Trả lời bạn xem truyền hình ngày 24/12/2024

Thứ 3, 24.12.2024 | 09:33:19
110 lượt xem

Thưa quý vị và các bạn! Trong chuyên mục tuần này chúng tôi xin được giải đáp những vướng mắc về pháp luật qua đơn thư chúng tôi đã tổng hợp được trong tuần qua như sau:

Câu 1. Ông Triệu Ngọc Thắng trú tại phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn hỏi: Quy định hủy bỏ hợp đồng đã được công chứng được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 5 Luật công chứng năm 2014 thì văn bản công chứng có giá trị pháp lý như sau:

  - Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.

  -  Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.

 - Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.

Trường hợp, nếu bên nào không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, thì bên khác còn lại có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết tuyên bố hợp đồng đã giao kết và đã được công chứng đó vô hiệu, nếu rơi vào các trường hợp giao dịch vô hiệu theo quy định từ Điều 122 – 130 Bộ luật dân sự năm 2015, cụ thể: Vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội; Vô hiệu do giả tạo; Vô hiệu do  người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện; Vô hiệu do bị nhầm lẫn; Vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; Vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ hành vi của mình; Vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức hợp đồng; Vô hiệu do hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được.

Trường hợp, nếu các bên trong hợp đồng đã công chứng cùng thống nhất muốn hủy bỏ hợp đồng thì các bên sẽ tiến hành thủ tục “công chứng việc hủy bỏ hợp đồng, giao dịch” theo quy định tại Điều 51 Luật công chứng năm 2014, khi các bên nhất trí hủy bỏ hợp đồng đã công chứng thì sẽ tiến hành như sau:

- Tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó phải có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản về việc hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã công chứng.

- Việc công chứng hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó và do công chứng viên tiến hành. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện hủy bỏ hợp đồng, giao dịch.

- Thủ tục công chứng việc hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện như thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch.

Như vậy: Khi các bên trong hợp đồng, giao dịch đã được công chứng không thực hiện nghĩa vụ của mình thì có thể yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng đó vô hiệu hoặc nếu các bên cùng thống nhất không tiếp tục thực hiện hợp đồng đã được công chứng thì có thể yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng tiến hành thủ tục công chứng việc hủy bỏ hợp đồng đã được công chứng đó.


Câu 2. Ông Hoàng Quốc Khánh, trú tại xã Hoa Thám, huyện Bình Gia hỏi: Quy định về tiêu chí, đối tượng, điều kiện lựa chọn người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được nhà nước quy định như thế nào?

Trả lời:

Người có uy tín có vai trò là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân địa phương trên các lĩnh vực: tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng. Tại Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg ngày 23/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ, sửa đổi, bổ sung Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg quy định tiêu chí, đối tượng, điều kiện lựa chọn; thủ tục công nhận và đưa ra khỏi danh sách người có uy tín như sau:

Tiêu chí, đối tượng lựa chọn người có uy tín

- Là công dân Việt Nam, không phân biệt thành phần dân tộc, cư trú hợp pháp tại các thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;

- Bản thân và gia đình gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương;

- Là người tiêu biểu, có nhiều công lao, đóng góp trong các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết các dân tộc;

- Hiểu biết về văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán dân tộc; có mối liên hệ chặt chẽ và có ảnh hưởng trong dòng họ, dân tộc và cộng đồng dân cư;

- Có khả năng tuyên truyền, vận động, nắm bắt, xử lý thông tin và quy tụ, tâp hợp đồng bào dân tộc thiểu số trong phạm vi nhất định bằng lời nói, qua việc làm, cách ứng xử; được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo.

Điều kiện, số lượng lựa chọn, công nhận người có uy tín

- Mỗi thôn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi hoặc thôn của xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được lựa chon, công nhận 01 (một) người có uy tín;

- Trường hợp thôn thành lập mới do sáp nhập các thôn, kể từ ngày 15/01/2024, thì Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định số lượng người có uy tín được lựa chọn, công nhận nhưng không quá tổng số thôn được sáp nhập.

Thủ tục công nhận người có uy tín

Trưởng thôn tổ chức họp thôn (có sự tham gia của ít nhất 2/3 số hộ gia đình trong thôn) để phổ biến về nội dung chính sách, tiêu chí, điều kiện, số lượng và đề cử danh sách lựa chọn người có uy tín gửi Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn;

- Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn tổ chức họp liên tịch (có sự tham gia của đại diện Chi ủy, chính quyền, Ban công tác Mặt trận, các tổ chức đoàn thể và đại diện hộ dân trong thôn), lập văn bản đề nghị kèm theo biên bản họp liên tịch thôn gửi Ủy ban nhân dân cấp xã;

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của thôn, Ủy ban nhân dân cấp xã tổng hợp, kiểm tra, lập văn bản đề nghị kèm theo biên bản kiểm tra, gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện;

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ văn bản đề nghị kèm theo biên bản kiểm tra của các xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp, kiểm tra và lập hồ sơ gửi xin ý kiến của Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh;

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của các huyện, Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát và có văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện.

- Chậm nhất sau 10 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản thống nhất của Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định công nhận người có uy tín trên địa bàn huyện và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (qua Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh) kết quả thực hiện để theo dõi, chỉ đạo.


Nhắn tin: 

Trong tuần vừa qua chúng tôi cũng đã nhận được câu hỏi của ông Nguyễn Tuấn Dự trú tại thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng, ông có hỏi là hiện nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã ban hành chính sách mới về việc hỗ trợ kinh phí cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, nghỉ việc do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và trường hợp của ông có được hưởng trợ cấp không?

Hiện nay tỉnh chưa ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 01/2020/NQ-HĐND ngày 30/3/2020 về Quy định về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính; sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố và sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. 

Trường hợp của ông là cán bộ được tuyển dụng vào cơ quan, đơn vị công tác không thuộc diện dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã nên không được hưởng chế độ chính sách.

  • Từ khóa