Nâng cao đời sống, thu nhập của người dân vùng nông thôn

Thứ 7, 05.11.2022 | 14:56:44
580 lượt xem

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020 đã làm đổi thay diện mạo vùng nông thôn trong cả nước khi cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Trần Thanh Nam, mục tiêu chính của Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung vào việc nâng cao đời sống, thu nhập của người dân vùng nông thôn một cách bền vững.

Nâng cao đời sống, thu nhập của người dân vùng nông thôn
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam.

Phóng viên (PV): Thưa Thứ trưởng, Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung vào nhiệm vụ chính gì?

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Chương trình NTM giai đoạn trước chúng ta tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, đến nay, nhiều địa phương đã đạt 70-90%. Giai đoạn 2021-2025, chúng tôi xác định nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn. Chương trình sẽ tập trung hỗ trợ để giúp các xã ở vùng khó khăn đạt chuẩn NTM, nhất là các xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang... đang có khoảng cách khá lớn so với các xã vùng đồng bằng.

Chúng tôi thấy rằng, phải tập trung nâng cao thu nhập của người dân ở vùng nông thôn. Để thực hiện tiêu chí này, cần phải tăng cường đào tạo nghề, tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được thực hiện từ năm 2018, đến nay, có khoảng 8.565 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên (trong đó 65,4% sản phẩm đạt 3 sao; 33,4% sản phẩm đạt 4 sao; 1% sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao và 0,2% sản phẩm đã đạt 5 sao. Hơn 60,7% chủ thể có sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên có doanh thu tăng bình quân 17,6%/năm; giá bán sản phẩm OCOP sau khi được công nhận tăng bình quân 12,2%-PV).

Kết quả trên đã chứng minh, đây là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ trong việc nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân ở nông thôn. Chương trình này đã khơi dậy được tiềm năng, lợi thế, năng lực của người dân ở các địa phương. Chúng tôi xem đây là một chương trình trọng tâm cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới.

Vấn đề thứ hai là môi trường và nước sạch cho khu vực nông thôn. Tuy rằng 10 năm qua chúng ta có cố gắng rất nhiều nhưng nhiều vấn đề về môi trường ở nông thôn, cảnh quan ở nông thôn cần phải được tiếp tục nâng cao. Vấn đề thứ ba là bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở khu vực nông thôn, nâng cao mức hưởng thụ của người dân về các giá trị văn hóa. Đặc biệt, phát triển chương trình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn nhằm góp phần vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vừa khai thác để phát triển kinh tế nông thôn. Vấn đề thứ tư là an ninh, trật tự ở khu vực nông thôn cũng cần phải được quan tâm, bảo đảm tốt hơn trong thời gian tới. Đó là những nét chính mà chúng tôi sẽ tập trung trong giai đoạn tới.

Nâng cao đời sống, thu nhập của người dân vùng nông thôn
Một gian hàng OCOP của tỉnh Quảng Ninh tại Hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam.

PV: Hiện nay đã xuất hiện bộ tiêu chí mới về xây dựng NTM như các vấn đề chuyển đổi số, du lịch nông thôn... Vậy Bộ NN-PTNT sẽ triển khai những vấn đề này như thế nào trong thời gian tới, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Bên cạnh chương trình OCOP, chúng tôi xác định trọng tâm của đề án là phát triển du lịch nông thôn, du lịch nông nghiệp. Đây là mảng phát triển rất tốt trong thời gian qua. Chính du lịch nông thôn, du lịch nông nghiệp đã vực dậy kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở nhiều địa phương, nhất là ở vùng cao, vùng biên giới, nơi mà người dân tận dụng được cảnh quan môi trường. Vấn đề này chúng tôi cũng sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện trong giai đoạn tới.

Về chuyển đổi số trong xây dựng NTM, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện theo hướng xã hội hóa, mang tính chất cộng đồng, tập trung kết nối với các cấp chính quyền để giải quyết các thủ tục hành chính. Chuyển đổi số còn giúp giải quyết nhiều vấn đề khác, như: Dự báo thị trường, dự báo thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, môi trường... Cùng với đó, đây cũng là một kênh để chúng ta lấy ý kiến của người dân về mức độ hài lòng đối với chương trình xây dựng NTM.

