng từ nguồn ngân sách nhà nước nên mức hưởng khá thấp so với mặt bằng chung. Cụ thể, mức trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng của người đang hưởng trợ cấp theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg và Quyết định số 613/QĐ-TTg là khoảng 1,9 triệu đồng/người/tháng.

Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội: “quan tâm điều chỉnh thỏa đáng đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ”, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất điều chỉnh đối tượng đối với người nghỉ hưu từ trước ngày 1/1/1995 sau khi thực hiện điều chỉnh theo quy định chung mà có mức hưởng dưới 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Việc xác định mốc 3,5 triệu đồng/người/tháng để làm căn cứ điều chỉnh được tính toán dựa trên mức 3 triệu đồng/người/tháng quy định tại Nghị định số 42/2023/NĐ-CP và thực hiện việc điều chỉnh tăng 15%.

Việc xác định mốc điều chỉnh 3,5 triệu đồng/người/tháng đã được báo cáo với Chính phủ khi xây dựng phương án và thời điểm điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2024.

Huy động hơn 16.300 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và Quỹ Bảo hiểm xã hội

Trước hết, dự thảo Nghị định đề xuất mức điều chỉnh chung là tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6 năm 2024.

Với việc điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng nêu trên, dự kiến, tổng kinh phí cần thiết là 16.042 tỷ đồng.

Cụ thể, để thực hiện chính sách từ ngày 1/7/2024, đối với ngân sách nhà nước, kinh phí điều chỉnh tăng thêm 3.475 tỷ đồng, số người được điều chỉnh là 1,012 triệu người. Cùng với đó, đối với nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội, kinh phí điều chỉnh 12.567 tỷ đồng, số người được điều chỉnh là 2,361 triệu người.

Mức tăng lương hưu 15% là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với người lao động khi hết tuổi lao động.

Từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện điều chỉnh tăng lương hưu 23 lần. Ngoài lương hưu hằng tháng, người hưởng còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt thời gian nghỉ hưu để được hưởng các quyền lợi khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả với mức hưởng là 95%.

Một nội dung cũng quan trọng ở dự thảo Nghị định này là đề xuất mức điều chỉnh với đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng có mức hưởng thấp.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xác định, ngoài việc thực hiện điều chỉnh theo tỷ lệ chung đối với tất cả đối tượng đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng, bảo đảm nguyên tắc đóng-hưởng theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, việc thực hiện điều chỉnh thêm đối với những người hưởng lương hưu, trợ cấp từ trước ngày 1/1/1995 mà có mức hưởng dưới 3,5 triệu đồng/tháng được xác định là chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với những người đã có thời gian làm việc, cống hiến trong khu vực Nhà nước giai đoạn trước năm 1995 có mức hưởng thấp hơn so với mặt bằng chung. Do đó, cơ quan này đề xuất điều chỉnh theo số tiền tuyệt đối.

Cụ thể, những người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hằng tháng từ trước ngày 1/1/1995 sau khi điều chỉnh tăng thêm 15% theo mức điều chỉnh chung mà có mức hưởng thấp hơn 3,5 triệu đồng/tháng thì mức hưởng được điều chỉnh tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng trở xuống; và tăng lên bằng 3,5 triệu đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng.

Dự kiến, với mức điều chỉnh nêu trên, có khoảng 300 nghìn người thuộc nhóm đối tượng hưởng từ trước ngày 1/1/1995 được thụ hưởng chính sách. Số tiền này do ngân sách nhà nước chi trả với kinh phí điều chỉnh khoảng 285 tỷ đồng.

Như vậy, với hai đề xuất nêu trên, nguồn kinh phí cần thiết dành để tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng từ thời điểm ngày 1/7/2024 là 16.327 tỷ đồng. Con số này bao gồm cả kinh phí mua bảo hiểm y tế và kinh phí thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng đối với người có mức hưởng dưới 3,5 triệu đồng/tháng.

Cụ thể, với thời gian thực hiện trong 6 tháng năm 2024, kinh phí từ ngân sách nhà nước điều chỉnh tăng thêm 3.760 tỷ đồng; còn kinh phí từ nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội điều chỉnh 12.567 tỷ đồng.

Thời điểm điều chỉnh mức tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội được đề xuất áp dụng từ ngày 1/7/2024, bảo đảm cùng với thời điểm thực hiện cải cách tiền lương.

Dự kiến, Nghị định có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành. Để bảo đảm quyền lợi của các đối tượng được điều chỉnh, các quy định của Nghị định sẽ được thực hiện từ ngày 1/7/2024. Nghị định số 42/2023/NĐ-CP sẽ hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/danh-hon-16300-ty-dong-tang-luong-huu-tro-cap-bao-hiem-xa-hoi-va-tro-cap-hang-thang-post814459.html

  • Từ khóa