Thời cơ hiếm có của ngành gạo

Thứ 7, 15.07.2023 | 09:10:03
551 lượt xem

Nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước vẫn cao, giá gạo tăng liên tục mang lại cơ hội hiếm có cho ngành gạo

Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, triển vọng ngành gạo được đánh giá là tương đối tích cực trong 6 tháng cuối năm do sản lượng gạo tại nhiều quốc gia sản xuất ở châu Á đứng trước nguy cơ sụt giảm trước tác động của El Nino, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu cũng như giá gạo trên thị trường quốc tế.

Nông dân kiếm đất làm lúa

Mới đây, báo chí quốc tế đưa tin Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới, chiếm hơn 40% thương mại gạo toàn cầu - đang thảo luận về kế hoạch cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo không phải basmati (một loại gạo đặc sản giá cao). Động thái này có thể khiến giá gạo tiếp tục tăng cao trong thời gian tới và thực tế là gạo trắng 5% tấm của Thái Lan và Pakistan đã tăng 2-10 USD/tấn trong phiên giao dịch ngày 13-7.

Theo ông Phạm Văn Minh, một nông dân trồng lúa quy mô lớn ở Tây Ninh và huyện Củ Chi (TP HCM), chưa có khi nào mà giá lúa vụ hè thu lại cao hơn vụ đông xuân như năm nay, giá vật tư đầu vào giảm càng khiến nông dân trồng lúa phấn khởi. Nông dân trồng lúa năm nay ai cũng đạt lợi nhuận cao hơn các năm trước. Bản thân ông đang tìm thêm đất để mở rộng vùng trồng nhưng tìm hoài không có. "Trong khi nhiều đất nông nghiệp được các "đại gia" mua rồi bỏ không, cũng không cho chúng tôi thuê, rất lãng phí. Nhiều mảnh đất màu mỡ trở thành đất hoang, thành nơi trú ẩn của chuột, sâu bệnh phá lúa của bà con đang canh tác" - ông Minh bức xúc.

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (tỉnh Tiền Giang), cho hay nhu cầu nhập khẩu của các đối tác nhiều nhưng sản lượng gạo của Việt Nam có giới hạn nên giá bị đẩy lên cao. Đầu năm đơn hàng nhiều, các doanh nghiệp (DN) đã vét kho để xuất khẩu nên đơn hàng mới đang chờ nông dân thu hoạch để mua vào. Lúa thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. "Năm nay thị trường gạo thuận lợi hiếm có, bà con trồng lúa sẵn thì tiếp tục chứ chưa thể tăng diện tích để tăng sản lượng. Nếu xu hướng thuận lợi duy trì 1-2 năm thì nông dân sẽ tính chuyện lâu dài, mở rộng vùng trồng" - ông Đôn đánh giá.

Theo Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, tính đến hết tháng 6-2023, cả nước đã gieo cấy được 4,9815 triệu ha lúa, bằng 99% so với cùng kỳ năm 2022; sản lượng đạt 22,8 triệu tấn, xấp xỉ cùng kỳ nhờ năng suất tăng, đạt bình quân 6,7 tấn/ha.

Thời cơ hiếm có của ngành gạo - Ảnh 1.

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồ họa: ANH THANH

Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu chủ yếu tập trung ở các tỉnh vùng ĐBSCL, các vùng khác chủ yếu phục vụ cho tiêu thụ nội địa.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 4,27 triệu tấn gạo, thu về 2,3 tỉ USD, tăng 22,2% về khối lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đây là kỷ lục của ngành gạo. Giá gạo xuất khẩu bình quân ở giai đoạn này cũng cao hơn các năm, ở mức 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Quan trọng là hiệu quả

Là người gắn bó với ngành gạo, PGS-TS Dương Văn Chín, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, rất mừng khi gạo Việt Nam được thế giới ưa chuộng, xuất khẩu thuận lợi. "Nhưng cần nhìn thẳng vào thực tế là lợi nhuận của nông dân vẫn chưa cao. Bởi đơn giản là nông dân đa phần vẫn giữ thói quen canh tác cũ, sử dụng nhiều phân, thuốc, nhiều nước hơn mức khuyến cáo. Cần triệt để áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để hạ giá thành sản xuất lúa, tăng lợi nhuận cho người trồng" - PGS-TS Dương Văn Chín nói.

Về phía các DN, ngoài việc giữ các thị trường truyền thống, cần phát triển thêm những thị trường ngách, các sản phẩm giá trị gia tăng để đa dạng hóa thị trường, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. PGS-TS Dương Văn Chín cũng cho rằng Việt Nam không lo thiếu gạo nên nếu nhu cầu thế giới cần, DN xuất khẩu có lời thì cứ để họ tự do bán, không cần khống chế số lượng. "Thậm chí, Việt Nam có thể xuất khẩu gạo chất lượng cao và nhập gạo khô giá rẻ của Ấn Độ để phục vụ chế biến" - PGS-TS Dương Văn Chín nêu quan điểm.

Thời cơ hiếm có của ngành gạo - Ảnh 2.

Chuyển gạo lên container để xuất khẩu Ảnh: AN NA

Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, tổng khối lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu tại các tỉnh vùng ĐBSCL năm 2023 có thể đạt khoảng 6,6 triệu tấn. Do vậy, các tháng cuối năm Việt Nam chỉ còn gần 2,5 triệu tấn gạo dành cho xuất khẩu. Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) - cho rằng dự báo trên sát với thực tế vì dẫu lợi nhuận cây lúa có tăng nhưng so với các loại rau quả vẫn còn khoảng cách xa. Diện tích trồng lúa giảm, diện tích trồng lúa vụ 3 cũng giảm nên sản lượng gạo của Việt Nam cũng có xu hướng giảm. "Hiện nay, giá gạo Việt Nam đang "nóng", nhiều thời điểm giá nội địa cao hơn giá xuất khẩu vì DN gom hàng giao theo hợp đồng (chốt giá từ trước - PV). Do đó, để an toàn, DN nên ký hợp đồng đến đâu giao hàng đến đó để tránh rủi ro" - Phó Chủ tịch VFA khuyến cáo.

Theo Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 3-7 về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo trên tinh thần củng cố các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia, khu vực châu Phi... và phát triển các thị trường mới. Cần khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao như EU, Hàn Quốc, Mỹ, khu vực Bắc Mỹ..., nhất là những thị trường Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA).


Vương Ngọc/nld.com.vn

https://nld.com.vn/kinh-te/thoi-co-hiem-co-cua-nganh-gao-20230714204141725.htm 

  • Từ khóa