Góc nhìn nghị trường: Cần sớm sửa đổi chính sách thuế thu nhập cá nhân

Thứ 7, 04.11.2023 | 09:53:02
633 lượt xem

Tình hình kinh tế, mặt bằng giá hàng hóa, dịch vụ đã có nhiều thay đổi nhưng chính sách thuế thu nhập cá nhân đã duy trì gần 10 năm nên có nhiều quy định đã lạc hậu.

Nghiên cứu sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, trong đó có phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh; thay đổi khởi điểm chịu thuế là yêu cầu cấp thiết và được các đại biểu quan tâm thảo luận.

Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) nêu quan điểm, các quy định trong tính thuế thu nhập cá nhân như khởi điểm thu nhập chịu thuế, mức giảm trừ gia cảnh, bậc chịu thuế... không được cập nhật theo biến động của lương tối thiểu, giá cả và lạm phát. "Có nội dung đã lạc hậu cả chục năm. Đây là bất cập lớn", đại biểu Trần Văn Lâm nhấn mạnh.

Góc nhìn nghị trường: Cần sớm sửa đổi chính sách thuế thu nhập cá nhân
Cán bộ Cục Thuế TP Hà Nội hướng dẫn người dân khai, nộp thuế thu nhập cá nhân. Ảnh: ANH VIỆT  

Luật Thuế thu nhập cá nhân được ban hành vào năm 2007, áp dụng từ ngày 1-1-2009 và trải qua một số lần sửa đổi. Trong đó, tính từ lần sửa đổi luật gần nhất vào cuối năm 2012, tính đến nay đã hơn 10 năm và có một số quy định đã không theo kịp thực tiễn. Đơn cử, tới nay, dù mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh lên 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc, nhưng các mức này là chưa theo kịp tốc độ tăng giá cả hàng hóa, dịch vụ, không đủ để người lao động bảo đảm cuộc sống bình thường ở đô thị lớn. Thêm vào đó, quy định này lại áp dụng chung cho cả nước, không phân biệt vùng miền, trong khi Chính phủ chia lương tối thiểu của người lao động thành 4 vùng khác nhau với mức chênh lệch khá đáng kể.

Quy định thu nhập dưới 1 triệu đồng/tháng mới được xem xét là người phụ thuộc cũng là điều gây nhiều bất cập. Nhiều người đặt câu hỏi, với người già có mức lương hưu thấp, xoay quanh vài triệu đồng/tháng, trong thời buổi hiện nay, nhất là ở những thành phố có giá cả cao như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng... làm sao để người già có thể sống được nếu không có sự hỗ trợ từ con cái? Đáng chú ý, theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Cách tính này chưa sát với thực tế cuộc sống, bởi để chờ tới thời điểm CPI thay đổi 20% sẽ phải mất tới 5-7 năm, trong khi giá cả hàng hóa, chi phí sinh hoạt biến động không ngừng.

Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân là vấn đề hết sức cấp bách, mang ý nghĩa nhân văn và bảo đảm công bằng cho người lao động. Ðây cũng là cách khoan thư sức dân và nuôi dưỡng nguồn thu. Rất nhiều người lao động đang trông đợi luật được sửa đổi sớm, chứ không nên chờ tới năm 2025 mới đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ mười (tháng 10-2025), thông qua tại Kỳ họp thứ mười một (tháng 5-2026) như dự kiến hiện nay.

Một trong những nội dung cần sửa đổi của Luật Thuế thu nhập cá nhân là phải linh hoạt điều chỉnh mức thu nhập chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh. Việc thay đổi này có thể thực hiện hằng năm và gắn nó với sự thay đổi của CPI. Ví dụ, sau mỗi năm, chỉ số giá tiêu dùng tăng 5% thì mức giảm trừ gia cảnh phải tự động tăng 5% mới phù hợp với thực tiễn. Mặt khác, ngưỡng phải nộp thuế và mức giảm trừ gia cảnh cần được áp dụng khác nhau giữa các vùng miền, bảo đảm đời sống cho người lao động sống ở khu vực đô thị có chi phí sinh hoạt đắt đỏ.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/goc-nhin-nghi-truong-can-som-sua-doi-chinh-sach-thue-thu-nhap-ca-nhan-749909

  • Từ khóa