Toàn cầu trả giá đắt vì chiến tranh lạnh công nghệ Mỹ - Trung

Thứ 7, 24.10.2020 | 11:03:43
1,155 lượt xem

Cuộc xung đột giáng đòn mạnh lên ngành viễn thông và bán dẫn tại cả hai quốc gia, nhưng hậu quả còn đang lan ra rộng hơn thế.

Vài năm gần đây, Mỹ liên tục tấn công các hãng công nghệ Trung Quốc, từ ZTE, Huawei đến gần đây nhất là ByteDance, Tencent và SMIC. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã chặn các công ty hàng đầu Trung Quốc tiếp cận thị trường Mỹ và ngăn công ty Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc. Các công ty ước tính chi phí đội thêm hàng tỷ USD, vì nhiều lý do từ mất mối kinh doanh đến tìm hàng thay thế thiết bị viễn thông Trung Quốc.

Quan chức và cựu quan chức Mỹ cho rằng các chi phí phát sinh là xứng đáng trong dài hạn. Họ lý giải biện pháp mạnh tay với các hãng thiết bị viễn thông Mỹ sẽ bảo vệ được sự dân chủ trước nguy cơ bị Bắc Kinh do thám thông tin.

Họ cũng cho rằng biện pháp kiềm chế xuất khẩu của Mỹ - vốn đang khiến các hãng chip hàng đầu Trung Quốc khó sản xuất thiết bị tiên tiến - sẽ tạo ra thị trường bán dẫn toàn cầu công bằng hơn, bù lại các hỗ trợ bất công mà Bắc Kinh dành cho hãng chip nước này. Bên cạnh đó, các hãng chip Mỹ sẽ không phải hạ giá để cạnh tranh với đối thủ Trung Quốc nữa, đồng nghĩa họ sẽ có thêm tiền để chi cho nghiên cứu và phát triển trong dài hạn.

Huawei hiện là nạn nhân lớn nhất trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung. Ảnh: AP

Huawei hiện là nạn nhân lớn nhất trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung. Ảnh: AP

Các công ty khác cũng có thể hưởng lợi từ xung đột này. Các hãng công nghệ bên ngoài được coi là trung lập, như Samsung Electronics (Hàn Quốc), Ericsson (Thụy Điển) và Nokia (Phần Lan), có thể tăng thị phần. Và nếu ByteDance bán mảng kinh doanh của TikTok tại Mỹ cho Oracle và Walmart, công ty này sẽ có tiền, trong khi doanh nghiệp Mỹ có phần tại nền tảng truyền thông xã hội hot nhất thế giới.

Dù vậy, chiến tranh lạnh công nghệ Mỹ - Trung rõ ràng đang đảo lộn ngành công nghệ hai nước, gây gián đoạn hoạt động của các đại gia sản xuất phần cứng, các hãng thiết kế chip và thậm chí các dịch vụ truyền thông xã hội. Gánh hậu quả nặng nhất là ngành viễn thông và bán dẫn. Hậu quả lan truyền cũng đang dần trở nên rõ ràng, khi các hành động của Bắc Kinh và Washington tác động đến cả vùng nông thôn châu Mỹ, châu Âu và nhiều ngóc ngách khác trên thế giới.

Hậu quả cũng có thể nặng nề hơn. Ví dụ trường hợp Trung Quốc đáp trả bằng cách tăng rào cản với các hãng công nghệ Mỹ, như Apple hay Qualcomm - các công ty vẫn đang coi Trung Quốc là thị trường quan trọng.

WSJ đã phân tích tác động của chiến tranh lạnh công nghệ Mỹ - Trung lên ngành viễn thông và bán dẫn, cả hiện tại lẫn tương lai.

Viễn thông

Đến nay, nạn nhân lớn nhất của xung đột này là Huawei Technologies - công ty Trung Quốc thành công nhất trên thị trường quốc tế. Lệnh hạn chế xuất khẩu của Mỹ đã cắt đứt phần lớn chuỗi cung ứng của Huawei. Washington cũng vận động các nước đồng minh tại châu Âu và nhiều nơi khác (dù chưa mấy thành công) về việc cấm Huawei tham gia mạng 5G tại các nước này.

