Giáo dục trải nghiệm văn hóa – hướng đi mở trong dạy học

Thứ 4, 15.02.2023 | 13:44:23
953 lượt xem

Những năm qua, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã tích cực tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm không gian văn hóa nhằm giúp học sinh có những hiểu biết và hình thành sự tự tôn, tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả phong trào “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới thì hoạt động ngoại khóa và trải nghiệm là nội dung bắt buộc. Thời gian qua, các trường học trên địa bàn tỉnh đã tăng cường tổ chức hoạt động ngoại khóa nhằm tạo sự hứng khởi, thúc đẩy tinh thần sáng tạo, đam mê học tập trong học sinh.

Học sinh Trường THPT chuyên Chu Văn An (thành phố Lạng Sơn) tham gia trải nghiệm gói bánh chưng ngày tết

Trong những ngày trung tuần tháng 1/2023, chúng tôi có dịp đến Trường Mầm non 2/9, thành phố Lạng Sơn, tại đây, trường đã tổ chức ngoại buổi khóa “Bé vui đón Tết”, cho trẻ trải nghiệm không khí, văn hóa tết cổ truyền của dân tộc. Cô Nguyễn Thúy Ngà, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trong buổi ngoại khóa, trẻ được hát, múa các bài hát về chủ đề mùa xuân và ngày tết, được tham gia gói bánh chưng, xem viết thư pháp, trang trí cành đào… Hoạt động này được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho trẻ vừa được giao lưu vừa để tìm hiểu về những hoạt động của ngày tết quê hương.

Tương tự, tại Trường THPT Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn vào ngày 30/1/2023 (tức ngày mùng 9 tháng Giêng), nhà trường đã tổ chức chương trình “Khai bút đầu xuân” năm 2023. Tại chương trình, học sinh được tham gia vào các nội dung như Hội thi “Tuổi trẻ khai bút” với chủ đề “Khát vọng bay lên”, qua đó, học sinh đã thể hiện những nét chữ đẹp với câu từ hay như một lời cầu chúc cho năm mới mọi sự hanh thông, thể hiện tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo, cầu cho năm học sắp tới sẽ đạt được những thành tích tốt. Bên cạnh đó, học sinh còn được tham gia trò chơi dân gian (bịt mắt đánh trống, nhảy bao bố), trả lời các câu hỏi liên quan đến ngày tết và các lễ hội truyền thống của địa phương. Đây là một chương trình bổ ích, thiết thực, mang giá trị truyền thống sâu sắc.

Hiện toàn tỉnh có 670 cơ sở giáo dục với trên 207.000 học sinh, sinh viên. Theo tìm hiểu thời gian qua, 100% trường học từ mầm non đến các trường phổ thông và trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh đều đưa việc giáo dục trải nghiệm văn hóa vào trong trường học, gắn với từng chủ đề như: văn hóa lễ hội, văn hóa tết… đặc trưng của Lạng Sơn và lịch sử của quê hương, đất nước. Không chỉ tự tổ chức, các trường còn phối hợp với cơ quan, đơn vị chức năng để buổi ngoại khóa diễn ra sôi động, hấp dẫn hơn. Nổi bật trong đó là việc nhiều trường học đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh chiếu các clip, phim về di sản văn hóa lồng ghép với việc tham quan, giới thiệu tại nhà trưng bày của bảo tàng để học sinh tìm hiểu về văn hóa truyền thống. Theo đó, trong năm 2022, Bảo tàng tỉnh đã đón gần 17.000 lượt khách đến tham quan, trong đó trên 90% là học sinh các trường học trên địa bàn tỉnh.

Em Ngô Gia Huy, học sinh lớp 4A1, Trường Tiểu học – THCS Lê Quý Đôn, thành phố Lạng Sơn cho biết: Trong thời gian học tại trường, em và các bạn được tham dự các hoạt động ngoại khóa trải nghiệm về văn hóa lễ hội, văn hóa ngày tết cổ truyền. Ngoài ra, em còn được đến Bảo tàng tỉnh để khám phá, tìm hiểu về lịch sử, truyền thống của Xứ Lạng. Qua các hoạt động này chúng em đã có những hiểu biết và thêm yêu hơn truyền thống, văn hóa, lịch sử của Lạng Sơn.

Bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Để hoạt động giáo dục trải nghiệm văn hóa đi vào thực chất, sở đã hướng dẫn các trường mầm non, tùy theo điều kiện, các đơn vị bố trí không gian văn hóa, sắp xếp hợp lý, đẹp mắt, thu hút học sinh tới tìm hiểu, trải nghiệm, “học mà chơi, chơi mà học”. Ở cấp tiểu học lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng mô hình nhà trường tiểu học gắn với thực tiễn dạy học và đời sống giúp học sinh học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tiễn, tạo được môi trường giáo dục mở, thân thiện, an toàn và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy truyền thống. Đối với các trường từ cấp THCS trở lên, nhà trường chủ động lựa chọn các hoạt động trải nghiệm văn hóa phù hợp để tổ chức ngoại khóa cho học sinh tham gia.

Qua các hoạt động này học sinh được trang bị những kiến thức cơ bản về văn hóa dân tộc… qua đó, thêm hiểu và yêu quý, gìn giữ các nét văn hóa truyền thống; có phẩm chất đạo đức tốt, biết giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, có bản lĩnh để hội nhập quốc tế.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/xa-hoi/giao-duc/561565-giao-duc-trai-nghiem-van-hoa-huong-di-mo-trong-day-hoc.html

  • Từ khóa