Nhiều lợi ích từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Thứ 4, 03.08.2022 | 08:58:17
668 lượt xem

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2020. Sau một thời gian triển khai, việc thực hiện chính sách trên đã cho thấy những lợi ích nhất định trong nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng.

Từ năm 2020, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh được thành lập và phụ trách việc thu, chi DVMTR. Ông Nguyễn Hữu Hưng, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm, Trưởng Ban điều hành quỹ cho biết: Thực tế việc thu DVMTR được triển khai từ năm 2020 (tiến hành thu của năm 2018 – 2020). Ngay sau khi hoàn tất các khoản thu, đơn vị đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Lạng Sơn tiến hành chi trả cho các chủ rừng bằng hình thức không sử dụng tiền mặt. Theo đó, tổng số tiền DVMTR giai đoạn 2018 – 2020 là trên 10 tỷ đồng. Số tiền trên đã được chi trả cho hơn 34.000 chủ rừng gồm: gia đình, cộng đồng dân cư; UBND các xã được giao quản lý diện tích rừng cung ứng DVMTR.

Người dân xã Thanh Loà, huyện Cao Lộc chăm sóc rừng

Trong số các huyện, thành phố, Bình Gia là huyện có số tiền DVMTR chi trả lớn nhất toàn tỉnh. Từ năm 2018 đến 2020, các chủ rừng trên địa bàn huyện đã  được chi trả trên 3 tỷ đồng. Từ nguồn trên, các địa phương đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng.

Đơn cử như xã Minh Khai, huyện Bình Gia, một trong những xã được chi trả tiền DVMTR lớn nhất trên địa bàn tỉnh, năm 2020, UBND xã và 178 hộ được chi trả DVMTR của 3 năm (2018 – 2020) gần 400 triệu đồng. Ông Hướng Ngọc Ánh, Chủ tịch UBND xã Minh Khai cho biết: Việc thực hiện chính sách chi trả tiền DVMTR đã giúp xã có kinh phí xây dựng kế hoạch, tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền các quy định trong lĩnh vực lâm nghiệp tại từng thôn. Đồng thời, thực hiện cắm 10 biển cảnh báo tại các khu vực rừng của 10 thôn để nhắc nhở người dân bảo vệ rừng. Ngoài ra, nhiều chủ rừng khi nhận được tiền DVMTR đã sử dụng vào việc mua cây giống, phân bón, máy cắt cỏ… để trồng và chăm sóc rừng.

Còn tại huyện Tràng Định, từ khi tiền DVMTR được chi trả cho các địa phương, Hạt Kiểm lâm huyện đã chủ động tư vấn cho UBND các xã, thị trấn có kế hoạch sử dụng nguồn DVMTR phục vụ cho công tác trên. Ông Hoàng Ngọc Khôi, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tràng Định cho biết: Mặc dù không trực tiếp thực hiện chi trả phí DVMTR cho các chủ rừng, nhưng đơn vị thường xuyên trao đổi, phối hợp với UBND các xã xây dựng kế hoạch, triển khai các lớp tập huấn cho người dân. Đồng thời, tham mưu UBND các xã sử dụng kinh phí trên để kiện toàn các tổ đội quản lý, bảo vệ rừng. Nhờ có nguồn kinh phí từ DVMTR, từ đầu năm 2022 đến nay, các xã đã chủ động phối hợp tổ chức 13 cuộc tập huấn, tuyên truyền cho hàng nghìn người dân.

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 311.000 ha rừng cung ứng DVMTR tại  11 huyện, thành phố. Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, chính sách chi trả DVMTR đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng. Nhờ chính sách trên, ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của chủ rừng được nâng lên đáng kể.

Không chỉ đem lại lợi ích cho các chủ rừng, chính sách chi trả DVMTR cũng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sử dụng DVMTR. Ông Nguyễn Minh Thành, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thuỷ điện Thác Xăng cho biết: Hiện tại, nhà máy thuỷ điện Khánh Khê của đơn vị thuộc đối tượng sử dụng DVMTR. Theo đó, đơn vị được chủ rừng cung ứng các dịch vụ như: bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ đất, chống xói mòn và điều tiết, duy trì nước để sản xuất điện năng… Với việc chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng, nỗi lo về việc bảo vệ rừng, đất, nước của doanh nghiệp được giảm bớt rất nhiều khi các chủ rừng có trách nhiệm thực hiện công tác trên.

Theo thống kê của Quỹ Bảo vệ Phát triển rừng, tại thời điểm năm 2018, số đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng mới chỉ là 4 đơn vị (đều là các đơn vị thuỷ điện). Bước sang năm 2022, đã có 14 đơn vị sử dụng và nộp phí DVMTR với tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng phải thu trên 4,8 tỷ đồng. Theo đánh giá, về lâu dài, số lượng doanh nghiệp sử dụng sẽ ngày càng tăng cao. Do vậy, trong tương lai, tiền DVMTR sẽ là một trong những nguồn thu góp phần giúp người trồng rừng phát triển kinh tế.


GIA KHÁNH/baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/517602-nhieu-loi-ich-tu-chinh-sach-chi-tra-dich-vu-moi-truong-rung.html


  • Từ khóa