“Hút” vốn xã hội hóa đầu tư trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc

Thứ 3, 17.09.2024 | 14:49:05
502 lượt xem

Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt mạng trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc bắc-nam phía đông với tổng số 36 trạm, trong đó có 21 trạm chưa xây dựng. Các trạm này hiện đã và đang được triển khai xây dựng theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Đây chính là một kênh thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư vào ngành giao thông đem lại hiệu quả tiết kiệm ngân sách Nhà nước, đồng thời cũng nâng cao dịch vụ nhờ có nhiều đơn vị chuyên nghiệp, có kinh nghiệm quản lý, vận hành trạm dừng nghỉ.

Phó Cục trưởng Đường cao tốc Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) Nguyễn Quang Giang.

Ông Nguyễn Quang Giang, Phó Cục trưởng Đường cao tốc Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) đã trao đổi với Báo Nhân Dân một số ý kiến về vấn đề này.

PV: Thưa ông Nguyễn Quang Giang, xin ông đánh giá vài nét về tiến độ triển khai các trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc bắc-nam phía đông?

Ông Nguyễn Quang Giang: Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt mạng trạm dừng nghỉ trên cao tốc bắc-nam phía đông với 36 trạm được cập nhật, trên cơ sở bao gồm cả các trạm đã đưa vào khai thác sử dụng và các trạm thuộc các dự án đầu tư trước đây. Trong đó, các dự án thành phần trên tuyến cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 1 (2017-2020) và giai đoạn 2 (2021-2025) có 21 trạm dừng nghỉ chưa được đầu tư.

Hiện nay, có 8 trạm dừng nghỉ đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư, ký hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh và đang triển khai thực hiện, 13 trạm đang tổ chức mời thầu lựa chọn nhà đầu tư (gồm 2 trạm dừng nghỉ thuộc giai đoạn 1 và 11 trạm thuộc giai đoạn 2), sẽ hoàn thành vào năm 2025.

“Hút” vốn xã hội hóa đầu tư trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc ảnh 1

Tiến độ thực hiện 8 trạm dừng nghỉ sẽ hoàn thành toàn bộ trong thời gian từ 15-18 tháng, đồng thời phấn đấu hoàn thành cơ bản các công trình dịch vụ công thiết yếu (khu vệ sinh, bãi đỗ xe) trước ngày 31/12/2024.

Theo hợp đồng được ký, tiến độ thực hiện 8 trạm dừng nghỉ sẽ hoàn thành toàn bộ trong thời gian từ 15-18 tháng, đồng thời phấn đấu hoàn thành cơ bản các công trình dịch vụ công thiết yếu (khu vệ sinh, bãi đỗ xe) trước ngày 31/12/2024 để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, phương tiện.

PV: Được biết, 8 trạm đã lựa chọn được nhà đầu tư, kinh phí kêu gọi xã hội hóa khoảng 1.000 tỷ đồng. Các trạm dừng nghỉ kêu gọi xã hội hóa đã tiết kiệm chi phí cho Nhà nước và tạo hành lang thu hút thêm kênh huy động vốn. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của việc xã hội hóa trạm dừng nghỉ?

Ông Nguyễn Quang Giang: Đối với 8 trạm đã lựa chọn nhà đầu tư, nhà đầu tư sẽ đầu tư xây dựng trạm bằng vốn chủ sở hữu và vốn vay với giá trị khoảng 2.180 tỷ đồng, ngoài giá trị nhà đầu tư đề xuất nộp ngân sách nhà nước 975 tỷ đồng. Đối với các dịch vụ tại trạm, nhà đầu tư sẽ cung cấp các dịch vụ công và dịch vụ thương mại, trong đó dịch vụ công (bãi đậu xe, khu vệ sinh, không gian nghỉ ngơi,…) miễn phí. Như vậy, xét về mặt tổng thể, việc đầu tư xã hội hóa các trạm dừng nghỉ là phù hợp và hiệu quả, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước do Nhà nước không phải bỏ kinh phí đầu tư mà còn thu được tiền nộp ngân sách.

“Hút” vốn xã hội hóa đầu tư trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc ảnh 2

Tại 13 trạm dừng nghỉ hiện nay đang tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, giá trị vốn đầu tư dự kiến sơ bộ khoảng 4.350 tỷ đồng. Đối với giá trị nộp ngân sách Nhà nước, do các nhà đầu tư chủ động tính toán phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội từng khu vực, dự báo nhu cầu vận tải của từng dự án, điều kiện của doanh nghiệp để đề xuất giá trị bỏ thầu nộp ngân sách Nhà nước. Do vậy, việc dự kiến kinh phí thu hút xã hội sẽ phụ thuộc vào kết quả lựa chọn nhà đầu tư, chưa thể xác định hay dự kiến cụ thể.

