Xây dựng chỉ dẫn địa lý: Đưa danh tiếng mật ong ngũ gia bì Vân Thủy bay xa

Thứ 5, 04.07.2024 | 14:36:21
444 lượt xem

Mật ong ngũ gia bì xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng từ lâu đã được nhiều người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng. Chính vì vậy, nuôi ong đã trở thành một nghề mang lại thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn xã. Để tiếp tục nâng cao uy tín, giá trị sản phẩm mật ong ngũ gia bì trên thị trường, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai Dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý mật ong ngũ gia bì Vân Thủy.

Ông Hoàng Văn Phách, Chủ tịch UBND xã Vân Thủy cho biết: Vân Thủy có diện tích đồi, rừng lớn với nhiều loại cây tự nhiên và cây rừng trồng trong đó có cây ngũ gia bì là loại cây cho hoa làm mật ong ngũ gia bì. Từ năm 2020 trở lại đây, UBND huyện Chi Lăng, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp nghiên cứu về giá trị dinh dưỡng, dược học của mật ong ngũ gia bì. Qua nghiên cứu cho thấy, loại mật ong này có những giá trị nổi bật về dinh dưỡng cũng như dược tính, chính vì vậy người dân trên địa bàn xã tập trung bảo vệ cây ngũ gia bì, phát triển các đàn ong mật.

Thành viên Hợp tác xã nuôi ong lấy mật xã Vân Thủy đóng gói sản phẩm trước khi xuất ra thị trường 

Theo Tiến sỹ Hoàng Lâm, Trưởng Phòng KHCN và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu giá trị dinh dưỡng, dược học của mật ong ngũ gia bì tại huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn” (triển khai năm 2020), ngũ gia bì là  loại cây nở hoa vào mùa đông - thời điểm rất ít loại cây ra hoa, vì vậy, mật ong hoa ngũ gia bì thu được có độ đồng nhất cao, chất lượng đặc trưng và giá trị sử dụng lớn. Mật ong hoa ngũ gia bì có màu vàng nhạt, vị ngọt thanh pha chút đắng nhẹ, hàm lượng đường, carbohydrat, chất chống ôxy hóa cao. Đặc biệt hàm lượng vitamin B5 cao gấp 10 lần so với mức tiêu chuẩn theo cơ sở dữ liệu dinh dưỡng của USDA (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ). Ngoài ra các nguyên tố vi lượng (kali, sắt, magie...) có trong mật ong hoa ngũ gia bì cũng có giá trị khác biệt so với các mật ong khác.

Thấy được việc xây dựng chỉ dẫn địa lý là bước đệm đưa sản phẩm mật ong Vân Thủy đến các thị trường trong nước và quốc tế, từ đó, nâng cao danh tiếng, uy tín sản phẩm mang lại việc làm, thu nhập ổn định cho người dân, năm 2021, UBND tỉnh Lạng Sơn đưa mật ong ngũ gia bì Vân Thủy vào Đề án triển khai Chiến lược sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030. Là cơ quan chủ trì triển khai đề án, Sở KH&CN tuyển chọn Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp (Viện Nghiên cứu cây lương thực và cây thực phẩm) thực hiện nhiệm vụ: Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Mật ong hoa ngũ gia bì của xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Dự án được thực hiện từ tháng 6/2021 đến tháng 12/2022.

