Miền Bắc vẫn khan hiếm rau xanh ở chợ

Thứ 5, 19.09.2024 | 14:37:59
353 lượt xem

Giá rau xanh ở nhiều chợ hiện cao gấp 2-3 lần so với trước bão số 3, điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết sớm khôi phục vùng sản xuất

Nếu trước bão số 3 và mưa lũ, một bó rau muống trên địa bàn TP Hà Nội có giá khoảng 5.000 - 10.000 đồng nhưng nay lên tới 20.000 - 30.000 đồng và chưa có dấu hiệu giảm do nguồn cung vẫn khan hiếm.

Giá tăng 2-3 lần

Khảo sát ngày 18-9, giá rau xanh ăn tại các chợ trên địa bàn TP Hà Nội đang duy trì mức cao hơn 2-3 lần so với trước bão. Không chỉ rau muống, rau mồng tơi hiện có giá đến 20.000 đồng/bó 500 g, rau cải 40.000 đồng/kg, bắp cải 25.000 - 30.000 đồng/kg; các loại rau thơm như mùi, hành lá 100.000 - 200.000 đồng/kg.

Tại chợ Hoàng Mai (quận Hoàng Mai), chị Hạnh Nguyên, một tiểu thương, cho biết sau bão nhập rau xanh rất khó khăn do nguồn cung ở phía Bắc khan hiếm, thậm chí có thời điểm khan hàng. "Rau nhập về mẫu mã không đẹp do mưa lũ, giá lại rất cao. Tôi phải nhiều lần giải thích với khách do đầu mối bán cao nên phải điều chỉnh giá. Với tình hình giá cao như vậy, thú thật tôi rất sợ mất khách, sợ họ nghĩ mình đang nâng khống kiếm lời" - chị Nguyên cho biết.

Giá rau xanh trong các hệ thống siêu thị lớn được cam kết bình ổn nhưng cũng ở mức khá cao từ 20.000 - 40.000 đồng/kg, tùy loại.

Giá rau xanh bán ngoài chợ giá cao hơn 2-3 lần so với trước bão Ảnh: THÙY LINH

Giá rau xanh bán ngoài chợ giá cao hơn 2-3 lần so với trước bão .Ảnh: THÙY LINH

Tuy nhiên, một số hệ thống phân phối lớn (có điểm bán ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc) cho biết nhu cầu hàng hóa, trong đó có các mặt hàng rau củ quả, trái cây, hàng tươi sống tại thị trường miền Bắc đã giảm nhiệt so với cao điểm tuần trước. Các hệ thống cũng đã giảm lượng hàng cung ứng tăng cường cho miền Bắc, chỉ còn bằng 50% so với tuần trước. 

"Giá các mặt hàng, đặc biệt là hàng rau củ quả, vẫn được bán với giá ổn định. Chúng tôi kiên quyết giữ ổn định giá và yêu cầu các nhà cung cấp phối hợp bình ổn giá để hỗ trợ người tiêu dùng trong giai đoạn đặc biệt khó khăn này" - ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc Marketing hệ thống MM Mega Market, thông tin.

Một hệ thống phân phối khác cho biết trong hơn 240 mã hàng rau củ quả đang bán trên thị trường (bao gồm thị trường miền Bắc), chỉ có 29 mã hàng đang được nhà cung cấp ở Lâm Đồng đề nghị tăng giá. Lý do tăng giá hoàn toàn khách quan và thuyết phục nên hệ thống đang xem xét thời điểm áp dụng.

Ưu tiên gieo trồng rau ngắn ngày

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Mạnh Hồng, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (huyện Thanh Trì), cho hay trước bão, HTX cung cấp cho các hệ thống phân phối, đầu mối từ vài chục tới cả trăm kg rau, củ quả mỗi ngày. Tuy nhiên, sau bão HTX không còn hàng để bán. "Bão đã gây hư hại, sập hết nhà màng, nhà lưới của các xã viên. Nhiều lứa rau, quả sắp đến kỳ thu hoạch bị dập nát, hư hỏng. Ước tính thiệt hại lên tới 3 tỉ đồng" - ông Hồng chia sẻ.

Cũng theo ông Hồng, HTX Đức Phát đang thuê thợ làm lại hệ thống nhà màng, dọn dẹp vườn; sau đó sẽ gieo trồng các loại rau ngắn ngày như rau cải, súp lơ, su hào, cà chua… cho vụ đông.

Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), bão số 3 và mưa lũ đã làm 50.612 ha hoa màu bị ngập úng và 38.104 ha cây ăn quả bị hư hại, gây thiệt hại khoảng 1.250 tỉ đồng. Cùng với đó, giao thông đi lại khó khăn khiến một số mặt hàng thực phẩm khan hiếm và giá tăng.

Đối với rau màu, Cục trưởng Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương chủ động kiểm tra, tiêu thoát nước kịp thời, vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị đất, hạt giống để gieo trồng với những diện tích không có khả năng phục hồi, ưu tiên những loại rau ăn lá, rau ngắn ngày, rau ưa nước để cung cấp rau kịp thời cho thị trường khi giáp vụ. "Theo nhu cầu thị trường và điều kiện cụ thể, trước mắt, chúng ta gieo trồng cây ngắn ngày, rau ăn lá. Những loại này, chỉ khoảng 25-30 ngày sẽ cho thu hoạch" - ông Cường khuyến nghị.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phía Bắc chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, lũ, ngập theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm cung ứng đủ các mặt hàng thiết yếu; vận động, giám sát, yêu cầu các đơn vị kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng vật liệu xây dựng, vật tư sửa chữa, mặt hàng sách giáo khoa, thuốc chữa bệnh, máy phát điện, dụng cụ tích điện, tích nước… cam kết bình ổn giá hàng hóa.

Vụ Thị trường trong nước thực hiện công tác điều tiết hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố đang bị ảnh hưởng của mưa, lũ với các tỉnh, thành phố khác (ưu tiên việc điều tiết hàng hóa cung ứng từ miền Trung và miền Nam). Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường công tác giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng ảnh hưởng của cơn bão số 3 để đầu cơ, găm hàng, tăng giá. 


Theo nld.com.vn

https://nld.com.vn/mien-bac-van-khan-hiem-rau-xanh-o-cho-196240918200005168.htm

  • Từ khóa