Cơ chế thu hút nguồn lực phát triển giao thông xanh

Thứ 3, 17.09.2024 | 09:13:45
456 lượt xem

Cách đây hơn 10 năm, tại Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 13/6/2013 về ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên và môi trường, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) chính thức nêu vấn đề "thí điểm phát triển mô hình kinh tế xanh". Đến nay, xây dựng nền kinh tế xanh, thân thiện môi trường đã được định hướng rõ nét trong chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030.

Xe buýt điện thông minh VinBus do Công ty Vinfast tự nghiên cứu, chế tạo tại Hải Phòng, nhằm mục tiêu hướng đến giao thông công cộng văn minh, giảm ô nhiễm môi trường.

Phát triển giao thông xanh là nền tảng quan trọng để xây dựng nền kinh tế xanh; trong đó, đặt ra yêu cầu xây dựng cơ chế chính sách, thu hút nguồn lực, đổi mới công cụ kinh tế, tiếp cận thị trường về ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Hiện thực hóa mục tiêu giao thông xanh

Triển khai các cam kết của Việt Nam tại COP26, ngày 2/7/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và metan của ngành giao thông vận tải, phát triển giao thông xanh, nhằm đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.

Chương trình đã đưa ra các giải pháp cụ thể cho 5 chuyên ngành giao thông vận tải quốc gia và giao thông đô thị, bao gồm: Phát triển hệ thống đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia điện khí hóa, phát triển cảng xanh và lộ trình chuyển đổi phương tiện sang sử dụng điện và năng lượng xanh.

Trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là giao thông xanh, Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng được tuyến đường sắt đô thị, triển khai hàng trăm xe buýt điện, hàng chục nghìn ô-tô điện đang vận hành. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là kết quả nhỏ bé ban đầu, cần tiếp tục dành nguồn lực, các chính sách để khuyến khích người dân, doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất và sử dụng phương tiện. Vấn đề này có ý nghĩa rất quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 đầy thách thức.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: Phát triển đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, cảng xanh đã được Đảng và Nhà nước xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển thu nhập trung bình cao và năm 2050 là nước phát triển thu nhập cao.

Như vậy, giải pháp nào để vừa thực hiện được mục tiêu tăng trưởng, vừa đạt được mục tiêu giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông vận tải, phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông với hạ tầng năng lượng xanh đang là bài toán rất cần được các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp nghiên cứu, giải đáp".

Theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, nhu cầu phát triển giao thông xanh rất lớn, trong đó hạ tầng hiện nay mới chỉ đề cập về trạm sạc, còn hạ tầng bến cảng, sân bay, đường sắt chưa được nêu lên. Việc huy động nguồn lực để chuyển đổi đồng bộ nhằm đưa về Net-zero như cam kết là thách thức không nhỏ.

Vốn mồi của Nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng cần được tiếp tục khai thông để huy động nguồn lực quốc tế. Đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế đều cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam không chỉ bằng tài chính mà cả kinh nghiệm thực tiễn trong chuyển đổi phương tiện xanh, năng lượng xanh ngành giao thông.

Theo đại diện Liên minh châu Âu (EU), mục tiêu vào năm 2050 của EU là giảm 60% phát thải từ ngành giao thông, được thực hiện qua nhiều phương thức, trong đó sẽ hỗ trợ các quốc gia đang phát triển để hướng tới giao thông xanh. Bà Kathleen A.Whimp, Quyền Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam-Lào-Campuchia khẳng định, WB cam kết hỗ trợ Việt Nam trên chặng đường phát triển giao thông xanh bền vững trong tương lai, từ đó đạt được mục tiêu đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Việc Việt Nam ưu tiên phát triển đường sắt đô thị, xây dựng tàu điện ngầm metro tại Thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn phù hợp để thực hiện mục tiêu nêu trên.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Chủ tịch hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội đã đề xuất chương trình chuyển đổi phương tiện giao thông điện cấp quốc gia với ba giai đoạn gồm: Khởi động (2024-2030), tăng trưởng nhanh (2030-2040) và tăng trưởng ổn định (2040-2050) với các giải pháp chủ đạo riêng gồm xây dựng, hoàn thiện chính sách phát triển xe điện; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hạ tầng lưới điện đáp ứng lộ trình chuyển đổi; tăng cường hợp tác quốc tế và khoa học-công nghệ; cơ chế huy động nguồn lực và phân bổ vốn đầu tư,...