Hướng tới mục tiêu chung là xây dựng thương hiện mật ong ngũ gia bì Vân Thủy mang tầm quốc gia, trở thành một trong những sản phẩm đặc trưng của tỉnh Lạng Sơn, UBND huyện, các phòng, ban chuyên môn, UBND xã, các đơn vị phối hợp đã tập trung triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể, các đơn vị đã tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn xã, huyện về ý nghĩa, tầm quan trọng của cây ngũ gia bì đối với hệ sinh thái, đa dạng sinh học cũng như nghề nuôi ong lấy mật. Thông qua chương trình xây dựng nông thông mới một số gia đình tại xã Vân Thủy được hỗ trợ ong giống để phát triển kinh tế. Các cơ quan chuyên môn cũng tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi ong, thu hoạch mật ong. Nhờ đó, các hộ nuôi đều nắm vững các công đoạn kỹ thuật chính trong phát triển mô hình nuôi ong. Cùng với đó, các đơn vị phối hợp cũng khẩn trương xây dựng được hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận; xây dựng hệ thống công cụ quản lý chỉ dẫn địa lý, quản lý chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; xây dựng hệ thống công cụ quảng bá và giới thiệu sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý... Nhờ sự vào cuộc tích cực, chủ động của các đơn vị liên quan, tháng 4/2023 Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mật ong ngũ gia bì Vân Thủy, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn.

Ông Hoàng Văn Phương, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi ong lấy mật xã Vân Thủy cho biết: Từ khi thành lập đến nay, Hợp tác xã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số doanh nghiệp về kinh phí để trang bị máy hạ thủy phần, bình đựng mật, tem nhãn... Điều này có ý nghĩa rất lớn với các thành viên Hợp tác xã trong việc ngăn sự kết tinh của mật ong, tạo ra sản phẩm đồng đều, nâng cao giá trị sản phẩm. Sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, các thành viên Hợp tác xã đã chủ động trong việc bảo vệ thương hiệu, nâng cao uy tín sản phẩm mật ong trên thị trường.

Thông qua công tác tuyên truyền, quảng bá về công dụng, giá trị của mật ong ngũ gia bì Vân Thủy mà sản phẩm được đông đảo người tiêu dung trong và ngoài tỉnh biết đến. Nhu cầu tiêu dùng lớn, giá bán cao và ổn định trong những năm gần đây đã thúc đẩy việc mở rộng quy mô đàn ong nuôi trên địa bàn xã Vân Thủy. Hiện nay, toàn xã Vân Thủy có 60 hộ gia đình nuôi ong lấy mật với khoảng 1.100 đàn ong, cho sản lượng mật khoảng 6.000 lít/năm. Trong đó sản lượng mật hoa ngũ gia bì là 2.000 lít, chiếm 30% sản lượng mật ong hằng năm. Riêng Hợp tác xã Nuôi ong lấy mật Vân Thủy có 22 thành viên với gần 1.000 đàn. Trước năm 2020, giá bán mật ong ngũ gia bì chỉ khoảng 350.000 đồng/lít, trên thị trường hiện nay, mật ong hoa ngũ gia bì Vân Thủy có giá bán bình quân là 450.000 đồng/lít, cao hơn các loại mật ong thông thường khác. Với nền móng đã được tạo nên kể trên, tin rằng thời gian tới mật ong ngũ gia bì Vân Thủy không chỉ là sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Lạng Sơn mà còn trở thành thương hiệu quốc gia, cạnh tranh với các sản phẩm mật ong khác trên thị trường quốc tế.

“Chỉ dẫn địa lý là tên địa lý của một nước, vùng hoặc địa phương dùng để chỉ dẫn xuất xứ của sản phẩm, mà chất lượng và những đặc tính của nó dựa trên các điều kiện môi trường địa lý độc đáo, ưu việt, bao gồm yếu tố tự nhiên và con người”. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý mang lại nhiều lợi ích đối với chủ sở hữu như: Bảo vệ nhà sản xuất trước nạn hàng giả và giúp người tiêu dùng không bị đánh lừa; hỗ trợ xúc tiến thương mại và xuất khẩu, bởi lẽ nó là cơ sở bảo đảm uy tín; là một công cụ để phát triển nông thôn và mở ra hướng sản xuất mới; góp phần thực hiện sự công bằng kinh tế.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/xay-dung-chi-dan-dia-ly-dua-danh-tieng-mat-ong-ngu-gia-bi-van-thuy-bay-xa-5013715.html

  • Từ khóa