Kết luận thanh tra EVN nêu bất cập về vận hành thuỷ điện

Thứ 5, 13.07.2023 | 14:53:24
641 lượt xem

Kết luận thanh tra vừa được Bộ Công Thương công bố đã chỉ ra các tồn tại, hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành cung cấp điện giai đoạn 2021-2023 của EVN và các đơn vị có liên quan

Như báo Người Lao Động đã đưa tin, ngày 12-7, Bộ Công Thương đã công bố kết luận thanh tra việc cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan.

Kết luận thanh tra đã chỉ ra các tồn tại, hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành cung cấp điện giai đoạn 2021-2023 của EVN và các đơn vị có liên quan.

Kết luận thanh tra EVN nêu bất cập về vận hành thuỷ điện - Ảnh 1.

Kết luận thanh tra đã chỉ ra các tồn tại, hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành cung cấp điện giai đoạn 2021-2023 của EVN và các đơn vị có liên quan

Theo đó, từ tháng 7-2022, các đơn vị của EVN vẫn tăng cường khai thác nước phục vụ phát điện của các nhà máy thủy điện lớn khu vực phía Bắc. Bao gồm 8 hồ chứa thủy điện là Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Bản Chát, Tuyên Quang, Thác Bà; Trung Sơn; Bản Vẽ.

Đoàn thanh tra xác định việc này làm giảm mực nước các hồ so với Kế hoạch vận hành hệ thống điện năm 2022 mặc dù đã được dự báo và quan trắc về số liệu thủy văn về lưu lượng nước về chỉ đạt 60 - 80% so với trung bình nhiều năm.

Việc huy động vận hành các hồ chứa thủy điện nêu trên làm giảm mực nước các hồ chứa so với kế hoạch năm và thấp hơn đáng kể so với mực nước dâng bình thường, ảnh hưởng đến việc điều tiết chuẩn bị nước cho phát điện mùa khô năm 2023. Qua đó khiến công tác vận hành chưa sát thực tế thủy văn, chưa chủ động trong các kịch bản ứng phó, đảm bảo cung cấp điện.

Cũng theo kết luận thanh tra, trong các tháng 3, 4, 5 năm 2023, các nhà máy thủy điện vẫn được huy động cao, dẫn đến giảm mực nước các hồ thủy điện. Trong tháng 3-2023, lưu lượng nước về các hồ có dấu hiệu giảm, sản lượng điện theo nước về toàn hệ thống thấp hơn 563 triệu kWh so với kế hoạch năm. Tính đến hết tháng 3, tổng sản lượng thủy điện tích được trong các hồ thấp hơn kế hoạch năm là 462 triệu kWh.

Tháng 4-2023, lưu lượng nước về các hồ thủy điện tiếp tục giảm mạnh, sản lượng theo nước về trong tháng 4 thấp hơn khoảng 765 triệu kWh so với kế hoạch năm. Đến hết tháng 4, lượng nước tích trong các hồ thủy điện thiếu hụt so với kế hoạch năm là 1,632 tỉ kWh.

Cuối tháng 5-2023, các nhà máy thủy điện Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Thác Bà về gần mực nước chết, ảnh hưởng đến việc sẵn sàng phát điện, cung cấp điện cho hệ thống điện; chỉ có hồ thủy điện Hòa Bình giữ được mực nước cao sẵn sàng phát điện đáp ứng điều chỉnh tần số của hệ thống điện và cung cấp điện miền Bắc.

Đoàn thanh tra kết luận việc định hướng hạ mực nước cho cuối năm 2022, làm mực nước các hồ thủy điện giảm so với mực nước trong kế hoạch vận hành hệ thống điện được duyệt, gây ảnh hưởng đến việc điều tiết chuẩn bị nước cho phát điện mùa khô năm 2023 là không tuân thủ kế hoạch đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 3063/QĐ-BCT ngày 31-12-2021.

Đồng thời, việc tiếp tục huy động cao sản lượng thủy điện năm 2023 theo chỉ đạo của Hội đồng thành viên EVN tại Thông báo số 722/TB-EVN ngày 30-12-2022 làm giảm mực nước các hồ thủy điện trong các tháng đầu năm gây mất cân đối cơ cấu nguồn điện, ảnh hưởng cung cấp điện trong giai đoạn cao điểm mùa khô 2023 cho hệ thống điện, đặc biệt là hệ thống điện miền Bắc.

Kết luận thanh tra EVN nêu bất cập về vận hành thuỷ điện - Ảnh 3.

Miền Bắc thiếu điện trong đợt nắng nóng đỉnh điểm vừa qua

Về nhiệt điện, kết luận thanh tra cho biết hàng năm EVN có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc, các Tổng công ty phát điện (GENCO) rà soát, xác định nhu cầu và chuẩn bị nhiên liệu than cho sản xuất điện; phê duyệt kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng, duy trì cơ sở hạ tầng tiếp nhận than...

Tuy nhiên, quá trình triển khai của một số nhà máy nhiệt điện trực thuộc EVN và các GENCO thực hiện không kịp thời, không đầy đủ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, dẫn đến xảy ra tình trạng một số nhà máy nhiệt điện than tồn kho thấp kéo dài, không đảm bảo đủ than cho phát điện cục bộ ở một số thời điểm năm 2022 và một số tháng đầu năm 2023.

Bên cạnh đó, việc huy động sản lượng điện phát biến động lớn đã gây khó khăn trong điều hành, chuẩn bị nhiên liệu than của các nhà máy nhiệt điện; việc huy động điện giảm so với Kế hoạch và duy trì trong khoảng thời gian dài (các năm 2021 - 2022) đã ảnh hưởng đến sự chủ động trong việc thu xếp nhiên liệu than cho vận hành của các nhà máy nhiệt điện.

Theo kết luận thanh tra, trong một số thời điểm trong tháng 5 đến tháng 6-2023, tình trạng mất điện xảy ra trên diện rộng, đặc biệt là các tỉnh khu vực miền Bắc. Đây là hệ quả của việc thiếu hụt nguồn cung ứng điện khi nhu cầu phụ tải tăng cao, phải thực hiện tiết giảm, sa thải phụ tải để đảm bảo an ninh hệ thống điện.

Bên cạnh đó, việc không thông báo ngừng, giảm cung cấp điện trước, kịp thời cho một số khách hàng sử dụng điện gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt; việc thông báo còn chưa đầy đủ thông tin. Ngoài ra, quá trình tiết giảm, sa thải phụ tải còn chậm trong một số khung giờ.

Các đơn vị thuộc Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã triển khai các công tác quản lý nhà nước về đảm bảo cung cấp điện của EVN và các đơn vị có liên quan đến cung cấp điện.

Tuy nhiên, tại một số thời điểm, việc kiểm tra, giám sát chưa bám sát tình hình thực tế cũng là một phần nguyên nhân để xảy ra tình trạng nêu trên. Trách nhiệm thuộc về Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Dầu khí và Than.


Hà Minh/nld.com.vn

https://nld.com.vn/kinh-te/ket-luan-thanh-tra-evn-neu-bat-cap-ve-van-hanh-thuy-dien-2023071309224752.htm

  • Từ khóa