Với sức công phá cao và rất khó bắn hạ, bom lượn đang được Nga sử dụng như một vũ khí tối ưu trên chiến trường Ukraine.
Bom lượn có thể được phóng đi từ máy bay chiến đấu Su-34 của Nga (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).
Mặc dù là một trong những vũ khí thô sơ và có số lượng nhiều nhất trong kho vũ khí của Không quân Nga nhưng ngay cả các hệ thống phòng không tinh vi nhất phương Tây cung cấp cho Ukraine vẫn rất khó đối phó với mối đe dọa mà chúng gây ra. Đó chính là bom lượn.
Vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn khi Nga tiếp tục cải tiến và hiệu chỉnh kho bom lượn của mình bằng cách gia tăng phạm vi tấn công cũng như sức mạnh phá hủy của chúng.
Bom lượn là gì?
Bom lượn là một loại bom tiêu chuẩn cải tiến, có cánh, thả từ trên không và thường có hệ thống định vị vệ tinh dẫn đường nên có thể phóng từ khoảng cách xa, thay vì trực tiếp ngay phía trên mục tiêu.
Chúng có nguồn gốc từ thời Thế chiến II và đã được sử dụng trong các cuộc xung đột sau đó, gồm cả Iraq và Afghanistan.
Bom lượn của Nga hiện nay thường là loại bom hạng nặng FAB thời Liên Xô được nâng cấp với mô-đun lập kế hoạch và hiệu chỉnh thống nhất (UMPK) cho phép nó phóng lướt đến mục tiêu. Moscow hiện cũng đang phát triển các phiên bản chuyên dụng mới hơn.
Các lực lượng Nga sử dụng nhiều kích cỡ bom lượn khác nhau, có loại nặng 250kg, 500kg và 1.000kg. Loại mạnh nhất trong kho vũ khí của Nga là bom lượn FAB-3000, nặng 3.000kg, và có sức công phá cực mạnh. Tháng 3/2024, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã đưa FAB-3000 vào sản xuất hàng loạt.
Đến tháng 7/2024, Moscow công bố đoạn phim ghi lại cảnh một quả bom lượn FAB-3000 lần đầu tiên được thả xuống lãnh thổ Ukraine, đồng thời tuyên bố nó có sức mạnh chiến đấu "không ai dám phớt lờ".
Một điểm quan trọng nữa là, quá trình chuyển đổi từ một "quả bom câm" không điều khiển thành bom lượn có giá rất rẻ. Mỗi lần chuyển đổi như vậy chỉ tốn khoảng 20.000 USD, ít hơn nhiều so với tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo vốn tốn hàng triệu USD để sản xuất.
Các lực lượng Nga bắt đầu sử dụng bom lượn ở Ukraine từ đầu năm 2023 để bù đắp cho tình trạng thiếu đạn dẫn đường chính xác. Theo số liệu thống kê của Ukraine, Nga đã thả hàng trăm quả mỗi tuần.
Bom lượn phát huy hiệu quả tốt nhất với các mục tiêu tĩnh, gồm cầu cống, sở chỉ huy, boongke và kho vũ khí. Nga đã sử dụng rất hiệu quả loại vũ khí này trên tiền tuyến khi tiến công ở miền đông Ukraine.
"Mặc dù còn thiếu sót và gặp phải nhiều vấn đề nhưng Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga (VKS) đang tích cực học hỏi và điều chỉnh chiến thuật của mình trong môi trường chiến đấu liên tục thay đổi", Federico Borsari, một thành viên của Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu (CEPA) cho biết.
Một quả bom lượn FAB-1500 gắn mô-đun UMPK (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).
Tại sao bom lượn lại nguy hiểm?
Bom lượn có sức công phá cao và cực kỳ khó bắn hạ.
"Không giống như tên lửa, bom lượn không có hệ thống đẩy, vì vậy chúng không sinh ra nhiều nhiệt nên rất khó bị đánh chặn bởi các tên lửa dẫn đường hồng ngoại như AIM-9 Sidewinder hoặc FIM-92 Stinger", Jacob Parakilas, trưởng nhóm nghiên cứu quốc phòng, an ninh và tư pháp của tập đoàn RAND tại châu Âu phân tích.
Ông Parakilas khẳng định, "bom lượn về cơ bản không bị đánh chặn bởi các tên lửa dẫn đường hồng ngoại".
Theo ông Parakilas, các loại súng phòng không như Gepard do Đức sản xuất có hiệu quả hơn trong việc bắn hạ bom lượn nhưng tầm bắn lại ngắn khiến chúng không phát huy nhiều tác dụng ở tiền tuyến Ukraine.
"Tầm bắn hạn chế của các hệ thống này có nghĩa là chúng phải được triển khai ở ngay trên đầu mục tiêu, đồng thời có thể xác định và khai hỏa trong một khoảng thời gian rất ngắn. Điều này rất khó, ngay cả khi có đủ số lượng các hệ thống đó", ông Parakilas nói.