Huy động nhiều nguồn vốn rót vào hạ tầng

Nguyên Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông nhận định, tuy các đối tác đã có cam kết, sẵn sàng nhưng nước ta phải tiếp cận, sử dụng hiệu quả trên cơ sở đáp ứng điều kiện nhất định, làm sao để thu hút tư nhân tham gia vào chuyển đổi phương tiện, năng lượng,… kết hợp các nguồn lực mới đạt được mục tiêu. Khi nguồn lực được khơi thông, việc tổ chức thực hiện rất quan trọng và phải đồng bộ giữa các lĩnh vực để đạt mục tiêu chung, hướng tới Net-zero.

Phó Vụ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông vận tải) Lưu Quang Thìn đánh giá, thời gian qua, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam có những bước nhảy vọt rất đáng ghi nhận với hơn 24.300 km quốc lộ, 2.000 km đường bộ cao tốc, 6.800 km đường thủy nội địa, 2.640 km đường sắt quốc gia, gần 300 bến cảng, 22 cảng hàng không và nhiều công trình quan trọng, quy mô lớn được đầu tư.

Tuy vậy, việc đầu tư vẫn còn nhiều hạn chế như sự mất cân đối giữa các dự án hạ tầng, hầu hết tập trung vào đường bộ, tiếp đến hàng hải, hàng không. Đường sắt mặc dù là phương thức có nhiều ưu điểm nhưng chưa được ưu tiên, coi trọng, qua thời gian dài khai thác đã xuống cấp, lạc hậu; đường sắt đô thị triển khai chậm, chưa giải quyết được tình trạng ùn tắc, ô nhiễm môi trường; đường thủy nội địa chưa phát huy tiềm năng ở khu vực có lợi thế.

Nguyên nhân do xuất phát điểm của nền kinh tế Việt Nam thấp, vốn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông chưa đáp ứng đủ mục tiêu đầu tư. Mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 đã được định hướng rõ: Phát triển hợp lý, bảo đảm cân đối, hài hòa, tận dụng lợi thế của các phương thức vận tải, nâng cao tỷ lệ vận tải hành khách công cộng ở các đô thị lớn.

Với vận tải đường bộ, đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc; tiếp tục đầu tư các tuyến đường cao tốc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, cảng biển, sân bay, cửa khẩu quốc tế có nhu cầu vận tải hàng hóa lớn. Ước tính theo quy hoạch, tổng mức đầu tư các dự án đến năm 2030 vào khoảng 24,8 tỷ USD; đến năm 2050 khoảng 33,64 tỷ USD.

Đường sắt là phương thức có ưu thế vận chuyển khối lượng lớn, an toàn, chi phí hợp lý, giảm ô nhiễm môi trường nên sẽ được chú trọng ưu tiên đầu tư. Bộ Giao thông vận tải tập trung xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao bắc-nam, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh để giảm ùn tắc giao thông, kết nối với tuyến đường sắt tốc độ cao để hình thành mạng lưới vận chuyển hành khách thuận tiện trong cả nước; đầu tư tuyến đường sắt mới, điện khí hóa để kết nối cảng biển quan trọng, kết nối cảng hàng không,... "Theo tính toán, riêng lĩnh vực đường sắt, tổng mức đầu tư các dự án đến năm 2030 khoảng 151,2 tỷ USD (bao gồm cả đường sắt đô thị); đến năm 2050 vào khoảng 312 tỷ USD", ông Thìn cho hay.

Bộ Giao thông vận tải đã nghiên cứu, đề ra một số chính sách huy động nguồn lực đầu tư rót vào hạ tầng giao thông. Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý liên quan, cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng môi trường đầu tư; xây dựng cơ chế để tăng cường phân cấp, phân quyền về cơ sở, tiếp tục rà soát các quy hoạch để định hướng đầu tư; ưu tiên phân bổ vốn ngân sách nhà nước cho các công trình, dự án giao thông không có khả năng thu hồi vốn hoặc khó có khả năng thu hút vốn từ các thành phần kinh tế,...

Bộ cũng huy động vốn từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng giao thông với các ưu đãi cao nhất; tiếp tục thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ quốc tế để đầu tư các công trình lớn có sức lan tỏa; khai thác hiệu quả nguồn lực từ tài sản kết cấu hạ tầng; nghiên cứu, xây dựng các cơ chế huy động các nguồn lực đầu tư phù hợp đặc thù từng chuyên ngành giao thông, có tính cạnh tranh quốc tế.

Đồng thời, xây dựng và công bố danh mục các dự án phát triển hạ tầng giao thông kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP và đầu tư nước ngoài giai đoạn đến năm 2030 và sau năm 2030.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/co-che-thu-hut-nguon-luc-phat-trien-giao-thong-xanh-post831323.html

  • Từ khóa