Mỹ cho rằng Bắc Kinh có thể buộc công ty này do thám hoặc tấn công mạng. Cả Huawei và chính phủ Mỹ đều phủ nhận điều này.

Với doanh số 123 tỷ USD năm ngoái, Huawei hiện là hãng sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới và cũng là một trong những hãng smartphone lớn nhất. Tuy nhiên, Phó chủ tịch Guo Ping gần đây cho biết mục tiêu của hãng hiện là "tồn tại" sau khi Mỹ đe dọa đến nguồn cung chip sử dụng công nghệ Mỹ mà Huawei rất cần để sản xuất phần cứng. Một người phát ngôn của công ty cho biết họ sẽ không ước tính thiệt hại tài chính từ lệnh kiểm soát xuất khẩu của Mỹ cho đến năm tới.

Guo cho biết mảng tiêu dùng (gồm smartphone) chịu thách thức lớn nhất. Mảng thiết bị viễn thông cũng đang gặp nguy hiểm.

Dĩ nhiên, vấn đề của Huawei không chỉ tác động đến mỗi công ty này. Nhiều doanh nghiệp khác tại Mỹ, châu Âu và châu Á thiết kế hoặc sản xuất chip cho Huawei cũng bị ảnh hưởng. Huawei cho biết họ chi hơn 11 tỷ USD mỗi năm để mua linh kiện Mỹ.

Trung Quốc là thị trường quan trọng cho chip của Qualcomm. Ảnh: Bloomberg

Trung Quốc là thị trường quan trọng cho chip của Qualcomm. Ảnh: Bloomberg

Tại Anh, chính phủ cho biết việc Mỹ gây gián đoạn chuỗi cung ứng của Huawei khiến họ càng khó đánh giá mức độ bảo mật trong các thiết bị của hãng này. Quan chức Anh lo ngại Huawei sẽ mua linh kiện từ các nhà cung cấp mới có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia. Giới chức vì thế không cho các nhà mạng mua thiết bị 5G của Huawei và phải thay thế thiết bị hiện có trước năm 2027. BT Group cho biết họ sẽ tốn thêm 650 triệu USD cho việc thay thế này.

Tại châu Âu, nhiều nhà mạng lớn cũng bắt đầu chuyển hướng, không tập trung mở rộng vùng phủ sóng và xây mạng 5G nữa, mà giờ sẽ thay thế thiết bị Huawei đang sử dụng. Lãnh đạo các nhà mạng châu Âu từ nhiều năm nay vẫn cảnh báo châu lục này đi sau Mỹ và châu Á về triển khai mạng 5G. Lệnh cấm vận lên Huawei có thể càng khiến việc này thêm nghiêm trọng.

Không có 5G, các hãng công nghệ và sản xuất tại châu Âu sẽ tụt hậu về các công nghệ phụ thuộc vào 5G, như xe tự lái và nhà máy sử dụng robot. Việc này sẽ làm giảm công suất và khiến các công ty bỏ lỡ cơ hội kinh doanh mới.

Tại Mỹ, từ năm 2012, các nhà mạng lớn đã bị cấm sử dụng thiết bị của Huawei và ZTE. Dù vậy, hai hãng này vẫn tiếp tục cung cấp cho các nhà mạng nhỏ, ở nông thôn. Đến tháng 6/2020, Mỹ tiếp tục cấm các nhà mạng nhỏ sử dụng tiền của liên bang để mua hoặc duy trì thiết bị của hai hãng này.

Các nhà mạng nhỏ thường dựa vào trợ cấp của liên bang. Vì thế, quyết định trên buộc họ phải thay thế trong vài năm. Khoảng 50 nhà mạng ở nông thôn Mỹ cho biết việc này sẽ khiến họ mất tổng cộng 1,8 tỷ USD.

Pine Belt Communications - một nhà mạng ở Alabama (Mỹ) có kế hoạch tăng gấp đôi mạng lưới để đạt 100.000 khách hàng mới, trong đó có cả các trẻ em cần kết nối Internet để học từ xa vì đại dịch. Tuy nhiên, kế hoạch này giờ có thể phải mất hơn một năm mới thực hiện được, vì Quốc hội Mỹ chưa duyệt hỗ trợ tài chính.

