Xã vùng biên vươn lên từ rừng

Thứ 3, 12.03.2024 | 11:19:11
450 lượt xem

Những năm qua, nhờ chú trọng phát triển lâm nghiệp, công tác giảm nghèo trên địa bàn xã Tam Gia, huyện Lộc Bình đã đạt được những kết quả tích cực.

Người dân thôn Pò Có, xã Tam Gia phát dọn, chăm sóc rừng thông

Những ngày đầu tháng 3/2024, chúng tôi có dịp đến thăm xã biên giới Tam Gia. Hình ảnh đầu tiên hiện ra trước mắt chúng tôi là những cánh rừng thông bạt ngàn. Bà Mã Thị Phương, thôn Pò Có chia sẻ: Nhận thấy cây thông có nhiều ưu điểm, phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã, năm 2009, gia đình tôi đầu tư trồng 1 ha thông. Trong quá trình trồng và chăm sóc, nhận thấy cây phát triển tốt nên gia đình tôi tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích lên 7 ha. Khi cây thông đến thời kỳ thu hoạch, gia đình tôi bắt đầu khai thác nhựa, trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm gia đình khai thác được từ 4 đến 6 tấn nhựa thông, đem lại thu nhập từ 100 đến 120 triệu đồng/năm.

Không chỉ gia đình bà Phương, những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã có thu nhập ổn định từ trồng thông. Qua tìm hiểu của chúng tôi, cây thông đã được người dân trên địa bàn xã trồng từ những năm 2000 nhưng diện tích còn ít và chưa tập trung. Nhận thấy hiệu quả kinh tế đồi rừng, cấp ủy, chính quyền xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con cải tạo diện tích đất đồi hoang để mở rộng diện tích trồng thông. Nhờ đó, nhận thức của người dân đã dần thay đổi, đến nay, 85% hộ dân trên địa bàn xã trồng thông với tổng diện tích 4.261 ha (diện tích đất lâm nghiệp toàn xã là 4.877 ha), trong đó, khoảng 70% diện tích đã đến kỳ thu hoạch, đây cũng là một trong những xã có diện tích trồng thông lớn trên địa bàn huyện.

Ông Hoàng Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Gia cho biết: Xác định kinh tế đồi rừng là mũi nhọn, trong đó, cây thông là chủ lực, hằng năm, cấp ủy, chính quyền xã đã xây dựng kế hoạch và vận động người dân tích cực đăng ký trồng, sau khai thác tiếp tục trồng mới, trồng dặm. Đồng thời, hằng năm xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức từ 2 đến 4 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn bà con cách trồng và chăm sóc cây lâm nghiệp, trong đó có cây thông. Đặc biệt, để người dân có thêm nguồn lực đầu tư phát triển lâm nghiệp, cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác hỗ trợ, hướng dẫn các hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến nay, tổng dư nợ cho vay đạt trên 13 tỷ đồng với 193 hộ vay, trong đó, khoảng 80% hộ vay để trồng, chăm sóc rừng thông.

Bên cạnh việc hướng dẫn người dân tiếp cận và sử dụng vốn vay ưu đãi hiệu quả, chính quyền xã còn phối hợp với cơ quan chuyên môn kiểm tra chất lượng rừng trồng; định hướng và khuyến cáo bà con chủ động chăm bón, phòng trừ sâu bệnh hại; tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ rừng; thành lập 2 tổ hợp tác, 1 hợp tác xã nhằm liên kết tiêu thụ nông sản, trong đó chủ yếu tiêu thụ nhựa thông cho bà con trên địa bàn…

Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền cùng sự chủ động tích cực từ người dân, hiệu quả kinh tế từ cây thông đã và đang giúp nhiều người dân trên địa bàn xã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Hiện nay, toàn xã có trên 160 hộ khá, giàu từ trồng rừng; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt 41 triệu đồng/người/năm, tăng 15 triệu đồng/người/năm so với năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2023 còn 2,9%, giảm 10% so với năm 2021.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/xa-vung-bien-vuon-len-tu-rung-5002272.html

  • Từ khóa