PV: Với các trạm dừng nghỉ đã và đang triển khai, có gặp phải khó khăn, vướng mắc gì không, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Giang: Hiện nay, công tác triển khai 8 trạm dừng nghỉ đang được các nhà đầu tư tiếp cận hiện trường, thực hiện các công việc chuẩn bị để có thể triển khai khởi công xây dựng ngay khi đủ điều kiện cần thiết (tổ chức xây dựng lán trại, huy động, tập kết đầy đủ máy móc, thiết bị, nhân lực, vật liệu thi công,…); phối hợp với các ban quản lý dự án, các cơ quan, đơn vị liên quan của địa phương để tiếp nhận bàn giao mặt bằng, tổ chức triển khai thi công, đáp ứng tiến độ hoàn thành xây dựng các dự án.

“Hút” vốn xã hội hóa đầu tư trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc ảnh 3

Các đơn vị thi công san gạt, thi công trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết.

Để đạt được các mốc tiến độ nêu trên, công tác phối hợp của địa phương trong việc triển khai thực hiện dự án là hết sức quan trọng, đặc biệt là giải phóng mặt bằng để sớm có công địa thi công dự án. Bộ Giao thông vận tải cũng đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai đề nghị chỉ đạo các đơn vị liên quan của địa phương phối hợp với các cơ quan của Bộ Giao thông vận tải và nhà đầu tư, triển khai thực hiện đầu tư xây dựng 8 công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc bắc-nam phía đông.

Trong 13 trạm dừng nghỉ đang mời thầu, có 11 trạm dừng nghỉ thuộc các dự án thành phần đường cao tốc bắc-nam giai đoạn 2, theo kế hoạch dự kiến mở thầu trong tháng 9 này. Tuy nhiên, hiện tại các Ban Quản lý dự án đang gia hạn thời gian mở thầu để cập nhật tổng mức đầu tư xây dựng theo công bố suất vốn đầu tư mới của Bộ Xây dựng. Các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư phải bảo đảm tuân thủ quy định về thời gian mời thầu. 

Sau khi mở thầu, các Ban Quản lý dự án và Cục Đường cao tốc Việt Nam sẽ phấn đấu hoàn thành sớm nhất công tác lựa chọn nhà đầu tư, triển khai xây dựng các công trình trạm dừng nghỉ cơ bản hoàn thành các công trình dịch vụ công thiết yếu (bãi đỗ xe, khu vệ sinh,...) khi các dự án thành phần đường cao tốc đưa vào khai thác.

PV: Quá trình đấu thầu và lựa chọn nhà thầu, dù có nhiều nhà đầu tư tham gia ứng tuyển nhưng theo kết quả công bố của Cục Đường cao tốc Việt Nam, đã xuất hiện một số liên danh nhà thầu trúng nhiều trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc bắc-nam. Vậy, việc lựa chọn nhà đầu tư được Cục Đường cao tốc Việt Nam thực hiện như thế nào, liệu có bảo đảm lựa chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực, tuân thủ đúng quy định pháp luật, công khai, minh bạch hay không, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Giang: Việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện, tuân thủ theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn liên quan. Theo đó, Cục Đường cao tốc Việt Nam và các Ban quản lý dự án đã thực hiện đầy đủ các bước gồm công bố danh mục dự án, phê duyệt danh mục dự án, thực hiện thủ tục mời quan tâm và thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. Hồ sơ mời quan tâm và hồ sơ mời thầu đều được phát hành công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư quan tâm và tham dự thầu.

Các nhà đầu tư được lựa chọn đã được tổ chuyên gia, bên mời thầu đánh giá đáp ứng các quy định về năng lực kinh nghiệm, tài chính và có phương án đầu tư xây dựng, kinh doanh khai thác phù hợp. Như vậy, có thể khẳng định rằng việc lựa chọn nhà đầu tư luôn bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật, công khai, minh bạch.

“Hút” vốn xã hội hóa đầu tư trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc ảnh 7

Một trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc bắc-nam phía đông được đầu tư xây dựng.

Mặt khác, hồ sơ mời thầu quy định nhà đầu tư phải kê khai số liệu tài chính cho các công trình dự kiến tham gia, quá trình đánh giá của bên mời thầu và đơn vị thẩm định đều xem xét trên cơ sở tổng thể về vốn chủ sở hữu, đáp ứng các quy định của hồ sơ mời thầu. Qua đó, khi phê duyệt kết quả trúng thầu, các nhà đầu tư, các cơ quan chức năng đã xét đến năng lực tài chính để thực hiện toàn bộ các công trình dự kiến trúng thầu trước khi phê duyệt để bảo đảm đầu tư và duy trì chất lượng dịch vụ trạm dừng nghỉ theo quy định.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/hut-von-xa-hoi-hoa-dau-tu-tram-dung-nghi-tren-cac-tuyen-cao-toc-post831393.html

  • Từ khóa