Tầm tấn công của bom lượn cũng cho phép các máy bay chiến đấu Nga phóng chúng tránh xa tầm đánh chặn của các hệ thống phòng không tiên tiến của Ukraine như tên lửa Patriot do Mỹ cung cấp.
Đầu năm 2024, Ukraine từng bắn hạ thành công một số loại máy bay quân sự của Nga được sử dụng để phóng bom lượn.
Tuy nhiên, việc bố trí các hệ thống phòng không quá gần tiền tuyến là rất rủi ro, nhất là sau khi lực lượng Nga được cho là đã phá hủy hai bệ phóng Patriot ở Donetsk.
"Nga có thể khai thác các lỗ hổng trong hệ thống phòng không của Ukraine vốn đang phải dàn trải để bảo vệ một vùng lãnh thổ rất rộng lớn", ông Borsari cho biết.
Một vụ phóng bom lượn từ máy bay bay Su-34 (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).
Nga phát triển bom lượn thành vũ khí tối ưu ở Ukraine
Nga liên tục nâng cấp bộ phận dẫn đường UMPK để tăng tầm bắn và độ chính xác của bom lượn.
Thời điểm tháng 5/2024, một số chuyên gia cho rằng tầm phóng của bom lượn mà Nga đang sử dụng không vượt quá 50-60km. Tuy nhiên, trong những tháng sau đó, các mẫu cải tiến mới hơn có thể bay tới 90km, khiến nhiều mục tiêu ở Ukraine rơi vào tầm phá hủy của chúng.
Các chuyên gia theo dõi chiến sự đặc biệt chú ý tới một loại bom lượn mới được Quân đội Nga sử dụng ở Ukraine, đó là hệ thống UMPB-D-30SN trang bị cho máy bay Su-34 Fullback.
Với thiết kế cánh đuôi hình chữ thập và cánh chính có thể gập lại nằm ngang bằng với thân máy bay, D-30SN là bước cải tiến đáng kể trong các loại vũ khí dẫn đường chính xác của Nga.
Nhờ trang bị động cơ đẩy riêng và mô-đun lập kế hoạch và hiệu chỉnh thống nhất (UMPK) thế hệ mới, bom lượn D-30SN có tầm hoạt động lớn hơn so với bom trọng lực thông thường.
Chúng cũng thường được trang bị ăng-ten Kometa giúp ổn định tín hiệu liên lạc vệ tinh và đặc biệt chống lại các biện pháp đối phó tác chiến điện tử.
Ukraine tìm cách đối phó
Theo các chuyên gia, thay vì ngắm mục tiêu vào bom lượn đang bay thì lựa chọn tốt nhất với Ukraine là nhắm thẳng vào máy bay mang vác chúng cũng như vào các cơ sở sản xuất và lưu trữ trước khi chúng được triển khai sử dụng.
"Các đồng minh của Ukraine nên đẩy mạnh ưu tiên đào tạo đội ngũ phi công lái tiêm kích F-16 để họ góp phần đẩy lùi các máy bay phản lực thả bom lượn của Nga ", ông Parakilas cho biết.
Máy bay F-16 bay trình diễn trong ngày thành lập Không quân Ukraine ngày 4/8/2024 (Ảnh: Getty Images).
"Việc bổ sung thêm các máy bay tác chiến phòng không khác, chẳng hạn như Mirage 2000 của Pháp và Gripen của Thụy Điển, cũng sẽ rất hữu ích, cho dù mỗi loại máy bay đòi hỏi Ukraine phải đầu tư cải tiến cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng hỗ trợ", ông Parakilas nói thêm.
Chiến dịch tấn công bằng máy bay không người lái tầm xa của Ukraine được cho là đã đạt một số thành công khi nhắm vào các địa điểm mà Nga cất trữ bom FAB. Thế nhưng, Ukraine hiện nay không thể nào phá hủy nhanh hơn tốc độ sản xuất của Nga.
"Về dài hạn, một khả năng khác là sử dụng vũ khí năng lượng định hướng, chẳng hạn như laser. Đây là những vũ khí đang được phát triển và thử nghiệm ở nhiều quốc gia như một biện pháp đối phó hiệu quả về mặt chi phí đối với các mối đe dọa trên không", Mattias Eken, chuyên gia quốc phòng và an ninh tại RAND châu Âu cho biết.
Tuy nhiên, việc triển khai rộng rãi các loại vũ khí như vậy vẫn còn rất xa vời, trong khi đó, ngày càng có nhiều thị trấn và thành phố của Ukraine có khả năng nằm trong tầm bắn của bom lượn mà Nga đang không ngừng phát triển.
Theo dantri.com.vn