Xây dựng ngành kỹ thuật Quân đội “vững mạnh, tinh gọn, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả”

Thứ 3, 10.09.2024 | 08:01:44
382 lượt xem

Ngày 10-9-1974, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký Nghị định số 211/CP, thành lập Tổng cục Kỹ thuật (TCKT)-cơ quan tham mưu chiến lược của Quân ủy Trung ương (QUTƯ), Bộ Quốc phòng về công tác kỹ thuật (CTKT) quân sự và chỉ đạo CTKT toàn quân. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới về chất của Quân đội ta trong việc chỉ đạo tập trung, thống nhất CTKT quân sự, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chiến đấu của Quân đội.

Ngay sau khi thành lập, TCKT tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khẩn trương nghiên cứu, chế tạo thành công súng và đạn cối 120mm, 160mm; ĐKZ 82mm; đồng thời chỉ đạo bảo đảm hàng vạn tấn vũ khí, khí tài, đạn dược phục vụ chiến trường theo mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng; cử hàng trăm cán bộ, nhân viên kỹ thuật đến các đơn vị chiến đấu trực tiếp chỉ đạo sửa chữa, thu hồi “lấy vũ khí địch đánh địch”, đáp ứng yêu cầu của các mặt trận và những chiến dịch lớn, góp phần cùng quân và dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ xây dựng Quân đội đặt ra đối với TCKT những yêu cầu mới; trước hết là chấn chỉnh tổ chức lực lượng, thực hiện các nhiệm vụ lớn của công tác bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật do QUTƯ xác định: Khẩn trương thu hồi, quản lý, bảo quản, sửa chữa và có kế hoạch sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật thu được của địch; nhanh chóng thu gom các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT), vật tư của ta còn trên các tuyến vận tải quân sự, các địa phương để bảo quản tốt hơn và kiện toàn hệ thống kho tàng; đi đôi với việc xây dựng nền công nghiệp quốc phòng có sửa chữa, có sản xuất, từng bước sản xuất các loại vũ khí hiện đại cần thiết, tiến đến tự trang bị VKTBKT hiện đại cho LLVT.

Xây dựng ngành kỹ thuật Quân đội “vững mạnh, tinh gọn, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả”

Trung tướng Trần Minh Đức, Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật kiểm tra công tác sửa chữa vũ khí tại Xưởng X41 (Cục Kỹ thuật, Quân khu 4). Ảnh: NGỌC HIỂU

Trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, TCKT đã huy động bảo đảm cho các đơn vị hàng nghìn khẩu súng pháo các loại, hơn 2 vạn tấn đạn dược, bom, mìn và hàng nghìn tấn vật tư, phụ tùng. Các nhà máy trong TCKT tăng cường sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị và cử các đội sửa chữa cơ động làm nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật tại chỗ, phục vụ kịp thời cho các đơn vị chiến đấu thắng lợi, góp phần bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế, giúp nhân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng.

Trước yêu cầu xây dựng Quân đội trong giai đoạn mới, ngày 24-2-1979, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành quyết định thành lập cục kỹ thuật thuộc các quân khu, quân đoàn, binh chủng; phòng kỹ thuật cấp sư đoàn, lữ đoàn và ban kỹ thuật ở cấp trung đoàn. Việc kiện toàn hệ thống ngành kỹ thuật Quân đội đồng bộ, thống nhất ở cả 3 cấp (chiến lược, chiến dịch và chiến thuật) làm cho CTKT có bước phát triển mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của Quân đội.

Cuối những năm 80 của thế kỷ 20, trước nguy cơ hệ thống xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng, Đảng, Nhà nước chủ trương xây dựng và nâng cao sức mạnh của LLVT, sẵn sàng đập tan âm mưu "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Thực hiện chủ trương đó, Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là QUTƯ), Bộ Quốc phòng chấn chỉnh tổ chức lực lượng Quân đội, nhanh chóng kiện toàn hệ thống quản lý, chỉ huy, chỉ đạo bảo đảm kỹ thuật ở cấp chiến lược. Ngày 24-4-1989, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định 130 quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của TCKT. Quyết định ghi rõ: "TCKT là cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng, có chức năng chỉ đạo công tác bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật của LLVT; chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật quân sự...”.