Bán dẫn

Các công ty bán dẫn của Mỹ muốn bán một số sản phẩm cho Trung Quốc sẽ phải nộp đơn xin phép Bộ Thương mại. Hiện tại, ngành này đang yêu cầu chính phủ tăng minh bạch và thống nhất trong quy trình cấp phép, do các công ty Mỹ đang mất doanh thu.

Năm 2018, ngành bán dẫn Mỹ đạt doanh thu 226 tỷ USD và có 48% thị phần toàn cầu, theo báo cáo tháng 3 của Boston Consulting Group. Cả hai số liệu này được dự báo sụt giảm trong các năm tới, do cạnh tranh từ Trung Quốc tăng lên. Lệnh hạn chế xuất khẩu của Mỹ có thể khiến mức giảm còn mạnh hơn.

Các lãnh đạo ngành này cho biết doanh thu lẽ ra thuộc về các hãng chip Mỹ thì sẽ rơi vào tay đối thủ nước ngoài, khiến họ có ít tiền cho R&D (nghiên cứu và phát triển) hơn. Điều này rất quan trọng, vì để duy trì thế thống trị toàn cầu, Mỹ cần sản xuất các loại chip tiên tiến dùng trong cả quân đội lẫn mục đích thương mại.

Dù Bộ Thương mại Mỹ đã cấp phép cho một số hãng chip Mỹ tiếp tục bán hàng cho Huawei và các công ty Trung Quốc khác, các lãnh đạo doanh nghiệp cho biết các giới hạn hiện tại không được lên kế hoạch kỹ càng. Một báo cáo cho thấy 73% sản phẩm từ các hãng chip Mỹ là mặt hàng mà công ty Trung Quốc có thể dễ dàng mua được ngoài Mỹ. Còn với 27% còn lại, một số chẳng hề đe dọa an ninh quốc gia, ví dụ như chip hay vòng đeo theo dõi sức khỏe.

"Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này là Mỹ nghiên cứu lại các lệnh hạn chế về công nghệ, định nghĩa rõ về rủi ro an ninh quốc gia và tránh vô tình tổn hại đến vị thế dẫn đầu của mình trong ngành bán dẫn", John Neuffer - CEO SIA cho biết.

Một quan chức cấp cao Mỹ cho biết mục tiêu của hạn chế xuất khẩu là tìm ra chính xác các công ty Mỹ đang bán gì cho Trung Quốc. Đây là điều Bộ Thương mại có thể làm được, vì họ đang xem xét nhiều giao dịch. Giới chức cho biết Bộ này có thể cấp phép cho phần lớn công ty muốn bán hàng cho Trung Quốc, sau khi cân nhắc từng trường hợp. Dù vậy, họ cũng thừa nhận các hãng chip đang nổi giận vì quá trình xét duyệt không thể đẩy nhanh.

Đến nay, các động thái của Mỹ đang gián tiếp khiến doanh nghiệp mất việc kinh doanh. Jake Parker - Phó giám đốc Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung cho biết ông được nghe kể rằng một công ty Nhật đang giục các công ty Trung Quốc rời khỏi nhà cung cấp Mỹ. Thông điệp của họ là "Anh không thể dựa vào công nghệ Mỹ được đâu, vì rồi cũng sẽ bị cắt thôi".

Lệnh hạn chế xuất khẩu cũng đang tác động đến các hãng bán dẫn nước ngoài, vì họ sử dụng công nghệ Mỹ trong quá trinh sản xuất sản phẩm để bán cho Huawei. Kioxia Holdings (Nhật Bản) tháng trước đã phải hủy kế hoạch IPO do lệnh hạn chế xuất khẩu của Mỹ áp lên Huawei khiến việc kinh doanh của họ chịu ảnh hưởng.


Hà Thu/vnexpress.net

https://vnexpress.net/toan-cau-tra-gia-dat-vi-chien-tranh-lanh-cong-nghe-my-trung-4181201.html

  • Từ khóa