 PV: Thứ trưởng từng chia sẻ mục tiêu cốt lõi của xây dựng NTM là nâng cao đời sống của người dân vùng nông thôn. Hiện nay, chương trình giảm nghèo bền vững cũng đang được thực hiện, Bộ NN-PTNT sẽ định hướng phối hợp giữa hai chương trình như thế nào?

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Chương trình giảm nghèo bền vững do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì. Mỗi chương trình sẽ có kế hoạch và dự án riêng, chúng tôi sẽ phối hợp để thực hiện lồng ghép với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để làm sao phát huy cao nhất hiệu quả của các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình xây dựng NTM. Đối với các xã bãi ngang, xã nghèo, huyện nghèo thì tập trung nguồn vốn của chương trình giảm nghèo bền vững theo những tiêu chí cụ thể. Khi triển khai chương trình xây dựng NTM, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp để hỗ trợ người nông dân tiêu thụ nông sản. Cùng với đó, chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền các địa phương để hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu quả của các hợp tác xã (HTX). Khi kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, trong đó có HTX hoạt động, phát huy được hiệu quả sẽ góp phần xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản.

Nâng cao đời sống, thu nhập của người dân vùng nông thôn
Phụ nữ thôn Giáng, xã Quang Hiến, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa trên đường liên thôn được xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: DIỆP ANH 

PV: Xin Thứ trưởng phân tích cụ thể hơn tác động của phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác đối với nhiệm vụ xây dựng NTM?

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Chúng tôi thấy rằng, lúc này cần phải xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản lớn đạt chuẩn, chất lượng phục vụ nhu cầu trong nước lẫn xuất khẩu. Muốn làm được điều này, cần phải có sự liên kết. Doanh nghiệp rất khó thực hiện liên kết từng hộ nông dân mà cần liên kết qua các hình thức kinh tế tập thể, đó là tổ hợp tác, các HTX. Đây chính là sợi dây kết nối để hướng dẫn người dân sản xuất gắn với thị trường, đáp ứng được đòi hỏi của thị trường. Nông dân, các tổ hợp tác, HTX phải gắn với doanh nghiệp để sản xuất đáp ứng được yêu cầu của thị trường, có đầu ra vững chắc cho sản phẩm. Đây là vấn đề cần tập trung phát triển trong thời gian tới, nhất là những xã vùng sâu, vùng xa, những nơi có vùng nguyên liệu thì cần phải chuẩn hóa vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tập trung xây dựng các trung tâm logistics quy mô nhỏ để vận chuyển, bảo quản, sơ chế hàng hóa.

PV: Để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn thì cần hết sức quan tâm tới những nhu cầu thiết yếu, ví dụ như nước sạch. Chương trình nước sạch vùng nông thôn thời gian qua đã tạo ra những thay đổi như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Chương trình nước sạch nông thôn thời gian qua đạt được rất nhiều kết quả, hệ thống nước sạch đã đến được với bà con ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, có nơi, quá trình tổ chức thực hiện chương trình này chưa đồng bộ giữa chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn nên vẫn có những công trình nước sạch được đầu tư xây dựng nhưng chưa phát huy hiệu quả. Trước tình trạng này, Bộ NN-PTNT ngay lập tức đã đi kiểm tra, giám sát và kịp thời chấn chỉnh. Để chương trình nước sạch phát huy hiệu quả thiết thực, phục vụ đời sống của người dân khu vực nông thôn, Bộ NN-PTNT đã tham mưu để Chính phủ ra một nghị định về vấn đề nước sạch. Cùng với đó, việc triển khai sẽ theo hình thức xã hội hóa, trong đó có sự tham gia của doanh nghiệp thì mới đạt hiệu quả, bảo đảm xây dựng được các công trình cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!


Nguyễn Kiểm/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nang-cao-doi-song-thu-nhap-cua-nguoi-dan-vung-nong-thon-710097

  • Từ khóa