Từ năm 1989 đến nay, TCKT luôn làm tốt chức năng tham mưu với QUTƯ, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân thực hiện tốt CTKT; nổi bật là xây dựng chính quy về CTKT; xây dựng hệ thống kho, xưởng, nhà máy cấp chiến lược, chiến dịch; triển khai thực hiện hiệu quả các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch về CTKT; xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy, tạo hành lang pháp lý đồng bộ và cơ chế chỉ đạo, tổ chức thực hiện CTKT; duy trì hệ số kỹ thuật đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của Quân đội.

Để không ngừng nâng cao chất lượng CTKT trong tình hình mới, theo đề xuất của TCKT, năm 1995, Bộ Quốc phòng ra Chỉ thị 216 phát động toàn quân thực hiện Cuộc vận động “Quản lý, khai thác VKTBKT tốt, bền, an toàn, tiết kiệm”; đến năm 1998 ra Chỉ thị 50 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động; đồng thời sáp nhập Ban chỉ đạo An toàn giao thông và Ban chỉ đạo 50 thành Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Quản lý, khai thác VKTBKT tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông” (gọi tắt là Cuộc vận động 50). Đến nay, qua gần 30 năm thực hiện, Cuộc vận động 50 ngày càng trở thành động lực mạnh mẽ để toàn quân, nhất là ngành kỹ thuật phấn đấu hoàn thành xuất sắc công tác bảo đảm kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Quân đội và các đơn vị trong toàn quân.

Cùng với tham mưu, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt Cuộc vận động 50 và các phong trào thi đua trong ngành kỹ thuật Quân đội, từ năm 1996 đến nay, TCKT đã tham mưu với Bộ Quốc phòng ban hành, sửa đổi Điều lệ CTKT phù hợp với từng giai đoạn phát triển của Quân đội (ngày 19-1-2023, TCKT đã tham mưu với Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 06/2023/TT-BQP về "Điều lệ CTKT Quân đội nhân dân Việt Nam" thay thế Điều lệ năm 2004), bảo đảm cho CTKT thực hiện chính quy, thống nhất trong toàn quân. Đồng thời tham mưu với QUTƯ ban hành các nghị quyết lãnh đạo CTKT, nhất là Nghị quyết 382 ngày 29-11-2007 về lãnh đạo CTKT trong tình hình mới; Nghị quyết 1656 ngày 20-12-2022 về lãnh đạo CTKT đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước còn khó khăn, TCKT đã tham mưu, đề xuất với QUTƯ, Bộ Quốc phòng, chỉ đạo ngành kỹ thuật toàn quân và trực tiếp sửa chữa nâng cấp, tăng hạn, cải tiến, hiện đại hóa số VKTBKT hiện có nhằm kéo dài tuổi thọ; nâng cao tính năng kỹ, chiến thuật; đơn giản hóa điều khiển, vận hành; tiết kiệm nhiên liệu; giảm biên chế cho các kíp chiến đấu và tăng độ tin cậy, an toàn cho người sử dụng... đáp ứng nhu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân đội, tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng.

Nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội theo hướng tinh, gọn, mạnh; xây dựng ngành kỹ thuật Quân đội “vững mạnh, tinh gọn, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả”, TCKT đã tham mưu, đề xuất triển khai nhiều đề án, dự án, chương trình, kế hoạch thực hiện CTKT. Hoàn thành điều chỉnh tổ chức lực lượng kỹ thuật ở cấp chiến thuật, chiến dịch theo kế hoạch. Hệ thống kho tàng toàn quân từng bước được đầu tư, nâng cấp theo hướng chính quy, thống nhất. Đến nay, cơ bản các kho cấp chiến lược, chiến dịch, chiến thuật đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Hệ thống cơ sở sửa chữa trang bị kỹ thuật chính quy, thống nhất, tinh, gọn, mạnh; bảo đảm sửa chữa được các loại trang bị kỹ thuật theo 3 miền (Bắc-Trung-Nam). Quan tâm đầu tư chiều sâu công nghệ cho các nhà máy, trạm xưởng sửa chữa, từng bước tiếp cận bảo dưỡng, sửa chữa trang bị kỹ thuật mới, công nghệ cao, hình thành một số dây chuyền công nghệ hiện đại; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào CTKT để cải tiến, hiện đại hóa, nâng cao khả năng làm chủ, tự sửa chữa trang bị kỹ thuật và năng lực tự sản xuất vật tư kỹ thuật trong nước. Hệ thống các nhà trường kỹ thuật được nâng cấp, đổi mới về nội dung, chương trình, quy trình và phương pháp đào tạo theo hướng hiện đại, bám sát sự phát triển của trang bị kỹ thuật và khoa học-công nghệ. Công tác nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã bám sát nhu cầu thực tiễn, tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới vào giải quyết 3 vấn đề lớn: Bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, niêm cất trang bị kỹ thuật có trong biên chế; cải tiến, hiện đại hóa trang bị kỹ thuật; khai thác, làm chủ trang bị kỹ thuật mới hiện đại.

Ngành kỹ thuật toàn quân đã thực hiện tốt công tác bảo đảm, quản lý trang bị kỹ thuật của lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên. Hoàn thành tốt nhiệm vụ chỉ đạo bảo đảm kỹ thuật kịp thời cho các cuộc diễn tập, tham gia phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ kiểm định xe cơ giới dân sự... được Chính phủ, Bộ Quốc phòng và nhân dân đánh giá cao về trình độ chuyên môn và thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên ngành kỹ thuật Quân đội. Thực hiện tốt hợp tác quốc tế, trọng tâm là các chương trình phối hợp về CTKT; thúc đẩy hợp tác kỹ thuật quân sự với nước ngoài, chú trọng vào chuyển giao công nghệ, cùng nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, thử nghiệm trang bị kỹ thuật, vật tư tại Việt Nam và giúp Quân đội Lào, Campuchia trong bảo đảm kỹ thuật, vận chuyển hàng quân sự, đào tạo cán bộ kỹ thuật... Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào cải cách hành chính quân sự, xây dựng Chính phủ điện tử trong ngành kỹ thuật Quân đội.

Những thành quả đạt được trong 50 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành của TCKT là kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của QUTƯ, Bộ Quốc phòng, sự kết tinh tinh thần “chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường” của tập thể Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục, của toàn thể cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong TCKT nói riêng và ngành kỹ thuật Quân đội nói chung. Trên cơ sở đó, TCKT đã rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu trong lãnh đạo, chỉ huy và chỉ đạo. Trong đó vấn đề có ý nghĩa quyết định là việc thường xuyên giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong mọi hoạt động của Tổng cục. Tập trung xây dựng Tổng cục vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, coi đây là nền tảng bảo đảm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, TCKT luôn quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm và nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ công tác quân sự của Đảng, của Quân đội, biết kết hợp chặt chẽ giữa những vấn đề cấp bách với những vấn đề có tính cơ bản, lâu dài, đề ra các giải pháp đúng đắn trong lãnh đạo, chỉ đạo CTKT toàn quân phù hợp với tình hình thực tiễn.

Bên cạnh đó, động lực quan trọng góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả các mặt hoạt động CTKT là tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường của đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật trong toàn quân. Nhiều năm qua, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị toàn quân luôn quan tâm đến việc xây dựng lực lượng kỹ thuật cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ CTKT trong từng thời kỳ. Đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật có phẩm chất chính trị, có trình độ, năng lực, đủ về số lượng, phù hợp về cơ cấu, đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ, nhất là làm chủ, khai thác, bảo đảm kỹ thuật cho VKTBKT, kể cả các loại VKTBKT thế hệ mới, công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng ngành kỹ thuật Quân đội chính quy, từng bước hiện đại.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/xay-dung-nganh-ky-thuat-quan-doi-vung-manh-tinh-gon-thong-nhat-dong-bo-hieu-qua-793395

  • Từ khóa